Cần làm gì để phòng ngừa bệnh viêm gan vi – rút B

1.VI-RÚT LÀ GÌ NHỈ? phiên âm từ virus (tiếng Anh), còn gọi là siêu vi, siêu vi khuẩn, là một tác nhân truyền nhiễm chỉ nhân lên được khi ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác (con người).

2.VI-RÚT VIÊM GAN B (viết tắt HBV) ? HBV là một trong 8 loại vi-rút gây bệnh viêm gan (A, B, C, D, E, F, G, H), trong đó có thể tiến triển thể mạn tính ở Việt Nam chủ yếu là HBV, HCV, HDV.  Bệnh viêm gan vi-rút B và nhiễm HBV là hai khái niệm khác nhau vì có khi người nhiễm vi-rút có thể đuổi sạch được vi-rút ra khỏi cơ thể; không phải tất cả các trường hợp nhiễm vi-rút viêm gan B đều tiến triển các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Điều đáng quan tâm là nếu nhiễm HBV ở trẻ sơ sinh (thường do mẹ truyền sang) có tỷ lệ tiến triển mang HBV mạn tính (lâu dài) rất cao (80%) trong khi nếu nhiễm HBV khi đã trưởng thành thì tỷ lệ giảm còn 10%. Những người mang HBV mạn tính có thể không có triệu chứng nhưng hết sức nguy hiểm vì họ là nguồn lây nhiễm HBV quan trọng  và trong số này có 20% tiến triển các biến chứng nặng.

3. HBV LÂY TRUYỀN NHƯ THẾ NÀO?

HBV được tìm thấy trong máu người và một số dịch cơ thể như huyết thanh, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, nước bọt. HBV không tìm thấy trong nước mắt, nước tiểu, mồ hôi, chất tiết đường hô hấp. Chỉ cần tiếp xúc với một lượng máu rất nhỏ là đã có thể bị nhiễm HBV.

HBV có thể lây qua:

–        Sinh hoạt tình dục không bảo vệ với người nhiễm HBV

–        Tiêm chích ma túy với kim tiêm chung người nhiễm HBV.

–        Từ mẹ nhiễm HBV truyền sang con qua quá trình chuyển dạ, cho bú, mớm cơm.

–        Tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của một người bị nhiễm HBV với vết thương hở.

–        Sống chung với người nhiễm HBV nhưng có dùng chung dụng cụ sinh hoạt như bàn chải đánh răng, dao cạo, cắt móng tay….; do vết cắn (nhà trẻ)

–        Dùng kim không vô trùng trong châm cứu, xỏ lỗ tai, xâm mình, ráy tai

–        Dùng kim tiêm chung.

HBV không lây qua:

–        Những tiếp xúc thông thường như bắt tay, hôn trên má hoặc môi “khô”.

–        Dùng chung ly, tách , chén, đĩa.

–        Viếng thăm nhà của người nhiễm HBV.

–        Chơi đùa với những đứa trẻ mang HBV

–        Ho, hắt hơi

4. NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM ĐỂ NGĂN CHẶN SỰ LÂY NHIỄM HBV CHO BẢN THÂN, GIA ĐÌNH, CỘNG ĐỒNG

4.1.Nên biết mình có đang nhiễm HBV không? Bởi vì hiện nay tỷ lệ người đang nhiễm HBV ở nước ta rất cao (10-15%).

-Muốn phát hiện nhiễm HBV phải đi làm xét nghiệm máu tìm dấu vết của HBV gọi tắt là HBsAg (một protein của vỏ HBV) và HBeAg (một protein của nhân HBV). Xét nghiệm có thể làm tại các phòng xét nghiệm, khoa xét nghiệm bệnh viện (tuyến huyện và tuyến tỉnh-TP).

-Nếu đã chủng ngừa vắc-xin HBV thì phải làm xét nghiệm gọi là Anti-HBs để biết cơ thể mình đã có chất (kháng thể) bảo vệ chống lại HBV chưa? Nếu chưa đạt thì cần phải chủng ngừa nhắc lại.

-Trong gia đình nếu đã có người nhiễm HBV thì nên xét nghiệm HBsAg và HBeAg cho tất cả mọi người còn lại trước khi quyết định chủng ngừa. Không chủng ngừa cho ai có HBsAg (+) hoặc antiHBs (+) cao.

– Người trưởng thành trước khi kết hôn nên đi làm xét nghiệm HBsAg, HBeAg cùng với HIV để biết mình có nhiễm HBV không? để tránh lây nhiễm cho bạn đời và con cái sau này.

4.2. Người đã có nhiễm HBV với HBsAg (+) cần được gặp bác sĩ chuyên khoa tại phòng khám hoặc bệnh viện để định hướng làm các xét nghiệm tiếp tục (như HBeAg, HBV-DNA, men gan, …); điều trị nếu có chỉ định; hoặc tiếp tục theo dõi cho đến khi loại bỏ được HBV.

4.3. Chủng ngừa vắc-xin viêm gan B ngay khi có thể.

–        Trẻ em là đối tượng ưu tiên trong chương trình tiêm chủng mở rộng với vắc-xin này.

–        Nhân viên y tế, sinh viên y khoa.

–        Bệnh nhân thường xuyên nhận các chế phẩm từ máu.

–        Người có nguy cơ cao do hành vi hoạt động tình dục.

–        Người tiêm chích ma túy, mãi dâm.

–        Người du lịch đến vùng có HBV lưu hành cao.

–        Trẻ sinh từ mẹ nhiễm HBV.

–        Người tiếp xúc gần gũi trong gia đình hoặc với bệnh nhân nhiễm HBV cấp hay mạn tính.

Những đối tượng khác: Công an, bộ đội và những người có khả năng tiếp xúc với HBV do công việc hoặc lối sống của họ.

 

                                    Không lây nhiễm HBV                                                                                 Lây nhiễm HBV

 PGS.TS. Trần Thị Minh Diễm

Trường Đại học Y Dược – Đại học Huế

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: