Về Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII

Thực hiện kế hoạch Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 19 tháng 2 năm 2014 của UBND tỉnh về việc tổ chức Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII (Cuộc thi), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội), Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh Đoàn và các đơn vị phối hợp đã tập trung triển khai các hoạt động và đạt kết quả đáng trân trọng.

Đ/C Phan Ngọc Thọ – Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các nhóm tác giả đoạt giải cao tại Cuộc thi toàn quốc năm 2014

 

Trên cơ sở hướng dẫn của Ban tổ chức Cuộc thi toàn quốc, Liên hiệp hội đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh và thành lập Ban tổ chức gồm: Lãnh đạo Liên hiệp hội tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế.

Ban tổ chức phát động Cuộc thi tại Lễ tổng kết và trao giải năm 2013, được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; tổ chức các hội nghị triển khai và tích cực, chủ động đi tuyên truyền vận động trực tiếp tại các trường trung học phổ thông, các phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thường xuyên đốc thúc, liên lạc với các cán bộ chuyên trách ở các trường học để thông tin kịp thời tình hình tổ chức, triển khai Cuộc thi tại các cơ sở.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc thi trên các Bản tin Khoa học & Kỹ thuật, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế và website của Liên hiệp hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, các phòng Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều đơn vị đã làm tốt việc triển khai như: Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường THCS Điền Hòa, Trường THPT Phú Bài, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế, …Đặc biệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền đã tổ chức Cuộc thi cấp huyện lần thứ 2 và thu hút được đông đảo các em học sinh tham gia. Thông qua việc tổ chức Cuộc thi này, đơn vị đã tuyển chọn được 14 công trình tham gia dự thi cấp tỉnh và đã có 8 công trình đạt giải. Đây cũng là đơn vị đứng đầu về số lượng công trình dự thi và công trình đạt giải tại Cuộc thi lần này.

Với những cố gắng trong công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động, công trình đăng ký tham gia có sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Năm nay, Cuộc thi có hơn 450 công trình đăng ký tham gia tại cơ sở (tăng gần 30% so với Cuộc thi năm 2013) và có 43 công trình được gửi tham gia Cuộc thi cấp tỉnh, trong đó có 29 công trình được trao giải, gồm: 03 giải  Nhất, 08 giải Nhì, 07 giải Ba, 11 giải Khuyến khích.

Lĩnh vực Sản phẩm thân thiện với môi trường có 12 công trình, trong đó 7 công trình đạt giải. Tiêu biểu là  các công trình:  “Dung dịch chống côn trùng từ thảo mộc tự nhiên” của em Nguyễn Ngọc Thùy Nhung, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền; “Hệ thống sử dụng năng lượng gió trong gia đình” của nhóm tác giả: Nguyễn Đình Minh Anh, Nguyễn Văn Quế Linh, Hồ Duy Long học sinh, Trường THCS Chu Văn An, thành phố Huế…..

Lĩnh vực Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế có 11 công trình, trong đó có 5 công trình đạt giải. Tiêu biểu là các công trình: “Hệ thống điện chiếu sáng đường phố thông minh” của nhóm tác giả: Ngô Đức Thanh Tuấn, Nguyễn Quốc Anh, Hồ Quốc Anh, Trương Thế Dũng học sinh Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy; “Thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời” của nhóm tác giả: Nguyễn Hoàng Phi Long, Hồ Văn Anh Kim học sinh Trường THCS Điền Hòa, Phong Điền ….

Lĩnh vực Dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em có 13 công trình, trong đó có 10 công trình đạt giải, nổi bật là các công trình: “Máy cho gà ăn tự động” của nhóm tác giả: Hồ Thị Phương Nhi, Phạm Thị Huyền Linh, Hoàng Thị Thảo Nguyên học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế; “Thiết bị bẫy và diệt ruồi thông minh” của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Bích Kim học sinh trường Trường THCS Điền Hòa, huyện Phong Điền…

Lĩnh vực Đồ dùng dành cho học tập có 6 công trình, trong đó cả 6 công trình đều đạt giải, nổi bật là các công trình: “Chế tạo kính viễn vọng quang học” của nhóm tác giả: Đặng Hoàng San, Lê Đức Anh, Nguyễn Minh Phú học sinh Trường THCS Trần Cao Vân, thành phố Huế; “Mô hình robot đa ứng dụng” của nhóm tác giả: Lê Đức Đạt, Lê Đức Thành học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền…

Từ kết quả này, Ban tổ chức đã tuyển chọn được 18 công trình tham dự Cuộc thi toàn quốc lần thứ 10 – năm 2014, trong đó có 04 công trình đạt giải gồm: 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 02 giải Khuyến khích.

 Nhìn chung, Cuộc thi năm nay đã có tiến bộ hơn so với năm trước, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo trong Thanh thiếu niên, Nhi đồng, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

Bên cạnh những thành công trên, Cuộc thi năm nay vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như: Công tác kế hoạch, hướng dẫn cho các em tại các cơ sở chưa thật sự tốt, nên nhiều công trình tham gia cuộc thi lần này chưa đạt yêu cầu. Một số địa phương và ngành liên quan chưa thực sự vào cuộc. Đoàn thanh niên và Phòng Giáo dục và Đào tạo ở một vài huyện, thị chưa tích cực triển khai. Nhiều trường học chưa nhiệt tình, chủ động tham gia Cuộc thi mà chủ yếu là tự thân vận động của những học sinh ham mê sáng tạo.

Có thể nói, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII đã thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, để cho Cuộc thi trong những năm tới phát triển lên một tầm cao mới, công tác triển khai cần tiến hành sớm và có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị một cách thường xuyên. Các tổ chức Đoàn, phòng Giáo dục – Đào tạo các huyện, thị, thành phố cần tích cực, chủ động phối hợp triển khai. Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tăng cường tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở để phổ biến sâu rộng các thông tin về Cuộc thi đến các cấp, các ngành và đối tượng của Cuộc thi.

Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng của các mô hình, các sản phẩm thì cần thiết phải có sự đầu tư theo chiều sâu, có tính khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mỹ thuật cao; các mô hình, sản phẩm cần phát triển theo hướng phần mềm, tối ưu hóa, tự động hóa và hơn hết là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai, tham gia cuộc thi ở một số cấp, ngành, đơn vị, trường học, đặc biệt là ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

 Các trường học nên phát động ý tưởng sáng tạo ngay từ đầu năm học. Từ đó, lập hội đồng tuyển chọn ý tưởng, phân công giáo viên giúp đỡ học sinh hiện thực hóa ý tưởng bằng các công trình sáng tạo. Các phòng Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức Cuộc thi cấp huyện để tạo ra phong trào thi đua sáng tạo trong các trường học. Qua đó tuyển chọn công trình dự thi cấp tỉnh.

 UBND tỉnh, Sở Tài chính cần bố trí kinh phí hàng năm trong ngân sách cấp huyện để các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cuộc thi cấp huyện.

 Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng là hoạt động được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích tính sáng tao của tuổi trẻ. Đây là hoạt động có ý nghĩa hỗ trợ hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ tỉnh nhà, giúp các em nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà sáng chế.

 Thừa Thiên Huế là vùng đất học, vùng đất của những tài năng thì Sáng tạo phải là một trong những hoạt động nổi trội, là thế mạnh của địa phương. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần có sự phối hợp tốt giữa các ngành liên quan trong việc tổ chức Cuộc thi.

                                                                                                                                                               ThS. TRẦN GIẢI

Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội

Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: