Liên hiệp hội tổ chức hội thảo chuyển giao giải pháp nuôi tôm bền vững phục vụ xây dựng nông thôn mới (31/07/2017)

Ngày 28/7/2017, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo chuyển giao giải pháp nuôi trồng thủy sản bền vững: “Ứng dụng công nghệ điện hóa – siêu âm để xử lý nước ao nuôi tôm cho người dân và các địa phương nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội thảo có đại diện các hộ, trang trại, doanh nghiệp nuôi tôm của huyện Phong Điền, Phú Lộc, Quảng Điền và Phú Vang; đại diện các sở ban ngành liên quan của tỉnh, phòng ban của các huyện, thị liên quan.

Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 126 km và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai 22 ngàn ha… rất thuận lợi và là thế mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Diện tích nuôi tôm của tỉnh khoảng 6.000 ha chiếm khoảng 1,5% diện tích, tập trung vào các địa phương ven biển và vùng đầm phá như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và Hương Trà. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra nghiêm trọng trong nuôi trồng thủy sản nên hiệu quả của hoạt động nuôi trồng thủy sản nói chung và  nuôi tôm nói riêng có xu hướng giảm, đời sống của người dân khó khăn.

Trong những năm qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đã được chuyển giao tới nông dân đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện đời sống nông dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy vậy, hoạt động nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng ở các địa phương trong tỉnh thiếu bền vững, hiệu quả của công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Thông qua hội thảo này, Liên hiệp hội mong muốn cung cấp thông tin, đẩy mạnh việc triển khai, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh vào sản xuất, đời sống, qua đó nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Theo TS. Lê Quang Tiến Dũng, chủ nhiệm đề tài “Điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa – siêu âm và ứng dụng trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản”, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra nghiêm trọng trong nuôi trồng thủy sản do phần lớn các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân và các rác thải khác, kết hợp lượng dư thừa các hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong quá trình nuôi đọng lại ở đáy ao nuôi không được xử lý. Đáy ao nuôi hình thành lớp bùn đáy do được tích tụ lâu ngày của các chất hữu cơ, cặn bã là nơi sinh sống của các vi sinh vật gây thối, các vi sinh vật sinh các khí độc như NH3, NO2, H2, H2S, CH4…. Các vi sinh vật gây bệnh như: khuẩn Vibrio spp., Aeromonas, Ecoli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus… nhiều loại nấm và động vật nguyên sinh và hệ quả là hiệu quả nuôi trồng giảm mạnh sau các vụ nuôi liên tiếp. Trên thực tế có rất nhiều phương pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi, xử lý nguồn bệnh trong môi trường nuôi. Tuy nhiên đâu là giải pháp toàn diện, hiệu quả và bền vững mới là quan trọng. Có rất nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, hộ nuôi khi gặp phải những vấn đề trên đã phải bỏ ra chi phí lớn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để xử lý môi trường ao nuôi nhưng không đem lại hiệu quả cao như mong muốn. Mặt khác, việc sử dụng tràn lan các hóa chất để khử trùng nước như Chlorine, Iodin, thuốc tím, formaline,… có thể dẫn đến những hậu quả làm suy thoái môi trường và gây ra hiện tượng nhờn thuốc của các loại vi khuẩn, vi rút, vi sinh vật gây bệnh. “Điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa – siêu âm và ứng dụng trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản” là giải pháp toàn diện, hiệu quả và bền vững trong nuôi tôm hiện nay, được minh chứng qua mô hình siêu thâm canh tôm tại xã Điền Hương, huyện Phong Điền của công ty cổ phần Thiên An Phú áp dụng.  

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nêu lên những ưu điểm cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mô hình này trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời có giải pháp nhân rộng ra các địa phương khác, giúp người dân khai thác tốt tiềm năng lợi thế trong quá trình sản xuất để nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới. TS. Lê Quang Tiến Dũng và nhóm chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản Trường Đại học Nông lâm Huế khẳng định rằng hiệu quả từ mô hình ứng dụng giải pháp công nghệ điện hóa – siêu âm trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản đã thấy rõ và Thừa Thiên Huế mà đặc biệt là các huyện như: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và Hương Trà …thừa khả năng để triển khai thành công mô hình, nhưng người người nuôi tôm vẫn rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương để mô hình tồn tại, phát triển bền vững.

Sau hội thảo, Liên hiệp hội đã tổ chức cho các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Điền Hương, huyện Phong Điền.

Hồ Thành

Người cập nhật: Hồ Thành

Các bài viết khác: