Biến đổi khí hậu và vấn đề sản xuất nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế

Biến đổi khí hậu(BĐKH) đã, đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ lên tự nhiên, con người Việt Nam cũng như Thừa Thiên Huế. Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích đất canh tác hơn 500.000 hecta, chia thành 3 vùng sinh thái khác nhau: Vùng sinh thái đồi núi, vùng sinh thái đồng bằng, vùng sinh thái ven biển. Vùng sinh thái ven biển chịu sự tác động lớn của các hiện tượng thời tiết cực đoan, với diện tích hơn 48.400 hecta đất cát, trong đó cồn cát là 8.392 hecta và đất cát ven biển là 40.016 hecta chiếm diện tích khá lớn của tỉnh. BĐKH tác động lên mọi măt đời sống của người dân ở vùng sinh thái ven biển này. Đặc biệt, BĐKH đã tác động mạnh mẽ trực tiếp lên hoạt động sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi điều kiện sống các loài sinh vật, phá vỡ cân bằng sinh thái, làm biến mất một số loài và nguy cơ xuất hiện nhiều loại bệnh dịch mới trên cây trồng, vật nuôi. BĐKH đã tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa vụ, tác động xấu đến chăn nuôi, trồng trọt của người dân…

Ở Thừa Thiên Huế tình hình hạn hán trong 10 năm qua diễn ra rất thường xuyên, với tần suất và cường độ mạnh. Tuy nhiên, trong 3- 5 năm trở lại đây hạn hán có xu hướng giảm về tần suất xuất hiện nhưng cường độ của nó lại tăng cao và thất thường không đoán trước được. Hạn thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8, từ tháng 3 đến tháng 8, triều cường dâng cao gây ngập và nhiễm mặn đất cũng như làm tăng độ mặn của nước ( >10‰). Những năm trở lại đây, rét tăng về cả tần suất và cường độ, số trận rét đậm, rét hại xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, các đợt rét diễn ra rất thất thường không thể lường trước được. Vì thế, gây ảnh hưởng rất lớn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, do ảnh hưởng của các trận lũ lớn đã làm cho môi trường đầm phá bị ngọt hóa vào mùa mưa lũ. Những năm trở lại đây, ngọt hóa có xu hướng tăng dần về tần suất xuất hiện đã ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân nơi đây.

Hạn hán và rét là 2 yếu tố thời tiết cực đoan có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế, chúng ta cần thực thiện một số giải pháp và biện pháp thích ứng cụ thể sau:

* Một số giải pháp nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp

 

Thứ nhất:  Phổ biến cho người dân sử dụng các giống chống chịu, giống bản địa hiệu quả, các kỹ thuật chăm sóc thích ứng với các biểu hiện BĐKH của địa phương, đặc biệt là hạn hán, rét.

Thứ 2:  Cần có các chính sách cho người dân vay vốn đa dạng hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đầu tư công nghệ phát triển sản xuất, đa dạng hoạt động sinh kế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ 3: Cần có giải pháp đầu ra ổn định cho nông sản.

Thứ 4: Cần có những nghiên cứu sâu, mô tả, tư liệu hóa phổ biến các biện pháp thích ứng với BĐKH cho người dân .

Thứ 5: Đối với cơ quan chuyển giao khoa học kỹ thuật, ban ngành phụ trách nông nghiệp các cấp, cần có kế thừa kết quả nghiên cứu và cơ sở dữ liệu về BĐKH, vấn đề BĐKH cần được lồng ghép vào kế hoạch hoạt động của đơn vị.

Thứ 6: Địa phương cần lồng ghép vấn đề BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống  thủy lợi.

Thứ 7: Phát triển hệ thống dịch vụ nông nghiệp địa phương và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống khuyến nông cần chuyển sang phương thức hoạt động chương trình khuyến nông xuất phát từ người dân.

* Một số biên pháp thích ứng với BĐKH trong nông nghiệp

– Sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chống chịu

Sử dụng các loại giống cây trồng thích ứng là giống có sức chống chịu cao để có thể chống chịu với các bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là chống chịu với hạn hán và rét.

– Áp dụng phương thức sản xuất xen canh, luân canh cây trồng, vật nuôi

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ độc canh sang luân canh, xen canh nhằm mục đích thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan, cải thiện độ phì của đất, phòng tránh dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế.

– Thay đổi lịch thời vụ

Thay đổi lịch thời vụ thích hợp là  hình thức thích ứng quan trọng với biến đổi khí hậu nói chung và hạn hán, rét, lũ lụt, nhiễm mặn nói riêng. Lịch thời vụ sản xuất cần  được các ban ngành nông nghiệp địa phương xây dựng trên cơ sở điều kiện khí hậu, thời tiết, cơ cấy cây trồng, vật nuôi hàng năm và những kiến thức bản địa trong dự đoán thời tiết của người dân, để từ đó điều chỉnh lịch thời vụ luồn lách hoặc hạn chế được tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

– Áp dụng một số kỹ thuật khác đối với hiện tượng thời tiết cực đoan hạn hán, rét cũng như lũ lụt, nhiễm mặn và ngọt hóa…

Ngoài ra, Sản xuất nông nghiệp cần đa dạng hóa các mô sản xuất cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các hoạt động thu nhập người nông dân từ các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, sơ chế, chế biến nông sản, du lịch nông nghiệp và tiếp cận thị trường… để giảm bớt rủi ro trong bối cảnh dễ bị tổn thương do BĐKH.

Tin, ảnh Hồ Thành

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: