Cách nhìn mới về hệ Mặt trời và những khám phá của thiên văn học liên quan (24/07/2015)

Đó là chủ đề buổi nói chuyện và giao lưu giữa GS.TS. Lưu Lệ Hằng với sinh viên, công chúng yêu khoa học thành phố Huế do Trường Đại học Sư phạm Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức. PGS.TS. Nguyễn Dung – Phó chủ tịch UBND tỉnh, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Đại học Huế, GS.TS. Trần Hữu Dàng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và hơn 500 sinh viên, công chúng yêu khoa học trên địa bàn tỉnh đã đến tham dự.

PGS.TS. Nguyễn Dung – Phó chủ tịch UBND tỉnh (bên trái) và PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Đại học Huế (bên phải) tặng hoa chúc mừng những thành công của GS.TS. Lưu Lệ Hằng.

GS.TS. Lưu Lệ Hằng nói chuyện tại buổi giao lưu.

Toàn cảnh buổi giao lưu.

Với chuyên đề “Cách nhìn mới về hệ Mặt trời và những khám phá mới của thiên văn học liên quan”, GS.TS. Lưu Lệ Hằng đã chia sẻ cho các sinh viên và công chúng yêu khoa học nhiều điều thú vị, những khám phá mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học vũ trụ, thiên văn học.

Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ đặt nhiều câu hỏi thú vị đến GS. Lưu Lệ Hằng về những vấn đề liên quan đến hệ Mặt trời, cách để các nhà khoa học tính ra tuổi của Trái đất, những khó khăn của phụ nữ khi nghiên cứu khoa học và làm thế nào để cho giới trẻ Việt Nam đam mê khoa học, thành công trên lĩnh vực khoa học…

Chia sẻ với khán giả, GS.TS. Lưu Lệ Hằng cho rằng để trở thành một nhà thiên văn học hay một lĩnh vực khoa học nào đó thì không bao giờ muộn đối với những người thực sự đam mê, nhưng chúng ta nên bắt đầu từ bây giờ. Để một người trẻ đam mê khoa học được thực hiện ước mơ của mình thì trước hết phải kiên nhẫn, mình đam mê thì mình sẽ nghĩ về nó rất nhiều và cố gắng hết sức mình cho việc học hành và làm việc cho gia đình. Ngoài ra còn có cả sự may mắn nữa.

GS.TS. Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963 tại Sài Gòn hiện đang công tác tại phòng thí nghiệm Lincoln, MIT, Hoa Kỳ. Bà đã từng được nhận nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực Thiên văn học thế giới. Năm 1991, Hội Thiên văn Mỹ trao tặng bà Giải thưởng Annie J. Cannon. Để ghi nhận công lao của bà trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, người ta lấy tên bà đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu. Năm 2012, nữ khoa học gia được trao hai giải khoa học cao quý nhất trong lĩnh vực Thiên văn học là Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli.

Doãn Quan

 

Người cập nhật: Nguyễn Doãn Quan

Các bài viết khác: