Bệnh Coronavirus (Covid-19) – Những điều cha mẹ nên biết

  • TS.BS. Phạm Hoàng Hưng
  • 19-04-2020
  • 192 lượt đọc
Phổ biến kiến thức KH&CN;

Trẻ em hệ miễn dịch phát triển chưa hoàn chỉnh, dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp do các loại virus, vi khuẩn trong đó có COVID-19. Vậy làm thế nào để trẻ không bị nhiễm loại virus nguy hiểm này đó là câu hỏi nhiều vị phụ huynh rất quan tâm nhất là trong bối cảnh bệnh đang diễn biến phức tạp và khi các em học sinh sẽ quay trở lại trường học.

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những vấn đề COVID-19 liên quan đến trẻ em.

      1.Định nghĩa

      Coronavirus mới (nCoV) là một chủng mới của virus corona, gây bệnh lần đầu tiên được xác định ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019. Ban đầu, căn bệnh này được gọi là coronavirus mới 2019, hay 2019-nCoV, sau đó Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên là bệnh coronavirus 2019 (COVID-19) – viết tắt của COronaVIrus Disease 2019. Virus COVID-19 là một loại virus mới có liên quan đến cùng họ với virus như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và một số loại cảm lạnh thông thường. 

      COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là đại dịch. Đặc trưng COVID-19 là đại dịch không phải là dấu hiệu cho thấy virus đã trở nên nguy hiểm chết người mà đó là một sự cảnh báo về khả năng lây lan bệnh một cách nhanh chóng trên toàn thế giới.[4],[6]

      2. COVID-19 có ảnh hưởng đến trẻ em không?

      Cho đến nay mặc dầu trên thế giới đã hơn 1 triệu người mắc và số tử vong đã vượt qua 100 nghìn người, tuy nhiên các nhà khoa học trên thế giới đều nhận thấy rằng tỷ lệ mắc, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em là không cao.

      Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm và truyền virus, tuy nhiên trẻ em ít bị mắc hơn và bệnh thường ít nghiêm trọng hơn.[2],[3]

Hình1: Tỷ lệ tử vong theo tuổi bởi Covid-19 (nguồn: Eleanor Golberg- Bisiness insides)[2]

      3. Virus COVID-19 lây lan và các triệu chứng như thế nào?

      – Cách lây lan

  • Trực tiếp: Virus này được truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn của người bị nhiễm bệnh ( tạo ra khi ho và hắt hơi) là con đường chủ yếu.
  • Gián tiếp: Virus COVID-19 có thể tồn tại trên bề mặt trong vài giờ đến vài ngày khi chúng ta tiếp xúc với các bề mặt đó, tuy nhiên các chất khử trùng đơn giản có thể giết chết nó.

      – Các triệu chứng ở trẻ em khi nhiễm COVID-19

      Một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy bệnh viện này đã điều trị 683 trẻ và 419 trẻ đã được xuất viện. Các nghiên cứu tại Trung Quốc cũng nhận thấy trẻ em khi bị nhiễm COVID-19 thường không có các triệu chứng điển hình như sốt, ho khan, đau ngực và khó thở như người lớn. Nhiều trẻ có triệu chứng không điển hình như sốt nhẹ, ói mửa, tiêu chảy …thậm chí nhiều trẻ không có triệu chứng lâm sàng nên làm cho việc kiểm soát dịch bệnh của trẻ em tại Trung Quốc gặp khó khăn hơn.[3],[6]

      Cơ chế nào khiến trẻ nhiễm COVID-19 lại có triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn là điều mà có nhiều giả thuyết giải thích:

  • Đó là nhờ một tuyến ức đang hoạt động hoàn hảo ở trẻ em và nó hỗ trợ cho quá trình sinh sản tế bào T vốn có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch, tuyến ức giảm bớt hoạt động và yếu dần ở người trưởng thành.
  • Giả thuyết thứ hai là hệ thống miễn dịch ở trẻ em đã quen với việc bị tấn công thường xuyên, điều này có lợi cho việc phối hợp và điều chỉnh của trẻ.

      Tuy nhiên cũng cần lưu ý là chưa có cơ sở khoa học để khẳng định các giả thuyết này nên không thể chủ quan rằng trẻ em sẽ không mắc bệnh.

      4. Phòng bệnh COVID-19 đối với trẻ em?

      Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa mà các bậc phụ huynh và gia đình có thể thực hiện để giúp trẻ tránh nhiễm bệnh:

 

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc chà tay bằng cồn.

 

Che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy mềm khi ho hoặc hắt hơi. Vứt bỏ đúng nơi sau khi đã sử dụng.

 

Tránh tiếp xúc gần với bất cứ ai có triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm

Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào như điện thoại, tay nắm cửa, công tắc đèn và mặt bàn.

 

Tìm đến cơ sở  y tế sớm nếu bạn hoặc con bạn bị sốt, ho hoặc khó thở

 

 

      – Đối với các em học sinh

  • Khi trẻ đến trường hạn chế tiếp xúc, tụ tập cho đến khi hoàn toàn hết dịch.
  • Vệ sinh lớp học bằng dung dịch sát khuẩn trên các bề mặt bàn ghế, tay nắm vịn cửa ra vào. 
  • Phòng học cần thông thoáng.
  • Cần có sự liên hệ tốt giữa phụ huynh học sinh và nhà trường để cùng giải quyết các vấn đề khi cần thiết.
  • Trong thời gian cách ly cùng gia đình cần có sắp xếp thời gian hợp lý từ ăn, nghỉ, học, giải trí và hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện tử.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi nhằm nâng cao sức khoẻ và sức đề kháng của cơ thể

       – Đối với trẻ nhỏ

  • Vệ sinh các dụng cụ đồ chơi hàng ngày.
  • Hạn chế để trẻ bò lê.
  • Hạn chế cho trẻ mút tay hoặc cho tay lên dụi mắt…
  • Thực hiện chủng ngừa đầy đủ.

      Cách tốt nhất để rửa tay đúng cách là gì?

      Bước 1: Làm ướt tay với nước chảy

      Bước 2: Xoa đủ xà phòng lên tay ướt

      Bước 3: Chà tất cả các bề mặt của bàn tay – bao gồm cả mu bàn tay, giữa các ngón tay và dưới móng tay – trong ít nhất 20 giây.

      Bước 4: Rửa kỹ dưới vòi nước.

      Bước 5: Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc khăn dùng một lần

      Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn; sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi; và đi vào phòng tắm. Nếu xà phòng và nước không có sẵn, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn với ít nhất 60% cồn. Luôn luôn ghi nhớ rửa tay bằng xà phòng và nước.   

      Có nên đeo khẩu trang y tế?

      Nên sử dụng khẩu trang y tế nếu trẻ có triệu chứng hô hấp (ho hoặc hắt hơi) để bảo vệ người khác. Nếu trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào, thì cần phải đeo khẩu trang vải kháng khuẩn khi đi ra ngoài.

      Khẩu trang phải được sử dụng và xử lý đúng cách để đảm bảo hiệu quả của chúng và để tránh mọi nguy cơ lây truyền virus.

     Chỉ sử dụng khẩu trang là không đủ để ngăn ngừa nhiễm trùng và phải kết hợp với rửa tay thường xuyên, che hắt hơi và ho, và tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai có triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm (ho, hắt hơi, sốt).                        

      5. Cần làm gì nếu trẻ em có triệu chứng COVID 19?

      Cần phải thông báo với nhà trường để trẻ được tiếp cận với các dịch vụ y tế sớm nhất. Nhớ rằng các triệu chứng của COVID 19 như ho, sốt tương tự cúm, cảm lạnh thông thường nên rất dễ bị bỏ qua. Tuân theo các thực hành vệ sinh tốt như rửa tay thường xuyên và tiêm phòng đầy đủ để được bảo vệ chống lại các loại virus và vi khuẩn khác gây bệnh.[1][6]

      6. Kết luận.

      Mặc dầu tỷ lệ mắc COVID 19 ở trẻ em không cao, tuy nhiên ngày càng thấy nhiều trẻ bị mắc kể cả trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Vì vậy, nắm vững các kiến thức cơ bản về COVID 19, hiểu rõ cách lây truyền trên cơ sở đó nắm vững các biện pháp dự phòng đơn giản nhưng lại hiệu quả cho trẻ là rất cần thiết. Không lơi là mất cảnh giác, không mất bình tĩnh. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế và Chính phủ. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng COVID 19.

TS.BS. Phạm Hoàng Hưng*

TS.BS. Vũ Thị Bắc Hà**

*Hội Nhi Khoa Thừa Thiên Huế,  ** Hội Dinh Dưỡng Thừa Thiên Huế







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM