Biến vật liệu tái chế thành đèn bắt muỗi

Đây là chiếc đèn ngủ bắt muỗi đầu tiên kết hợp hiệu ứng quang học đèn xanh và một loại dung dịch mới tạo ra sức hấp dẫn muỗi cao hơn mức bình thường’ do đó, đạt công suất cao hơn các loại đã có nhưng hoàn toàn không gây ảnh hưởng con người.

Chiếc đèn bắt muỗi của hai học sinh

Mới đây, đề tài “Đèn ngủ bắt muỗi làm từ vật liệu tái chế kết hợp hiệu ứng quang học và hóa học” đã giành được giải Ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh năm 2018.

Tác giả của đề tài trên là bạn Nguyễn Quang Tuệ và Lê Thành Đạt (trường THPT Gia Hội, thành viên CLB Sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế) dưới sự cố vấn của sinh viên Nguyễn Minh Luân.

Nhận xét về hai bạn, anh Trần Minh Phong – Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế cho biết: “Hai bạn đều rất đam mê khoa học, chịu khó tìm tòi, tham khảo ý kiến của các bậc đàn anh và nhà chuyên môn trong và ngoài nước. Sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế góp phần bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả và công suất cao”.

Các bạn cho hay, ngày nay, rác thải và bệnh dịch là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Mỗi ngày, tính riêng ở Việt Nam có 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt đã bị thải ra môi trường, trên thế giới là 2,5 – 4 tỉ tấn/năm, trong khi hơn một nửa trong số đó có thể tái chế.

Hằng năm, dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, Ebola, Zika… diễn biến phức tạp. Những chỗ bẩn thỉu, chứa rác thải là nơi thích hợp để loài muỗi sinh sôi nảy nở. Từ đó, mang dịch bệnh đi khắp thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người. Từ những thực tế trên, các bạn đã nảy ra ý tưởng làm chiếc đèn bắt muỗi để không chỉ giảm thiểu số lượng rác thải mà còn ngăn chặn loài muỗi mang bệnh đến cho con người.

Đèn bắt muỗi của các bạn vừa có tác dụng làm đèn ngủ vừa có tác dụng để bắt muỗi. Qua đó, giúp người dùng tránh được một số bệnh do muỗi gây ra. Sản phẩm có chi phí rẻ (chỉ bằng 1/10 giá thành một số sản phẩm hiện có trên thị trường), nhỏ gọn với cấu tạo đơn giản.

Quang Tuệ cho hay: “Điểm khác biệt của đề tài này chính là đèn ngủ bắt muỗi đầu tiên kết hợp được hiệu ứng quang học đèn xanh và một loại dung dịch mới tạo ra sức hấp dẫn muỗi cao hơn mức bình thường. Do đó, đạt công suất cao hơn các loại đã có, nhưng hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người”.

Quang Tuệ cho biết thêm: “Sản phẩm dễ làm, dễ sử dụng, mang lại hiệu quả, công suất cao và an toàn hơn so với các loại bẫy muỗi thông thường như Vợt điện, bẫy điện… Ngoài ra, còn thân thiện và góp phần bảo vệ môi trường, là cách phòng tránh các dịch, bệnh do muỗi gây ra một cách đơn giản nhất. Chính vì vậy, nó có khả năng áp dụng cao, có thể áp dụng trong mỗi hộ gia đình, ở mọi khu vực trong nước và nước ngoài”.

Theo tìm hiểu, thân đèn được tận dụng từ hộp nhựa, chai nhựa bỏ đi, chúng có độ bền cao, dễ dàng tán xạ ánh sáng nên có thể tạo ra sản phẩm tốt và giảm thiểu lượng rác thải.

Thân đèn được đục nhiều lỗ nhỏ để khuyếch đại lực hút của cánh quạt ở phía trên thân đèn. Do đó, có thể dễ dàng hút con muỗi vào trong thân và khiến con muỗi mắc kẹt ở đó, không thể di chuyển nhờ dung dịch. Đèn LED xanh được đặt phía trên cánh quạt, nó sẽ thu hút muỗi bay đến và rồi bị hút vào trong thân đèn bởi cánh quạt.

Thân đèn còn có dung dịch do các em điều chế gồm các thành phần cơ bản như coca, banking soda, đường nâu, giấm… tạo ra lượng CO2 để thu hút muỗi cao hơn những cái đã có nhưng hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Thành Đạt cho biết, sản phẩm được thử nghiệm tại một số hộ gia đình ở các huyện Nam Đông, huyện A Lưới và người dùng đánh giá rất cao tác dụng của sản phẩm. Sản phẩm có tiềm năng sử dụng cả trong nước lẫn nước ngoài, đặc biệt là những vùng núi, rừng núi ẩm ướt. Nếu được đầu tư và sản xuất hợp lý thì đây sẽ là một sản phẩm bền, tốt và công suất không hề thua kém các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

                                                                               Minh Hải

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: