Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế với vai trò đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức tham gia xây dựng và phát triển quê hương

Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, hăng hái hoạt động khoa học và tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.

Tọa đàm kỷ niệm ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5

Đội ngũ trí thức tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là đứng thứ nhất khu vực miền Trung – Tây nguyên, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng, chỉ đứng sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 40 nghìn người có trình độ từ cao đẳng trở lên và đa dạng về ngành nghề đào tạo. Hiện có trên 220 giáo sư, phó giáo sư, 500 tiến sĩ, hơn 1.000 thạc sĩ, hơn 200 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú… Trí thức Thừa Thiên Huế giàu lòng yêu quê hương, đất nước, cần cù, thông minh, có hoài bão, tinh thần vượt khó, ham học hỏi, say mê tìm tòi, nghiên cứu và giàu sáng tạo…và đầy trách nhiệm.  

Được thành lập từ năm 1993 với nhiệm vụ tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong tỉnh, điều hòa và phối hợp hoạt động của các hội thành viên, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng văn minh và giàu đẹp. Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, hệ thống tổ chức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) từng bước được củng cố và phát triển, gồm 40 hội thành viên, 8 trung tâm trực thuộc, 2 câu lạc bộ và một nhóm tư vấn, phản biện xã hội về môi trường với trên 20.000 hội viên là các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ có tính chuyên sâu, có quá trình công tác lâu năm và tầm nhìn rộng để nghiên cứu, đóng góp phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Cơ quan Liên hiệp hội, gồm có: Văn phòng và hai ban là ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội và ban Thông tin và phổ biến kiến thức với tổng cán bộ biên chế, chuyên trách 11 người, có đủ trình độ và năng lực thực hiện các nhiệm vụ. Đảng đoàn và chi bộ đảng ngày vững mạnh, trực tiếp lãnh chỉ đạo Liên hiệp hội thực hiện thành công các nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức tham gia xây dựng và phát triển quê hương.

Liên hiệp hội đã tập hợp, phát huy trí tuệ, vai trò trách nhiệm đội ngũ trí thức tham gia, góp phần xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội; triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống; tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN, nâng cao dân trí cho quần chúng nhân dân và cộng đồng xã hội. Nghiên cứu, sáng tạo nhiều công trình, sản phẩm có giá trị khoa học, chất lượng, có khả năng ứng dụng cao…góp phần từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ chung và xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KHCN của cả nước với hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; có đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến và hiện đại hóa công nghệ truyền thống; có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực khoa học – công nghệ, ưu tiên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, y dược…Đến nay, Liên hiệp hội đã được khẳng định là tổ chức chính trị – xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN với nhiều kết quả nổi bật như sau:

Công tác Tư vấn, phản biện và giám định xã hội luôn được Liên hiệp hội xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành thể hiện vai trò của mình đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, vừa là khẳng định vai trò, vị thể của mình. Liên hiệp hội đã tổ chức và tham gia phản biện 13 đồ án quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Các nội dung phản biện và các ý kiến đề xuất của Liên hiệp hội được lãnh đạo tỉnh và các ngành hữu quan đánh giá cao. Liên hiệp hội đang tiếp tục cố gắng tập hợp lực lượng trí thức để triển khai hoạt động này với quy mô và mức độ lớn hơn, nhất là đối với các đề án, dự án, công trình quan trọng của tỉnh, có liên quan nhiều tới lĩnh vực xã hội và môi trường như các công trình thủy điện, thủy lợi, du lịch, giao thông, xây dựng, khai thác tài nguyên, quy hoạch dân cư, xây dựng nông thôn mới….Một số hội thành viên đã có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện mang tính chuyên ngành như hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Khoa học Lịch sử,… đã tham gia tư vấn và thẩm định nhiều đề án, dự án như: Quy hoạch, bảo tồn phát huy giá trị tổng thể Văn Thánh, Võ Thánh; dự án tu bổ hệ thống kinh thành Huế…

Bên cạnh đó, Liên hiệp hội và các trung tâm khoa học công nghệ trực thuộc đã thực hiện nhiều nghiên cứu tư vấn xây dựng dự án, đánh giá tác động của các dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ trên địa bàn tỉnh và trong nước như: các dự án của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), SNV, ADB…được các tổ chức này đánh giá cao về chất lượng. Nhóm đánh giá tác động môi trường, xã hội (SIEA) đã thực hiện đánh giá tác động môi trường, xã hội của thủy điện Bình Điền với những nhận định khá sâu sát, khoa học, được HĐND, UBND tỉnh ghi nhận. Ngoài ra hàng năm, liên hiệp hội còn tham gia đề xuất các nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Các hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật, ứng dựng khoa học công nghệ vào cuộc sống thông qua tổ chức giải thưởng, hội thi, cuộc thi được triển khai thường xuyên với 8 lần tổ chức Cuộc thi, 07 lần tổ chức Hội thi và Giải thưởng, các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh ngày càng có những bước tiến quan trọng cả về số lượng và chất lượng các đề tài, công trình và giải pháp tham dự. Đến nay, đã có hơn 1.500 mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi; gần 450 công trình tham gia Giải thưởng và trên 238 giải pháp tham dự Hội thi, trong đó có 197 mô hình, sản phẩm được trao giải Cuộc thi, 124 công trình được trao Giải thưởng và 129 giải pháp được trao thưởng Hội thi cấp tỉnh. Số lượng các đề tài, giải pháp, công trình đạt giải toàn quốc ngày càng tăng. Nhiều đề tài khoa học, công trình dự thi đạt giải đã được triển khai ứng dụng rộng rãi góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội trong và ngoài tỉnh như: Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp etylen và ứng dụng trong bảo quản chuối tiêu Nam Đông; Các giải pháp kết nối mở rộng hệ thống giám sát điều khiển và thu thập dữ liệu cho lưới điện trung áp tỉnh Thừa Thiên Huế; Cụm công trình Chế tạo bạc nano bằng phương pháp sinh học và ứng dụng; Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư tại Bệnh viện trung ương Huế; Địa chí Thừa Thiên Huế: Phần dân cư – hành chính; Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu; Hệ thống xử lý nước di động Infillter DAF- tại HueWACO…Nhiều công trình trên lĩnh vực y tế đã được ứng dụng rộng rãi góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, như: đề tài Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư tại Bệnh viện trung ương Huế; ứng dụng dao Gamma trong điều trị  các bệnh lý khối u thần kinh, sọ não và các khối u vùng mặt, cổ và thân,…

Công tác Thông tin, phổ biến kiến thức luôn được chú trọng, triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng thông qua Bản tin Khoa học và Kỹ thuật ra đều đặn 2 tháng/1 số, với chất lượng ngày càng được cải tiến về nội dung và hình thức, đây cũng là tiếng nói, diễn đàn của đội ngũ trí thức tỉnh nhà. Tính đến tháng 8/2015, Liên hiệp hội đã xuất bản được 52 số với hơn 25.000 bản, phát hành đến tận các nhà văn hóa, bưu điện văn hóa, phòng đọc sách của tất cả các thôn trên địa bàn tỉnh. Trang thông tin điện tử tổng hợp của Liên hiệp hội đã được cập nhật thường xuyên các thông tin về nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các đề tài, công trình khoa học, kỹ thuật, các mô hình kinh tế… thu hút được đông đảo bạn đọc truy cập.

 Bên cạnh đó, Liên hiệp hội đã phối hợp với Câu lạc bộ Phú Xuân, Hội Nông dân và các tổ chức khác đã tổ chức hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề khoa học và công nghệ, về chăm sóc sức khoẻ cho người dân, phối hợp với các huyện, thi, thành phố tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện về Biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…một số hội thành viên đã xuất bản các tạp chí, ấn phẩm có chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức như: Hội Khoa học Lịch sử, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Chăn nuôi Thú y, Hội Đông y, Hội Tim mạch, Hội Phụ sản,…

Các trung tâm trực thuộc đều có trang tin điện tử phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật, xuất bản nhiều ấn phẩm phục vụ cho công tác tuyên truyền phổ biền kiến thức.

Ngoài ra, Liên hiệp hội và các hội thành viên, các đơn vị trực thuộc đã vận động và tiếp nhận được nhiều dự án của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thực hiện công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật như: Chiến dịch truyền thông hạn chế sử dụng túi ni lông; Chuyên đề Biến đổi khí hậu trên Đài truyền thanh huyện Quảng Điền; Hàng trăm lớp tập huấn và hội thảo khoa học đã được thực hiện với hàng ngàn người tham gia. Nhiều cán bộ KHKT tích cực tham gia biên soạn các loại sách kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn các quy trình sản xuất, phương pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hay tư vấn, thiết kế các mô hình vườn ao chuồng thích hợp,… góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông lâm nghiệp, cải thiện đời sống người dân và bao vệ môi trường.

Công tác hợp tác Quốc tế, huy động nguồn lực xây dựng quê hương luôn được Liên hiệp hội và các hội thành viên, đơn vị trực thuộc chủ động nhằm huy động nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Trong những năm qua, hệ thống Liên hiện hội đã vận động hàng chục dự án với hơn 50 tỷ đồng tài trợ từ các tổ chức như: ICCO, Rosa Luxamburg, GEF, SNV, Đại sứ quán Phần Lan, NAV, Paraff, Oxfarm… góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Với sự nỗ lực một các đầy trách nhiệm của toàn hệ thống Liên hiệp hội tỉnh và đội ngũ trí thức cùng với sự quan tâm của LHH Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đỡ của UBMTTQVN tỉnh, các ngành, đoàn thể, cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Liên hiệp các hội KH&KT hoạt động có hiệu quả , đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

GS.TS. Trần Hữu Dàng, ThS. Hồ Thành

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: