Chăm lo xây dựng môi trường đạo đức xã hội đấu tranh chống mọi biểu hiện thoái hóa, xuống cấp về đạo đức xã hội

Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định rằng sự hình thành và phát triển nhân cách là do ba nhân tố: bẩm sinh, môi trường và giáo dục. Trong đó, bẩm sinh là tiền đề, môi trường là nhân tố quan trọng và giáo dục là nhân tố quyết định.

Sinh thời, Bác Hồ cũng quan niệm:

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện

Tỉnh dậy trông ra kẻ dữ, hiền

Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên.”

Như vậy, trong nhân sinh quan của Bác, nhân cách không phải do bẩm sinh. Vấn đề xây dựng môi trường đạo đức xã hội và chăm lo giáo dục là những nhân tố hết sức quan trọng để hình thành nhân cách. Bác quan niệm: Con người ta không phải là thánh thần, ai cũng có phần tốt, phần xấu, trong cuộc sống khó tránh hết những khuyết điểm sai lầm. Vì vậy, vấn đề là phải nhận thức được những điểm yếu để sửa chữa, khơi dậy phần thánh thiện tốt đẹp của con người, đẩy lùi cái xấu, cái ác. Tu dưỡng đạo đức phải thực hiện thường xuyên, bền bỉ, kiên trì, đòi hỏi sự quyết tâm cao, sự khổ công rèn luyện.

Ngày nay, toàn cầu hóa đang là xu thế khách quan của thời đại. Không một quốc gia, dân tộc nào đứng ngoài xu thế ấy để tồn tại và phát triển. Nhờ toàn cầu hóa, chúng ta tiếp cận được những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ điện tử và tin học. Công nghệ điện tử và tin học làm cho tác phong của con người khẩn trương hơn, linh hoạt hơn để theo kịp với tốc độ của máy móc, nhịp độ gia tăng của thông tin, của tri thức. Tuy nhiên, công nghệ điện tử và tin học cũng dẫn đến nhiều nguy cơ cho con người, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với nhau và với tự nhiên. Cùng với hàng hóa vật chất, những sản phẩm văn hóa, khoa học, nhờ công nghệ thông tin, truyền thông mà có thể dễ dàng, nhanh chóng thâm nhập vào nước ta. Các công nghệ thông tin hiện đại đang truyền bá khắp thế giới lối sống sùng bái vật chất, cá nhân, vị kỷ, thực dụng, đua đòi, ăn chơi xa hoa, lãng phí, sống truỵ lạc, thác loạn, ưa dùng bạo lực… Lối sống đó đang phần nào tác động đến một bộ phận nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Do bị kích động bởi việc tiếp xúc với những thước phim hành động có tính bạo lực qua mạng Internet mà nhiều thanh, thiếu niên đã có những hành động mang tính bạo lực, hung hãn, gây nên những hậu quả đau lòng. Cùng với tâm lý sùng hàng ngoại, lối sống tự do kiểu phương Tây cũng đang xâm nhập khá mạnh vào đời sống người Việt Nam, đặc biệt là trong thanh niên và cả một bộ phận trong tầng lớp trí thức. Một số nam nữ thanh niên muốn có tự do cá nhân cao, có quan niệm khá thoải mái trong quan hệ nam nữ. Từ đó dẫn đến những kiểu sinh họat tình dục bừa bãi, kể cả sinh họat tình đục tập thể, làm băng họai những nguyên tắc luân lý, tạo nên lối sống xa lạ với truyền thống dân tộc. Đó chính là biểu hiện của sự xuống cấp về lối sống của một bộ phận thanh niên Việt Nam, là biểu hiện của quan niệm “lệch chuẩn”, đối lập với quan niệm đạo đức truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Như vậy, có thể nói, toàn cầu hóa đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống và những giá trị đạo đức của người Việt Nam. Những sản phẩm văn hóa độc hại từ nước ngoài đưa vào nước ta đã tác động tiêu cực tới đời sống tinh thần, văn hóa của một bộ phận nhân dân. Ảnh hưởng của lối sống thực dụng đã làm xuất hiện tâm lý “chạy theo đồng tiền”, không cần biết đến đạo lý phải trái, đánh mất nhân cách và nhân tính. Không ít trường hợp vì tiền và danh lợi mà chà đạp lên tình đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy án, chạy bằng cấp, chạy thành tích đã trở nên khá phổ biến. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ… đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh dự mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp”.

Lối sống thực dụng, vị kỷ đang dẫn đến thái độ bàng quan, thờ ơ với công việc của cộng đồng và với những người xung quanh. Điều đó làm cho mối dây liên kết giữa cá nhân và cộng đồng, giữa người và người không còn khăn khít, thân thiện. Đây thực sự là một nguy cơ không thể xem thường.

 Bên cạnh đó, do đời sống kinh tế còn khó khăn, cộng với sự tác động của kinh tế thị trường, nhiều lĩnh vực xã hội đã xuất hiện khuynh hướng “thương mại hóa”. Ví như giáo dục, y tế với những biểu hiện như mua bằng, bán điểm, đổi tình lấy điểm, móc ngoặc, lạm thu, mở tràn lan các lớp đào tạo tại chức, liên kết đào tạo với nước ngoài, liên kết mở phòng mạch với nước ngoài… nhằm mục đích thu lợi bất chính, không đảm bảo chất lượng các dịch vụ. Điều này góp phần làm môi trường đạo đức xuống cấp, đạo lý suy thoái, lối sống thiếu hoài bão, lý tưởng xuất hiện trong một bộ phận thanh niên.

Một trong những tác động tích cực của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường là việc xem xét các giá trị đạo đức dưới góc độ cá nhân, coi trọng phẩm chất cá nhân. Nhưng cũng chính mặt tích cực này khi bị đẩy lên quá mức sẽ trở thành tiêu cực. Ý thức đề cao cá nhân, một khi bị tuyệt đối hóa sẽ dẫn đến việc cái cá nhân lấn át cái cộng đồng. Điều đó dẫn đến việc đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích xã hội, coi lợi ích cá nhân là trên hết, lợi ích tập thể bị lấn át, thậm chí bị phế bỏ, tham nhũng, lãng phí ngày càng có cơ hội gia tăng, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc, làm cho nhân dân bất bình và nguy hiểm hơn là làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Như vậy, có thể thấy, những hiện tượng tiêu cực diễn ra trong đời sống xã hội Việt Nam như phân tích ở trên là biểu hiện của sự xa rời những chuẩn mực đạo đức truyền thống, những chuẩn mực vẫn còn giá trị trong xã hội hiện đại. Một khi những chuẩn mực đó không được giữ vững như là định hướng trong họat động của con người thì sự suy thoái là điều không tránh khỏi.

Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chăm lo xây dựng môi trường đạo đức xã hội, đấu tranh chống mọi biểu hiện thoái hóa xuống cấp về đạo đức xã hội trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải tiến hành một cách đồng bộ các giải pháp sau:

– Nêu gương điển hình, lời nói phải đi đôi với việc làm. Trong lĩnh vực giáo dục đạo đức mới yêu cầu sự gương mẫu, đó là những tấm gương tốt trong cuộc sống của ông bà, cha mẹ với con cháu, của thầy, cô giáo với học sinh, của cán bộ, đảng viên với nhân dân, của người tốt việc tốt với mọi người. Nêu gương đạo đức là lời nói phải đi đôi với việc làm, đó vừa là nguyên tắc để xây dựng đạo đức mới vừa là ranh giới phân biệt với đạo đức giả hiệu của giai cấp bóc lột: nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo.

– Phải đấu tranh bảo vệ cái mới, cái đúng, cái tốt, loại trừ cái sai, cái xấu, xây phải đi đôi với chống. Trong cuộc sống hàng ngày và ngay trong mỗi con người cái tốt, cái xấu, cái đúng, cái sai, cái đạo đức, cái vô đạo luôn tồn tại đan xen. Vì vậy xây dựng đạo đức cách mạng, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cao đẹp phải đi liền với cuộc đấu tranh chống những cái xấu, cái ác, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân, nguồn gốc của mọi tội lỗi.

– Phải tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tệ quan liêu, cửa quyền một cách quyết liệt, làm cho bộ máy công quyền thật sự trong sạch, thật sự là của dân, do dân và vì dân.

– Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc xây dựng đạo đức mới. Trong cuộc sống của mỗi người khó tránh hết những khuyết điểm, nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình, rồi kiên quyết sửa chữa. Mỗi đảng viên, cán bộ, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt mỗi ngày, như vậy mới mong tiến bộ. Chúng ta khẳng định những mặt tích cực tiến bộ của nền đạo đức xã hội mới, nhiều giá trị đạo đức truyền thống được bảo tồn và phát huy, như chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái…nhiều giá trị đạo đức mới được khẳng định.

Xây dựng môi trường đạo đức xã hội luôn gắn liền với cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện thoái hóa, xuống cấp về đạo đức xã hội. Đây là một việc làm hết sức cấp bách trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới của nước ta. Đây cũng là một việc làm lâu dài và đòi hỏi sự vào cuộc một cách đồng bộ của mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, mỗi gia đình, mỗi cá nhân và toàn xã hội. 

Trần Giải

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: