TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121472
Số người đang truy cập:
186


Số 3 – Quý III – 2004

Nông nghiệp – Nông thôn

Kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9:

Người soạn thảo Chiếu thoái vị cho vua Bảo Đại

Ngày 19 – 8 – 1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội.

Chiều ngày 30 – 8 – 1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại được cử hành tại Ngọ Môn, Huế, trước sự chứng kiến của hơn 50 nghìn người dân Cố đô.

Phái đoàn thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại gồm các ông Trần Huy Liệu, trưởng đoàn và hai ông Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận.

Đúng 19 giờ 30, vua Bảo Đại đọc chiếu chính thức thoái vị trước máy truyền thanh và xin làm công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Toàn văn Chiếu thoái vị như sau:

“Hạnh phúc của dân Việt Nam, độc lập của nước Việt Nam, muốn đạt được mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả mọi phương diện và cũng vì mục đích ấy, nên Trẫm muốn sự hy sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc. Xét thấy điều bổ ích nhất cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng trong giờ nghiêm trọng này, đoàn kết là sống mà chia rẽ là chết, nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc hội thì không thể nào tránh được nạn Nam Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân, lại thuận tiện cho người ngoài lợi dụng, cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ tới công lao liệt thánh vào sinh ra tử trong gần 400 năm, mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hoá đến Hà Tiên; mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm trời mới gần gũi quốc dân được mấy tháng, chưa làm được gì.

Trong khi trao quyền lại cho Chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước ba điều sau này:

1- Đối với tôn miếu và lăng tẩm các liệt thánh, Chính phủ nên xử trí thế nào cho có sự thể.

2- Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia, nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, Trẫm mong Chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hoà xử trí, để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng Chính phủ Dân chủ Cộng hoà nước ta xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân, lợi ích cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một Chính phủ Dân chủ Cộng hoà.

3 – Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết tất cả các giai cấp, các đảng phái cho đến các người hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính phủ Dân chủ giữ vững nền độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm và hoàng gia mà sinh ra chia rẽ. Còn về phần riêng Trẫm trong 20 năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui mừng được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm quyết không để ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng gia mà lung lạc dân chúng.

Việt Nam độc lập muôn năm !

Dân chủ Cộng hoà muôn năm !”. (1)

Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại do ông Phạm Khắc Hoè, lúc bấy giờ là Tổng lý ngự tiền văn phòng của Triều đình Huế soạn thảo bắt đầu từ chiều 20 tháng 8 năm 1945 và được hoàn thành trong đêm hôm đó.

Đúng 12 giờ 25 phút trưa ngày 23 tháng 8 năm 1945, Nội các họp dưới quyền chủ toạ của nhà Vua và gồm có: Trần Trọng Kim, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Trịnh Đình Thảo, Vũ Văn Hiền và Nguyễn Hữu Thí. Về vấn đề trả lời tối hậu thư của Việt Minh, cuộc họp đồng ý chấp nhận các điều kiện của Việt Minh. Về vấn đề góp ý kiến vào dự thảo Chiếu thoái vị, chỉ có một ý kiến của Trần Đình Nam là nên bỏ bớt bốn chữ “nồi da xáo thịt”, nói “Nam Bắc phân tranh” là đủ rồi. (2)

Khoảng 11 giờ đêm ngày 26 – 8 – 1945, ông Tôn Quang Phiệt đến nhà ông Phạm Khắc Hoè, hỏi xem Chiếu thoái vị. Đọc xong, ông Tôn Quang Phiệt nói: “Hay thật đấy ! Nhưng đoạn nói về công lao liệt thánh đậm nét quá ! Chủ yếu là công lao của nhân dân lao động chứ đâu có phải là của các Chúa Nguyễn” ? (3)

Phạm Khắc Hoè quê ở xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, sinh năm 1901 trong một gia đình khoa bảng. Hồi còn nhỏ, ông học chữ nho và chữ quốc ngữ ở làng cho đến năm 15 tuổi. Cuối năm 1916, ông vào học lớp 3 Trường tiểu học Pháp Việt ở Vinh.

Tháng 6 – 1918, ông thi đậu “primaire” (tiểu học Pháp Việt).

Tháng 8 – 1918, ông lều chõng đi thi hương khoa Mậu Ngọ (tức là khoa cuối cùng trước khi thực dân Pháp bãi bỏ lệ nhà vua mở khoa thi).

Từ tháng 9 – 1918 đến 6 – 1922, ông học trường Quốc học Huế.

Từ tháng 9 – 1922 đến tháng 6 – 1925, ông học Trường Cao đẳng Pháp luật và Hành chánh Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường này, ông được bổ dụng làm tham tá toà sứ (Commis des résidences) và lần lượt làm việc ở Huế và Quy Nhơn cho đến năm 1933 thì chuyển sang ngạch quan lại Nam Triều. Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Phạm Khắc Hoè là Tổng lý ngự tiền văn phòng.

Trong Lời giới thiệu tác phẩm “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” của Phạm Khắc Hoè, đồng chí Hồng Chương đã viết: “…Phạm Khắc Hoè là người chứng kiến sự hấp hối của triều đình nhà Nguyễn trước và trong Cách mạng Tháng Tám (1945). Không những là người chứng kiến, hơn thế nữa, Phạm Khắc Hoè còn là người góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của triều đình phong kiến nhà Nguyễn từ bên trong. Bằng cuộc vận động gây sức ép bắt buộc Bảo Đại thoái vị, lại chính tay mình soạn thảo Chiếu thoái vị cho Bảo Đại, Phạm Khắc Hoè, từ bên trong, phối hợp với các lực lượng cách mạng như triều dâng thác đổ từ bên ngoài, góp phần làm sụp đổ chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam”. (4)

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Phạm Khắc Hoè đã từng giữ các chức vụ Giám đốc Nha Pháp chính, rồi Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phạm Khắc Hoè còn tham gia các cuộc đàm phán Việt – Pháp ở Đà Lạt và Phông-ten-bờ-lô với tư cách cố vấn kiêm Tổng thư ký Đoàn đại biểu Việt Nam.

Tháng 12 – 1946, Phạm Khắc Hoè bị giặc Pháp bắt ở Hà Nội. Những âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp lôi kéo dụ dỗ mua chuộc Phạm Khắc Hoè, đều không thể lay chuyển được tinh thần yêu nước của ông. Tháng 8 năm 1947, thoát khỏi sự khống chế của địch, Phạm Khắc Hoè ra vùng tự do và trở lại chức vụ Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ. Từ tháng 12 – 1957, ông giữ chức vụ Vụ trưởng vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng cho đến khi về hưu (tháng 10 – 1964).

Từ khi Mặt trận Tổ quốc được thành lập (1955), Phạm Khắc Hoè liên tục nhiều năm được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kết thúc tập hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, Phạm Khắc Hoè đã viết: “…Tôi vô cùng tự hào đã chọn con đường Bác đã vạch ra cho toàn thể đồng bào…”.(5) 

  Ghi chú: (1) Tạp chí Tri Tân số 203, ngày 6-9-1945.

(2)(3)(4)(5) Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc – NXB Thuận Hoá – Huế – 1987 – Tr. 72-79-8-414.

Văn Luận

 Các bài viết khác:
 

Kỷ niệm 89 năm ngày sinh của Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2004):

 

Làng di sản Phước Tích

 

Đàn bò siêu thịt ngoại nhập phát triển tốt

 

Kỹ thuật trồng xoài

 

Kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây vạn tuế

Chọn số:

Chọn chuyên mục: