Nếu Quý vị có điều gì cần tư vấn về khoa học công nghệ, xin vui lòng đặt câu hỏi tại đây. Vui lòng bấm vào câu hỏi để xem nội dung trả lời.
Gia đình tôi có trồng 200 mét vuông đất, tôi muốn trồng dưa leo, xin hãy tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc?
Mai Thị Diệu (dieuthiqd@gmail.com) – 15/10/2014


Đáp: Cây dưa leo là cây dễ trồng, có thể trồng được quanh năm nếu đất chủ động tưới, tiêu nước. Tuy nhiên vào mùa năng nóng và giá rét thì năng suất không cao. Để trồng cây dưa leo cần làm tốt các khâu sau:

* Làm đất : Dưa leo thích hợp với nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa. Chọn đất cao, thoát nước tốt, nên trồng luân canh với cây khác họ. Làm đất kỹ sạch cỏ, bón vôi bột cần thiết (trước khi bón lót 7 ngày: 20-30kg /sào). Rạch hàng, bón lót cho mỗi sào 500m2 khoảng 800 kg phân chuồng hoai mục hoặc 80 kg phân vi sinh. Lên luống cao 25-30cm, mặt luống rộng 0,8- 1m, chân luống rộng 1,2- 1,4m, rãnh rộng 30cm .

* Gieo hạt: Nên ngâm ủ hạt cho nứt nanh rồi gieo trong bầu ươm hoặc gieo ngay 1 hạt /lỗ (dự phòng 10% bầu cây con để trồng dặm ). Nên trồng 2 hàng với khoảng cách hàng cách  hàng 70cm, cây cách cây 30 – 35cm .

* Chăm sóc:

             – Xới vun, làm cỏ kết hợp phá ván 2-3 lần ở thời kỳ cây con. Khi cây có tua cuốn thì vun cao kết hợp thúc phân và cắm giàn (sau trồng 10 ngày ) .

             – Dùng cây choái dài 2-2,5cm cắm chụm đầu hình chữ A. Dùng dây mềm buộc thân Dưa vào giàn .

             – Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.

             – Chú ý bấm tỉa nhánh thường xuyên và đúng cách để kích thích cây ra hoa đậu quả.

           – Sau khi trồng cây có 3-5 lá tiến hành bón thúc đợt 1 bằng cách hoà  phân urê  0,5kg  với 1kg lân trong 40-50 lít nước/ sào để  tưới quanh gốc. Sau 10-12 ngày bón thúc lần 2 bằng cách rải 5kg phân NPK 10-10-5/sào vào gốc kết hợp với xới xáo vun gốc .

            Bón thúc đợt 3 (sau thúc 2 từ 10-15 ngày) bằng cách rải 7-8 kg phân NPK 10-10-5 với 3 kg phân kali/sào, rải giữa 2 hàng rồi lấp phân. Bón thúc lần 4 (sau trồng 30-35 ngày) bằng cách hoà 3-5 kg NPK để tưới gốc và bón thêm phân kali sau vài đợt thu hái quả.

* Phòng trừ sâu bệnh: Do dưa leo thụ phấn nhờ côn trùng nên hạn chế phun thuốc trong thời gian cây ra hoa. Lúc cây Dưa còn nhỏ khoảng 1-2 lá cần chú ý phòng trị sâu đất, dế, bọ rùa và bệnh lỏ cổ rễ. Dưa thưòng có bọ trỉ, nhện đỏ gây hại nên dùng Pegasus, Regent, Shepa…Ngoài ra còn trừ sâu vẽ bùa, rệp. Với Bệnh lở cổ rễ, bệnh sương mai, phấn trắng dùng Anvil, Ridomil, Aliette…( Đối với bệnh lở cổ rễ và thối gốc nên tưới đẩm thuốc vào gốc ).      

* Chú ý :  Giống Lai F1 nên không để giống cho vụ sau.

Minh Đức – Hồ Thành

 

Các bài viết khác: