Các chi tiết kiến trúc đóng góp trong việc chống thấm chủ động cho nhà ở

  • Ths. Kts Võ Tuấn Anh
  • 12-05-2021
  • 102 lượt đọc
Phổ biến kiến thức KH&CN;

Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở duyên hải miền trung Việt Nam bao gồm phần đất liền và phần lãnh hải thuộc thềm lục địa biển Đông. Với đặc trưng cùa khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, và ảnh hưởng gió Lào khiến cho Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Với thời tiết chủ yếu là hai mùa mưa và nắng. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng Chín và kéo dài qua năm sau cho đến tháng Hai. Với đặc trưng thời tiết đó, chính là một phần lớn gây ảnh hưởng đến văn hóa, môi trường, xã hội, kinh tế và con người Huế.

     Trong những ảnh hưởng lớn của thời tiết thì Nhà ở nói riêng và Kiến trúc nói chung là một trong những lĩnh vực đã, đang và mãi là vấn đề luôn cần có những lời giải thấu đáo để phần nào giúp cho công trình ở nơi đây bền vững và ít bị tác động bởi thời tiết. Với hai mùa mưa và nắng, thì mùa mưa vẫn là mùa khắc nghiệt hơn và để lại những hệ lụy cho công trình kiến trúc nhiều hơn, và ở đó là sự xuống cấp của công trình khiến cho công trình trở nên mất thẩm mỹ có thể gây phương hại đến sức khỏe. Sau cùng là ảnh hưởng đến chất lượng sống và kinh tế.

     Công trình kiến trúc có thể chia thành 3 phần chính theo chiều đứng của nó, đó là phần móng, phần thân và phần mái. Mỗi phần đều có những hình thái và chức năng riêng, tuy nhiên xét ở khía cạnh chống thấm chủ động cho công trình thì bài viết tập trung đến các chi tiết – cấu tạo kiến trúc, mà nó là một phần rất lớn đóng góp đến việc chống thấm chủ động cho nhà ở Thừa thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.   

        Mái (bê tông hoặc ngói)

     Để có cái nhìn tương đối đơn giản thì áp lực thời tiết lên công trình kiến trúc thường được tính từ trên xuống, chính vì vậy để chống thấm cho công trình thường bắt đầu từ mái. Đây cũng là hệ kết cấu quan trọng bậc nhất trong việc che mưa, che nắng cho công trình. Theo như cách xây dựng truyền thống, thì từ ngày xưa cha ông ta đã biết làm mái lớn và đua ra một khoảng phù hợp để che năng cũng như chống tạt mưa lên tường. Thông thường mái cần phải đua ra khoảng 90 – 130 cm (tùy thuộc vào độ lớn của nhà)

   

Hình: Mái nhà là lớp bảo vệ đầu tiên và quan trọng nhất, nguồn ST

        Phào kết thúc tường (phào đỉnh tường)

     Đối với các công trình kiến trúc hiện đại hoặc công trình hạn chế về không gian buộc phải đúc bằng mà không thể có mái thì việc sử dụng phào đỉnh tường là việc tối quan trọng. Nó là chi tiết ngoài làm đẹp công trình, còn giúp cho công trình hạn chế nước lăn trên diện tường bên dưới. Với thời tiết mưa dầm của Thừa Thiên Huế, việc hạn chế nước bám trên mặt tường sẽ giúp phần nào nước thấm lên mặt tường. Ở khía cạnh nào đó thì phào đỉnh tường có tác dụng như một cái “ô văng” nhỏ bao quanh toàn bộ và trên cùng tường nhà.

        Sê nô

     Đây là một chi tiết cấu tạo thu nước âm cho mái thường được sử dụng đối với công trình sử dụng vật liệu bê tông cốt thép. Sê nô ngoài việc thu nước, tránh nước mưa chảy tự nhiên trực tiếp ra sàn, nền, nó còn có tác dụng giúp tường có thêm một khoảng nhô ra đủ lớn để hạn chế việc nước mưa tiếp xúc trực tiếp lên tường. Đối với các công trình có khoảng không gian đủ lớn thì việc sử dụng sê nô gần như là bắt buột bởi tác dụng thu nước chủ động và chống thấm cho tường là tối ưu.

   

Hình: Sê nô bao quanh nhà để thu nước mưa, nguồn TG

        Ô Văng

     Thêm một chi tiết mà nó thường đúc bê tông, hoặc là một dạng mái gắn vào tường và nhô ra khỏi tường để chống nắng và chống tạt mưa cho các ô thoáng hoặc ô cửa sổ. Ô văng có thể hình dung nôm na như một “lông mày” để bảo vệ mắt, mà ở đây là cừa sổ. Ô văng là một thành phần đơn giản nhưng mang lại tác dụng vô cùng lớn. Các công trình sử dụng ô văng sẽ luôn mang lại sự ổn định cho cửa sổ. Bên cạnh đó, khoảng không gian nhô ra của nó cũng đóng góp vào việc chống tạt mưa vào phía bên dưới cửa, giúp phần nào giảm lượng nước bám vào tường bên dưới cửa.

  

Hình: Ô văng ngoài chống mưa nắng, còn giúp trang trí cho công trình, nguồn ST

        Ban công

     Ban công có lẽ là một không gian kiến trúc thân quen đối với hầu hết mọi người, bởi nó là không gian dẫn nhập và tiếp nối từ trong công trình ra không gian bên ngoài ở các độ cao khác nhau. Nó giúp công trình trở nên hòa nhập với thiên nhiên cũng như tạo thêm chức năng thư giãn cho người sử dụng. Tuy nhiên về mặt cấu trúc thì ban công ngoài có chức năng như nói ở trên, nó còn góp phần giúp công trình có thêm những hệ thống “lá chắn” cho các không gian ở bên dưới. Từ đó cũng là chi tiết kiến trúc giúp công trình chống lại sự xâm nhập của nước mưa cũng như nắng cho công trình. Ban công có thể nhô ra một phần hoặc bao bọc quanh nhà tùy vào hình thức và giải pháp kiến trúc mặt đứng.

  

Hình: Ban công dạng độc lập hoặc kéo dài theo toàn bộ ngôi nhà, nguồn ST

        Tô dật cấp – Ốp tường

     Đây là một chi tiết mà gần như ít ai nghĩ và sử dụng đến, bởi sự tốn kém cũng như mất công của nó là không thể bàn cải. Tuy nhiên việc ứng dụng các “lá sách” tô bằng bê tông hoặc ốp thêm này giúp cho tường có thêm các “ô văng” nhỏ để chống lại việc nước mưa bám trên mặt tường. Các công trình có không gian thoáng xung quanh thì việc sư dụng chi tiết này vừa giúp trang trí thêm cho tường cũng như góp phần chống thấm cho công trình.

   

Hình: Tường tô dạng dật cấp bằng bê tông hoặc ốp bằng tấm nhựa, nguồn TG

     Bên cạnh đó, nhiều công trình mong muốn giảm chi phí và bỏ qua tính thẩm mỹ thì sử dụng biện pháp ốp tôn trực tiếp cũng là giải pháp tuyệt vời. Với giải pháp này, tường chỉ cần xây gạch trần thô rồi sau đó tiến hành đóng chỉ sắt trực tiếp vào tường, sau đó thì ốp tôn có sóng nhỏ vào. Đây là một trong giải pháp tiết kiệm chi phí nhưng mang lại tính ổn định và bền vững cao.

   

Hình: Tường ốp tôn chống thấm, nguồn TG

     Kiến tạo một không gian sống và bền vững, rõ ràng là mong ước chung của chúng ta. Ngôi nhà vẫn luôn là tổ ấm quan trọng bậc nhất đối với một đời người. Với việc biến đổi khí hậu đang diển ra một cách bất thường như hiện nay, thì việc đi tìm các giải pháp kiến trúc giúp cho ngôi nhà tránh được các áp lực của thiên tai là một mong muốn không của riêng ai. Thừa Thiên Huế, thời gian qua đã gặp phải nhiều áp lực thiên tai, và sắp đến sẽ còn tiếp diễn. Với đặc thù thời tiết khắc nghiệt đó, mọi người sẽ luôn trăn trở và cẩn trọng khi bắt tay xây dựng cho mình một tổ ấm.

     Thông qua bài viết này, sẽ là một cổng thông tin góp phần ghi nhớ thêm cho những ai đang hành nghề trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, nhằm đối chiếu lại với các phương án hiện tại đã có những phương án chống thấm chủ động cho công trình- ngôi nhà chừa?! Mặt khác đây cũng là kênh thông tin giúp cho người dân một lượng kiến thức thảm khảo để ứng dụng vào việc thiết kế cũng như xây dựng công trình.

     Dẫu biết nắng mưa là “bệnh của trời”, nhưng để có một môi trường sống bền vững thì chúng ta luôn hiểu rằng, “chủ động” ứng phó với nó trước, khi nào cũng tốt hơn là “bị động”./.

 







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM