Bảo tàng khoa học kỹ thuật cho Huế: Tại sao không?

Đó là đề xuất được GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thừa Thiên Huế (xin gọi tắt là Liên hiệp hội) nêu ra mà tôi được nghe không chỉ một lần tại các diễn đàn của Liên hiệp hội.

Bảo tàng khoa học ở Luân Đôn, Anh.

Không phải vì là đương kim Chủ tịch Liên hiệp hội mà GS. Trần Hữu Dàng “cục bộ” cho lĩnh vực mình công tác, mà quả thật khoa học kỹ thuật (KHKT) của Huế, của người Huế từ xưa đến nay có những thành tựu không hề nhỏ. Đơn cử, trong lĩnh vực y học có GS. Tôn Thất Tùng với phương pháp mổ gan mang tên ông đã khiến thế giới phải nghiêng mình. Ngoài ra, ông còn là người đầu tiên nghiên cứu về phân chia mạch máu trong gan gửi về Viện Hàn lâm khoa học Pháp, được tặng Huy Chương bạc của Đại học Tổng hợp Paris; là tác giả của 123 công trình khoa học giá trị lưu lại cho hậu thế. Hay GS.Đặng Văn Ngữ, đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc Penicillin, góp công rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hoặc gần đây, thành tựu về mổ tim hở, về ghép gan, ghép thận của Bệnh viện Trung ương Huế gắn với tên tuổi của GS.TS. Bùi Đức Phú cùng nhiều đồng nghiệp khác của ông tại bệnh viện…

Ở những lĩnh vực khác có thể kể về Đặng Huy Trứ (làng Thanh Lương-Hương Trà), một trong những người gieo mầm cải cách, là ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam. Hoàng Văn Lịch (làng Hiền Lương-Phong Điền), người Việt Nam đầu tiên đóng thành công tàu thủy chạy bằng hơi nước. Hay thuật đúc đồng tuyệt kỹ của những người thợ Phường Đúc; kỹ thuật làm nhà rường vô đối của người Huế- những ngôi nhà không chỉ là tuyệt tác nghệ thuật mà còn hàm chứa yếu tố kỹ thuật cực kỳ thông minh: Chống chịu được mưa bão, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ về mùa nắng… Mới nhất là những đề tài, những công trình của các nhà khoa học, của học sinh, sinh viên Huế đã được thẩm định qua các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng; hội thi sáng tạo kỹ thuật…

Bảo tàng khoa học kỹ thuật (KHKT) sẽ là nơi trưng bày, giữ gìn, tôn vinh những thành tựu KHKT, đồng thời tạo nên sự khích lệ, kích thích niềm tự hào, niềm đam mê sáng tạo cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Không những thế, đó sẽ còn là một địa chỉ văn hóa, du lịch có ý nghĩa và thú vị của Huế. Chính vậy, ý tưởng thành lập bảo tàng KHKT của GS.TS Trần Hữu Dàng cùng các cộng sự đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Mới đây, đề xuất đó lại được nêu ra tại Hội nghị triển khai Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX-2016 và đã nhận được sự ủng hộ của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Như vậy, có thể hy vọng, sự hiện diện của Bảo tàng KHKT tại Huế chỉ còn là vấn đề thời gian. Và với sự góp mặt của Bảo tàng KHKT, có thể nói, Huế là một trong những nơi có một hệ thống bảo tàng giá trị và khá phong phú: Bảo tàng Lịch sử và cách mạng, Bảo tàng Cổ vật cung đình, Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng đồ sứ ký kiểu; bên cạnh đó còn là những địa chỉ nổi tiếng khác mà nhiều nơi mong nhưng không dễ có: Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị. Tương lai, có thể sẽ còn có thêm bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng nước…

Vấn đề đặt ra là, việc tạo lập có thể dễ, nhưng làm sao để những bảo tàng ấy sống động, cuốn hút mới là khó. Điều này trước hết đòi hỏi tự thân các bảo tàng phải thực sự năng động, thực sự đầu tư trong sưu tập, trong trưng bày, trong thuyết minh và cả trong hình thức, thái độ tổ chức tiếp đón, tương tác với người xem. Cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện, có cơ chế khuyến nghị, yêu cầu doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành đưa bảo tàng (có thể một hoặc nhiều điểm) vào tuor tuyến của mình.

Chúng tôi may mắn có dịp được đi Thái, đi Malaysia… Được đưa đến thăm một số bảo tàng, điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm… Trong những điểm như vậy, có điểm đáng xem, nhưng cũng có điểm “nhàn nhạt”. Một số người tỏ vẻ không hài lòng, hỏi thì được hướng dẫn viên cho hay đó là những “điểm cứng” trong tour, không đưa khách đến sẽ bị phạt. Vì vậy mà các điểm đến ấy luôn rộn ràng, sôi động. Chợt nghĩ, đó cũng là một cách làm hay trong tiến trình “định vị” các bảo tàng, nhà trưng bày của Huế vào “bộ nhớ” của du khách và công chúng. Bạn làm được, ta sao không? Sau này, khi thấy hay, thấy bổ ích, người ta sẽ tự tìm đến, bảo tàng cũng sẽ hào hứng tư duy làm mới, làm mình ngày càng hấp dẫn thêm để đáp ứng yêu cầu của khách tham quan. Còn không, lập bảo tàng ra để rồi … “lặng lẽ như bảo tàng” thì thật muộn phiền, lãng phí.          

Diên Thống

 

Người cập nhật: Nguyễn Doãn Quan

Các bài viết khác: