19/08/2016

Tìm hiểu phương pháp điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi tay – chân ở thanh thiếu niên (Hyperhydrosis)

Bệnh tăng tiết mồ hôi tay – chân là một bệnh thuộc hệ thần kinh giao cảm, thường thấy ở tuổi thanh thiếu niên và cả người lớn. Hằng ngày cơ thể chúng ta tiết mồ hôi để ổn định thân nhiệt. Sự bài tiết mồ hôi đựơc điều khiển bởi hệ thần kinh giao cảm. Trong cơ thể con người có khoảng 5 triệu tuyến mồ hôi, và phân bố ở tay chân nhiều gấp 10 lần ở vùng lưng. Bệnh tăng tiết mồ hôi được định nghĩa như là một sự tăng mồ hôi quá mức so với nhu cầu sinh lý của cơ thể. Người ta chia làm 2 loại tăng tiết mồ hôi là tăng tiết nguyên phát và thứ phát. Vị trí tăng tiết mồ hôi có thể xuất hiện đột ngột hay liên tục ở 4 vùng khác nhau, chủ yếu ở lòng bàn tay, gang bàn chân, nách và mặt.

Ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã chứng kiến một số bạn cùng lớp trong giờ học hai bàn chân và hai bàn tay ướt đẫm mồ hôi; họ cảm thấy khó khăn khi viết bài hay những lúc làm bài tập. Các bạn phải dùng khăn lót trên mặt cuốn vở để viết nhằm khỏi nhem chữ. Những lúc ra chơi các bạn chạy nhảy tung tăng trong sân trường thì đôi bàn chân ướt đẫm phủ đầy một lớp đất bụi. Sự tăng tiết mồ hôi không dừng lại trong một vài tháng hay một năm mà còn kéo dài rất nhiều năm.

Lớn lên ở tuổi sinh viên hay khi lên lớp giảng dạy, tôi cũng chứng kiến bệnh cảnh này ở nhiều bạn trẻ. Những phụ huynh đưa con đến khám cũng do tình trạng ra mồ hôi tay, chân đã làm cho trẻ rất khó chịu trong học tập, mặc cảm khi giao tiếp với bạn bè và khó khăn khi thực hiện những công việc bàn giấy.

Sự tăng tiết mồ hôi là kết quả của sự tăng hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Một phần của hệ thống này điều khiển các hạch tiết mồ hôi, nó định vị trong khoang lồng ngực và chạy dọc theo cột sống, cho nên người ta gọi CHUỖI HẠCH LỒNG NGỰC.

 
   

Theo quan niệm hiểu biết thông thường trong dân chúng,  người ta cho rằng đây là biểu hiện của bệnh tim mạch, vì vậy các bậc phụ huynh rất lo sợ cho bệnh tật của con cái mình. Do đó có một số thầy thuốc đã nghiên cứu điều trị nội khoa bằng các  thuốc điều chỉnh rối loạn thần kinh thực vật hoặc xoa bột kẽm ở lòng bàn tay, bàn chân. Ngoài ra, trong lãnh vực đông y, một số nhà y học cổ truyền đã điều trị bằng phương pháp châm cứu hoặc thuốc nam.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị, tuy nhiên trong lãnh vực y học có 2 phương pháp, đó là điều trị không – phẫu thuật và điều trị phẫu thuật:

1. Điều trị không – phẫu thuật:

       – Kháng tăng tiết: Dùng loại thuốc Drysol, đây là dung dịch rượu ethylique có chứa 20% chlorure alluminium bôi 2 – 3 lần trong tuần. Thuốc có tác dụng làm nghẽn ống tuyến mồ hôi.

       – Phép chuyển vị ion (ionophorèse): Trong trường hợp tăng tiết mồ hôi tay và chân, người ta dùng một chậu nước có 2 điện cực 20 mA. Đặt bàn chân và bàn tay vào chậu nước trong vòng 20 phút và lặp lại mỗi tuần. Phương pháp này tỏ ra có hiệu quả cho một số bệnh nhân.

       – Tiêm toxine botulique có tác dụng ngăn cản sự dẫn truyền thần kinh trực tiếp đến các tuyến bài tiết mồ hôi. Có hiệu quả kéo dài  khoảng 4 tháng, do đó cần tiêm dưới da lặp lại nhiều lần. Thuốc có tên là Botox, và điều trị trong những trường hợp tăng tiết mồ hôi nhiều ở nách, bàn tay và mặt.

          – Thuốc: Trên thực tế, hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi, tuy nhiên những loại thuốc sau đây tác dụng tỏ ra có lợi cho bệnh nhân:

          + Propanolol (Avlocardyl): Thuốc ngăn chận hệ giao cảm.

   Antidépresseurs: type Déroxat. Propylène de glycol.

  2. Điều trị phẫu thuật: Là phương pháp cắt hạch giao cảm ngực bằng nội soi. Kỹ thuật này xem ra có kết quả tiệt căn và xác định. Phẫu thuật này cắt bỏ hạch giao cảm chi phối sự tăng tiết mồ hôi. Tuy nhiên muốn thực hiện phương pháp này, người ta khuyên nên thử điều trị nội khoa bằng kháng tăng tiết, hoặc phép chuyển vị ionophorèse, hoặc các loại thuốc kể trên. Nếu thất bại thì tiến hành phẫu thuật.

Từ những thông tin trên chúng tôi tìm hiểu từ năm 2000, tại Trung Tâm Y Học Lâm Sàng thuộc Trường Đại Học Y Khoa Huế, nay là Bệnh Viện Trường Đại Học Y Dược Huế, được sự đồng ý của Giám đốc bệnh viện, bác sĩ khoa ngoại của bệnh viện đã tiến hành điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi ở tay – chân cho khoảng trên 100 trường hợp thuộc các đối tượng nam nữ trên 18 tuổi bằng phương pháp cắt đốt nội soi lồng ngực, tức là dùng nội soi để cắt hạch giao cảm ngực. Phương pháp này tương đối nhẹ nhàng và thích hợp cho các đối tượng được chỉ định phẫu thuật, thời gian phẫu thuật chỉ kéo dài trong vòng từ 30 đến 60 phút, và có hiệu quả ngay sau mổ.

Theo lý thuyết, sau phẫu thuật có thể có tác dụng phụ là tăng tiết mồ hôi bù trừ ở cẳng chân và vùng lưng. Trên thực tế, quá trình phẫu thuật nội soi đã và đang tiến hành trên 5 năm nay tại khoa Ngoại Bệnh Viện Y Dược  Huế và có điều đáng phấn khởi là chưa có biến chứng nào xảy ra trong và sau phẫu thuật. Hầu hết người bệnh đều hài lòng về kết quả điều trị phẫu thuật nội soi này, họ cảm thấy thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày và không có những phiền phức nào cản trở trong cuộc sống mà họ đã phải chịu đựng hàng chục năm qua. 

 

ThS. Hoàng Trọng Tấn

Trường Đại học Y Dược Huế

[ In trang ]    [ Đóng lại ]