Nếu Quý vị có điều gì cần tư vấn về khoa học công nghệ, xin vui lòng đặt câu hỏi tại đây. Vui lòng bấm vào câu hỏi để xem nội dung trả lời.
Cây bưởi Thanh trà trồng hơn 1 năm, lá bị xoăn, quăn queo lại, có vết loang trên lá như bản đồ và bị phồng rộp. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
Phan HUy Tuấn (Duonghoa67@gmail.com) – 22/10/2014


Đáp: Qua mô tả của anh, theo chúng tôi cho rằng cây bưởi thanh trà đã bị sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella) gây hại. Đây là một đối tượng phá hai bưởi thanh trà rất nghiêm trọng, chúng xuất hiện và gây hại khá phổ biến, đôi khi rất trầm trọng trên các vườn cây có múi.

          Sâu thường gây hại thời kỳ lá non trong năm, Con trưởng thành của sâu là một loại bướm rất nhỏ, cơ thể dài khoảng 2mm, sải cánh rộng khoảng 4-5mm, màu vàng nhạt hoặc nâu sáng, có ánh bạc. Chúng thường hoạt động vào lúc xẩm tối hoặc ban đêm nên nhà vườn khó phát hiện. Trứng rất nhỏ (dài khoảng 0,2-0,3mm), màu trong suốt hoặc hơi vàng. Được đẻ vào ban đêm, rải rác ở mặt dưới của lá gần gân chính. Sau khi nở sâu non đục vào ăn lớp tế bào nhu mô diệp lục ở dưới lớp biểu bì của phiến lá, làm thành những đường hầm ngoằn nghèo, làm cho biểu bì lá phồng lên. Sâu đục tới đâu lớp biểu bì phồng lên tới đó vẽ thành những đường ngoằn nghèo có màu trắng lóng lánh như ánh bạc. Tuổi sâu càng lớn thì đường đục càng dài và rộng. Ngoài lá còn thấy sâu gây hại trên cả cành non. Có thể nhìn thấy sâu non rất nhỏ (vài mm) màu xanh lợt (lúc mới nở) hoặc xanh vàng, trắng hơi vàng (khi tuổi lớn hoặc lúc sắp hoá nhộng) ở cuối điểm phá hại.

          Những lá bị sâu gây hại sẽ không phát triển được, co rúm, quăn queo, dị dạng, từ đó làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm cho cây chậm sinh trưởng, sẽ bị còi cọc giai đoạn kiến thiết cơ bản, làm rụng hoa và trái. Ngoài gây hại trực tiếp, nếu không được phòng trì cây vết đục của sâu còn là cửa ngõ cho vi khuẩn của bệnh loét xâm nhập gây hại. Qua quan sát  thực tế ở Thừa Thiên Huế cho thấy sâu thường gây hại nhiều ở những vườn thanh trà ở giai đoạn kiến thiết cơ bản.

* Biện pháp phòng trừ:

    – Chăm sóc, tỉa cành thông thoáng, bón phân hợp lý cho cây sinh trưởng khỏe, điều khiển cho cây ra lộc tập trung, để hạn chế nguồn thức ăn liên tục cho sâu trên vườn cây. Biện pháp này sẽ phát huy hiệu quả khi được áp dụng trên diện rộng.

– Bảo vệ các loại thiên địch, đặc biệt là thả nuôi kiến vàng trong vườn cây Thanh trà.

– Theo dõi các đợt chồi xuất hiện rộ trên vườn, nhất là các đợt chồi xuân, đợt chồi sau khi mưa, sau khi bón phân và sau khi tưới nước để phun phòng.  Tiến hành phòng trừ sớm khi độ dài của chồi đạt 1-2 cm hoặc thấy dặc điểm nhận biết gây hại của sâu vẽ bùa. Phun ướt đều cây bằng một trong các loại thuốc sau :

+ Dầu khoáng Citrole 96,3EC : 80 ml/bình 16 lít nước

+ Elsan 50EC, Nurelle D 25/2.5EC, Oncol 20EC : 40-60 ml/bình 16 lít nước; Oncol 25WP : 40 ml/bình 16 lít nước

+ Mospilan 3EC : 15-20 ml/bình 16 lít nước; Mospilan 20SP : 5 g/bình 16 lít nước

+ Fastac 5EC, Cyper 25EC : 10-20 ml/ bình 16 lít nước

+ Lannate 20SP : 40 g/bình 16 lít nước

+ Sumi Alpha 5EC : 10 ml/bình 16 lít nước.  

– Khi đã bị sâu phá hại, cần tiến hành cắt bỏ các bộ phận bị sâu hại và tiến hành chăm sóc, phun phòng để phục hội trở lại. 

Ngô Trí – Hồ Thành

 

Các bài viết khác: