Ảnh hưởng của việc đốt phá rừng đầu nguồn và canh tác không hợp lý tác động đến xói lở bờ sông Hương

  • Đinh Văn Chung
  • 05-08-2019
  • 1116 lượt đọc

Các hoạt động kinh tế, xây dựng công trình rất đa dạng với mục đích chủ yếu là phục vụ đời sống của con người sinh sống ở nơi đây. Nhưng, do sự nhận thức không đầy đủ về quy luật vận động của dòng chảy hoặc do lợi ích cục bộ, vô tình đã làm tăng mức độ xói lở của sông.

Mặc dù các hoạt động này không phải là những yếu tố chủ đạo, song trong một vài trường hợp chúng đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình xói lở xảy ra, thậm chí xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Tác động của các yếu tố hoạt động kinh tế – xã hội đối với sự biến dạng lòng dẫn sông Hương gây xói lở bờ sông, như hoạt động đốt phá rừng đầu nguồn và canh tác vô tổ chức.

Có thể nói rằng, hầu hết các lưu vực sông ở Thừa Thiên Huế bắt nguồn từ sườn phía Đông Trường Sơn đổ ra biển đều có chế độ thủy văn, vận tốc và lưu lượng dòng chảy bị chi phối mạnh mẽ bởi thảm thực vật, trong đó, sông Hương là một trong những lưu vực bị thảm thực vật chi phối mạnh mẽ nhất. Trên quan điểm đánh giá nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng chống xói lở, độ che phủ rừng có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, trong đó cần coi trọng chất lượng lớp phủ của rừng, tức là độ tán che của rừng. Mặc dù những thập niên 80 và 90 đã triển khai các chương trình trồng rừng 327, 773 nhưng vẫn không phục hồi được diện tích rừng bị tàn phá do chiến tranh và các hoạt động khai thác vô tổ chức để lại. Hơn nữa, diện tích rừng trồng thường có độ tán che thấp (<20%). Theo số liệu điều tra lâm nghiệp, độ che phủ của lưu vực sông miền Trung tăng từ 36% (năm 1999) đến 56% (năm 2009). Song diện tích rừng giàu và rừng trung bình có tán che lớn hơn 50% lại bị giảm từ 43% xuống còn 15% do khai thác gỗ và đốt phá rừng để canh tác.

Riêng lưu vực sông Hương có diện tích phủ rừng chiếm khoảng 49%, nhưng tỷ lệ rừng có tán che lớn hơn 50% chỉ là 32,45% diện tích phủ rừng của lưu vực. Vì độ che phủ của rừng thấp nên vào mùa lũ khả năng điều tiết dòng chảy mặt của rừng bị hạn chế và dễ phát sinh lũ lớn, lũ quét với sức tàn phá và chuyển tải vật liệu rời vào thung lũng sông suối cũng như đồng bằng hạ lưu tương đối lớn. Độ che phủ rừng càng thấp thì càng rút ngắn thời gian truyền lũ từ vùng núi vào đồng bằng duyên hải tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trên sông Hương, vận tốc truyền lũ trung bình tính theo mực nước đỉnh lũ là 6 km/h (Thượng Nhật – Kim Long). Cùng với độ che phủ rừng thấp và lượng mưa lớn đã tạo điều kiện cho quá trình xâm thực và xói mòn của dòng chảy mặt xảy ra mạnh mẽ hơn, trong đó khả năng xâm thực bình quân của hệ thống sông Hương là 147 tấn/km2/năm. Kết quả nghiên cứu ở Hương Hồ cũng cho thấy mức độ xói mòn đất rừng tái sinh có độ che phủ từ 40 – 50% tổn thất 17,2 tấn/ha/năm.

Ngoài ra, quá trình phong hóa ở đây là feralit với sản phẩm chủ yếu là cát sét lẫn dăm sạn laterit, do đó dòng bùn cát hạt thô chiếm ưu thế, chủ yếu lắng đọng tại thượng lưu, còn ở vùng cửa sông ven biển lượng bùn cát còn lại không đáng kể (65 – 75g/cm3).

Tóm lại, canh tác trên đất dốc, đốt phá rừng đầu nguồn là nhân tố làm suy giảm độ che phủ rừng, khả năng điều tiết nước kém và tăng cường độ xói mòn đất cũng như nguồn vật liệu phù sa đưa vào sông suối. Trong đó, quá trình xói lở vùng hạ lưu sông Hương thuộc loại nghiêm trọng nhất, một phần là do độ che phủ của rừng thấp.

Bùi Thắng







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM