Bảo tồn các loài Lan rừng quý hiếm (13/04/2010)

Trong sách đỏ Việt Nam, phong lan có đến 20 loài, chiếm số lượng lớn nhất trong các loài thực vật. Phong lan rừng quý như vậy nhưng với kiểu khai thác tận thu hiện nay thì chỉ 5-7 năm nữa, nhiều loài lan rừng quý sẽ không còn. Từ suy nghĩ này, Nguyễn Thanh Tùng (ảnh bên), sinh viên vừa tốt nghiệp hạng giỏi Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học Huế, đã thực hiện công trình nghiên cứu: Nghiên cứu bảo tồn invitro (nhân giống trong ống nghiệm) một số loài lan rừng Việt Nam quý hiếm và đã đoạt giải ba Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2009. Đây cũng là công trình duy nhất của sinh viên Huế lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Sáng tạo Sinh viên Việt Nam với doanh nghiệp (BK-HOLDINGS) năm 2009.

Nhân giống thành công nhiều giống lan quý

Em phải hoàn tất một số công việc để mai đi Hà Nội tham gia Giải thưởng BK-HOLDINGS rồi, chị thông cảm nói chuyện ở đây cũng được nhé, Tùng vừa nói vừa thoăn thoắt tách phấn hoa phong lan rừng trong phòng thí nghiệm của trường. Tùng cho biết, với khoảng 137-140 chi và trên 800 loài, họ lan là họ thực vật lớn nhất và có giá trị cao, bởi khác với phong lan lai có màu đẹp nhưng ít thơm, lan rừng thường vừa đẹp lại vừa thơm. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên lan rừng Việt Nam đang trở nên cạn kiệt do nạn khai thác quá mức. Chỉ riêng ở  Huế, hàng ngày đã có rất nhiều lan rừng được khai thác và bày bán ở đường Trần Hưng Đạo. Các giống phong lan rừng khi đưa về trồng tại nhà chỉ cho hoa đẹp một hai lần đầu rồi những lần sau sẽ không nở hoa nữa nên nguy cơ tuyệt chủng là rất cao. Vì vậy, việc bảo tồn các loài lan bằng cách nuôi trồng và nhân giống là một giải pháp bức thiết, Tùng nói.

Bắt tay vào nghiên cứu từ hè 2008, để có các mô mẫu ban đầu, Tùng đã tìm đến tận vùng rừng núi A Lưới, Bạch Mã để tìm kiếm các giống lan rừng quý hiếm. Tùng cũng bỏ nhiều thời gian để tìm kiếm và mua những giống lan từ những người bán lan ở đường Trần Hưng Đạo hoặc đi xin giống từ người quen. Có lúc không có tiền, để có giống mới phục vụ công việc nghiên cứu, Tùng đã nghĩ ra cách¦đổi giống, lấy giống mình có đem đổi với người khác, thế là có thêm nhiều giống lan mới. Có giống rồi, Tùng dành nhiều thời gian mày mò nhân giống trong ống nghiệm và sau hơn một năm rưỡi, Tùng đã nhân giống thành công hơn 10 loài lan rừng quý, nhiều giống lan khác đã có kết quả bước đầu, có giống Tùng đang tiếp tục làm và công việc này vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.

Tâm huyết với sâm Ngọc Linh và những cây dược liệu quý

Không chỉ tâm huyết với lan rừng, Tùng còn đang thực hiện ước mơ nghiên cứu nhân giống thành công những cây có giá trị như giống sâm Ngọc Linh, các loài cây dược liệu quý như hà thủ ô, cây qua lâu, và một số loài hoa. Theo một nghiên cứu gần đây thì giống sâm ngọc linh có hàm lượng hợp chất thứ cấp – saponin – nhiều hơn nhiều so với sâm Triều Tiên. Hiện trong nước mới chỉ có 2 nơi đang nghiên cứu và sản xuất hợp chất thứ cấp từ sâm Ngọc Linh với quy mô lớn là Viện quân y ở Hà Nội và Phân viên công nghệ sinh học ở Đà Lạt. Tuy nhiên báo chí mới chỉ nói là những nơi này đang nhân giống chứ chưa công bố là đã làm thành công, Tùng cho biết. Đây chính là lý do khiến Tùng càng ấp ủ mong ước nhân giống thành công loại dược liệu quý hiếm này của Việt Nam. Hiện Tùng đang ở giai đoạn đầu vừa nhân giống vừa nghiên cứu theo hướng sản xuất hợp chất thứ cấp từ sâm ngọc linh. Quá trình này có thể hiểu một cách đơn giản quá như sau: nuôi tế bào trong nồi lên men, sau một tháng thì tách chiết các hợp chất có giá trị ra. Chỉ có tôi xem mô sâm ngọc linh trong bình nuôi cấy, Tùng cười nói: Để có giống sâm này em phải nhờ người quen ở tận Đà Lạt mua giùm. Chỉ 5 cây mà giá đến 1 triệu. Tiếc tiền lắm đấy.

Ra trường mới hơn nửa năm, Tùng dự định sẽ học tiếp lên thạc sĩ. Con đường phía trước hãy còn dài cùng những dự định, nhưng với những gì đã làm được và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tôi có tin tưởng chắc chắn rằng, những ước mơ Tùng sẽ sớm trở thành hiện thực.

                                                                                                                   Thanh Vân

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: