Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học và công nghệ

Trong suốt chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, ngành khoa học và công nghệ đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khoa học và công nghệ luôn được khẳng định có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội; là nền tảng vững chắc, động lực then chốt phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đối với tỉnh ta, khoa học công nghệ còn được xem là một giải pháp đột phá cho quá trình hình thành nền kinh tế tri thức. Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 15/11/2011 đến nay, mặc dù ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nhưng với sự nỗ lực rất lớn của tỉnh, tỷ lệ chi ngân sách của tỉnh cho khoa học và công nghệ mỗi năm một tăng và cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Các huyện, thị xã và thành phố Huế cũng bắt đầu có những đầu tư từ ngân sách địa phương để tổ chức ứng dụng các công trình khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần vào sự thành công chung trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, của các đơn vị, doanh nghiệp và sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học trong thời gian qua nên hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, cơ bản đáp ứng được một phần đòi hỏi thiết yếu của thực tiễn sản xuất và cuộc sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và chất lượng, đóng vai trò nòng cốt trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Tuy vâỵ, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động khoa học và công nghệ chưa được chú trọng đúng mức. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ tuy đã có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng vẫn còn không ít bất cập. Công trình sáng tạo của đội ngũ trí thức so với tiềm năng hiện có là chưa tương xứng, trong một số lĩnh vực, nghiên cứu khoa học chưa thực sự gắn với phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiều đề tài khoa học sử dụng ngân sách nhà nước nghiên cứu rồi “đắp chăn”.

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia, suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học và công nghệ.

Chúng ta tự hào vì hiện nay Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức mạnh nhất ở miền Trung, là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới với mục tiêu là phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước. Để đạt được mục tiêu đó, tôi đề nghị hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian tới tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật theo tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị; tập trung tư duy đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ và sự sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong tỉnh, nhất là những chuyên gia đầu ngành trong việc nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện xã hội, giúp tỉnh xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ. Thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả nghiên cứu, phục vụ nhu cầu của tỉnh nhà, doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực và địa phương. Phát huy có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Áp dụng cơ chế Quỹ và cơ chế khoán chi để nâng cao hiệu quả các đề tài khoa học.

Thứ ba, tham mưu UBND tỉnh ban hành và cụ thể hóa các chính sách để thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài hợp tác tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ tư, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thật tỉnh cần tổ chức các hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và truyền bá tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; tổ chức và hướng dẫn phong trào quần chúng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; sáng tạo ra nhiều công trình có giá trị trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước.

PHAN NGỌC THỌ

UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: