06/09/2012

Những kinh nghiệm bước đầu trong phản biện xã hội

Năm 2011, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh và các hội thành viên đã thực hiện nhiều hoạt động tư vấn và phản biện, cả tư vấn, phản biện nhà nước và tư vấn và phản biện xã hội.

Các cơ quan lãnh đạo của địa phương (Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân) và các sở, ban, ngành cấp tỉnh thường xuyên mời đại diện Liên hiệp hội hoặc các hội thành viên của Liên hiệp hội tham gia các hội nghị góp ý các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình hoặc dự án. Là một tổ chức được đối xử như tổ chức chính trị – xã hội của địa phương, việc tham gia các hội nghị như vậy là trách nhiệm của Liên hiệp hội. Tuy nhiên, tại các hội nghị này, việc đại diện của Liên hiệp hội hoặc các hội thành viên có ý kiến góp ý hay không, ý kiến nhiều hay ít, có giá trị sử dụng hay không, không thành vấn đề. Vì đây là tư vấn nội bộ, tư vấn nhà nước. Trong nhiều trường hợp, đến hội nghị mới nhận được tài liệu của quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình hoặc dự án, nên các ý kiến góp ý là tức thời không được cân nhắc kỹ càng, không có tài liệu tham khảo,…Dự các hội nghị này, chỉ cần một đại diện của cơ quan, các ý kiến phát biểu (nếu có) chỉ phản ánh ý kiến cá nhân người được cử đi họp mà không phải là ý kiến tập thể cơ quan cử đi. Nếu hội nghị lấy ý kiến chưa đi đến kết quả cuối cùng, rất dễ xảy ra trường hợp, đại diện của cơ quan được cử đi dự hội nghị lần thứ hai, lần thứ ba,…không phải là người đã dự hội nghị lần thứ nhất, và có thể ý kiến phải biểu lần thứ hai, lần thứ ba,…không thống nhất với ý kiến của người đại diện cơ quan trong lần họp trước.

Rất may là, ngoài hoạt động tư vấn nội bộ, tư vấn nhà nước rất ít hiệu quả kể trên, UBND tỉnh đã giao cho Liên hiệp hội tỉnh phản biện xã hội đối với 04 quy hoạch cấp tỉnh và cấp ngành. Có 02 quy hoạch do các nhà tư vấn ở trung ương chuẩn bị, 01 quy hoạch do đơn vị sự nghiệp của tỉnh và 01 quy hoạch do cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh chuẩn bị. 04 quy hoạch thuộc 04 lĩnh vực khác nhau: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; quy hoạch khai thác và tập kết, kinh doanh cát, sỏi xây dựng của tỉnh; quy hoạch chi tiết khu du lịch, dịch vụ cao cấp Cồn Hến và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Để đáp ứng được yêu cầu của UBND tỉnh, đồng thời, thực hiện một trong những chức năng cơ bản của Liên hiệp hội, Liên hiệp hội tỉnh đã huy động lực lượng chuyên gia thuộc các hội thành viên và các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn có các chuyên môn khác nhau để thực hiện nhiệm vụ tư vấn xã hội được giao.

Kết quả phản biện của Liên hiệp hội đã được UBND tỉnh đánh giá cao, các nhà tư vấn chấp nhận “tâm phục, khẩu phục” để chỉnh sửa, bổ sung các bản quy hoạch. Một số nhà tư vấn lập quy hoạch còn liên hệ với Liên hiệp hội để được tư vấn trong việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đề nghị Liên hiệp hội trợ giúp đánh giá, thẩm định bản thuyết minh quy hoạch đã được điều chỉnh, bổ sung, chuẩn bị cho Hội đồng nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt quy hoạch.  

Bài học đầu tiên mà chúng tôi rút ra từ việc thực hiện thành công các nhiệm vụ phản biện xã hội là nếu thực hiện thành công các nhiệm vụ phản biện xã hội, vai trò và vị thế của Liên hiệp hội đã được nâng lên đáng kể. Sau ngay lần phản biện quy hoạch đầu tiên – quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, UBND tỉnh đã ngay lập tức giao thêm 02 nhiệm vụ phản biện nữa. Ban Thường vụ tỉnh uỷ cũng đã quyết định và yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục giao cho Liên hiệp hội nhiệm vụ góp ý bằng văn bản quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh. Vai trò và vị thế của các liên hiệp hội được Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị khẳng định, nhưng về mặt chủ quan, vai trò và vị thế của chúng ta, phải do việc làm của chính chúng ta khẳng định, mới bền vững.

Là Liên hiệp hội chậm được yêu cầu làm phản biện xã hội (năm 2011 mới thực hiện các nhiệm vụ đầu tiên), trước chúng tôi, các Liên hiệp hội của nhiều tỉnh/ thành phố đã thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, với các Liên hiệp hội chưa chủ động hoặc chưa được giao nhiệm vụ phản biện xã hội cần chú ý đến việc vận động UBND tỉnh/ thành phố, làm cho UBND tỉnh/ thành phố hiểu được các lợi ích của phản biện xã hội. Được phản biện xã hội, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án hoặc dự án sẽ có căn cứ khoa học vững chắc hơn, sẽ có sản phẩm hoàn chỉnh hơn, sẽ phù hợp hơn với thực tế phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bài học thứ hai mà chúng tôi rút ra được qua thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội là nhất thiết phải dựa vào các cơ sở khoa học để phản biện. Đặc biệt cần lưu ý rằng, nhóm phản biện không phản đối bất cứ điều gì, mà là xem xét vấn đề ở một góc nhìn khác, góc nhìn khoa học. Nếu thấy số liệu, nhận định của nhóm tư vấn có vấn đề, những người phản biện đại diện cho xã hội, vì trách nhiệm đối với xã hội, nếu muốn nói khác các nhà tư vấn, phải chỉ ra nhóm phản biện dựa vào số liệu của ai, dựa vào tài liệu khoa học nào,…Hơn nữa, không chỉ nói rằng họ sai chỗ này, chỗ kia, mà phải tiến thêm một bước xa hơn, cần đưa ra phương án của nhóm phản biện để so sánh, lựa chọn hoặc đưa ra phương án khắc phục những chỗ sai sót của các nhà tư vấn.

Cuối cùng, cần sử dụng ngôn từ đúng mực, khiêm tốn và xác định đúng vị trí của người phản biện. Cho dù người phản biện có đúng đến đâu đi nữa, nhưng nếu ngôn từ sử dụng không cẩn thận, rất dễ làm mếch lòng các nhà tư vấn, đặc biệt là các nhà tư vấn có tên tuổi, có uy tín ở trung ương. Không chỉ các nhà tư vấn, cả UBND tỉnh luôn luôn muốn giữ hoà khí với các nhà tư vấn vì còn phải sử dụng tư vấn nhiều lần sau nữa, nhất là trong trường hợp các sản phẩm quy hoạch cần được phê duyệt ở các bộ, ngành trung ương.   

Tóm lại, bên cạnh việc tham gia phản biện nhà nước, Liên hiệp hội tỉnh đã thực hiện các nhiệm vụ phản biện xã hội, mặc dù chưa nhiều, nhưng theo chúng tôi tự đánh giá, các nhiệm vụ đã thành công và nhờ đó, vai trò, vị thế của Liên hiệp hội đã tăng lên đáng kể. Phản biện xã hội là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia đóng góp trí tuệ vào các hoạt động của Nhà nước. Những kinh nghiệm nêu trên có thể áp dụng cho những Liên hiệp hội còn chưa hoặc ít triển khai thực hiện các nhiệm vụ phản biện xã hội.

 

Phương Anh

[ In trang ]    [ Đóng lại ]