Cần luật hóa kinh phí cho Liên hiệp hội Việt Nam (05/12/2013)

“Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) là một tổ chức chính trị – xã hội của giới trí thức khoa học và công nghệ đã được Đảng, Chính phủ công nhận và hỗ trợ trong suốt 30 năm qua. Nhưng đến nay chưa có Văn bản quy phạm nào của Chính phủ quy định việc đảm bảo, hỗ trợ ngân sách cho Liên hiệp Hội Việt Nam ngoài các Chỉ thị của Đảng (Chỉ thị 45, Chỉ thị 42, Thông báo 135) và một số Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng đối với một số vấn đề như Chỉ thị 14, Quyết định 22. Việc chính thức hóa dưới dạng một văn bản quy phạm pháp luật mà ở đây là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với Liên hiệp Hội Việt Nam là một việc cần làm, thể hiện cách tiếp cận theo khuôn khổ pháp lý, khoa học và thượng tôn pháp luật”, ông Ngô Thuần Khiết – Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường cho biết.

Trao đổi với vusta.vn, ông Khiết cho biết thêm, từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một chặng đường dài gian nan không phải có Quyết định là mọi việc đâu vào đấy. Mà việc đầu tiên là cần soạn thảo Quyết định này một cách thật nghiêm túc để nó có tính pháp lý thật chặt chẽ, tính khoa học và thực tế cao cùng tính chế tài đủ mạnh để cấp thi hành không thể hành xử một cách cảm tính.

Hiện nay, Liên hiệp Hội Việt Nam không tự động được hưởng ngân sách sự nghiệp cho các hoạt động chuyên môn. Để được hưởng vốn ngân sách sự nghiệp, Liên hiệp Hội Việt Nam phải được các bộ, ngành đồng ý giao cho làm đầu mối kế hoạch chi sự nghiệp của ngân sách nhà nước mà bộ, ngành đó quản lý.

Trong 17 nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, cho đến nay Liên hiệp Hội Việt Nam mới chỉ được làm đầu mối kế hoạch của 4 nguồn chi thường xuyên là chi quản lý hành chính, chi sự nghiệp khoa học công nghệ, chi sự nghiệp kinh tế, chi sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Trong hoạt động khoa học công nghệ và môi trường của Liên hiệp Hội Việt Nam được hỗ trợ từ 3 nguồn ngân sách sự nghiệp trên cơ sở 3 văn bản thỏa thuận có tính pháp lý đó là: “Chương trình phối hợp và phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ của đội ngũ khoa học & công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế” ký ngày 25/12/1995 giữa Liên hiệp Hội Việt Nam và Bộ Khoa học & Công nghệ mà theo đó Bộ Khoa học & Công nghệ “hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học & công nghệ” cho Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện các đề án, dự án phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; Nghị quyết liên tịch số 01/2004/NQLT-LHH-BTNMT ngày 3/12/2004 về việc “phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững” giữa Liên hiệp Hội Việt Nam và Bộ Tài nguyên & Môi trường; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Liên hiệp Hội Việt Nam về việc thưc hiện các dự án Điều tra cơ bản và môi trường từ vốn sự nghiệp kinh tế.

Theo các Văn bản này, Liên hiệp Hội Việt Nam là một đầu mối kế hoạch với các Bộ và hàng năm Liên hiệp Hội Việt Nam phải xây dựng, bảo vệ kế hoạch với các Bộ. Mặc dù theo Luật Ngân sách nhà nước, các Bộ chuyên ngành chịu trách nhiệm lập dự toán, phương án phân bổ và quản lý nguồn ngân sách sự nghiệp như Bộ Khoa học & Công nghệ chịu trách nhiệm cho ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm quản lý ngân sách sự nghiệp môi trường, Bộ Kế hoạch & Đầu tư chịu trách nhiệm quản lý ngân sách sự nghiệp kinh tế, nhưng thực tế quyết định phê chuẩn ngân sách cho Liên hiệp Hội Việt Nam là do Bộ Tài chính.

Điều này cho thấy trong quy định phân bổ ngân sách cho Liên hiệp Hội Việt Nam, các Bộ chuyên ngành quyết định về mặt chuyên môn nhưng Bộ Tài chính lại quyết định về ngân sách. Có trường hợp các Bộ chuyên ngành đã giao nhiệm vụ cho Liên hiệp Hội Việt Nam nhưng Bộ Tài chính không phê chuẩn ngân sách thì nhiệm vụ đó cũng không thực hiện được. Thậm chí ngay cả Thủ tướng giao việc mà Bộ Tài chính không cấp kinh phí cũng không thể thực hiện.

Về việc cấp và đảm bảo kinh phí, trên thực tế Nhà nước không giao nhiệm vụ thường xuyên cho Liên hiệp Hội Việt Nam mà là do các Bộ chuyên ngành. Mặt khác ngân sách đảm bảo cho chi thường xuyên nhưng lại căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao và định mức phân bổ cho chi quản lý hành chính thì sẽ mâu thuẫn, khập khiễng giữa nhiệm vụ thực hiện và kinh phí được cấp dẫn đến không có đủ nguồn lực để thực hiện. Biên chế thì do Bộ Nội vụ quyết nhưng nhiệm vụ không có ai giao vậy cấp và đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao là nhiệm vụ gì?

Theo ông Khiết, Luật Ngân sách thì chi thường xuyên do các Bộ chuyên ngành phân bổ vậy việc thực thi Quyết định này như thế nào? Liệu sau khi có quyết định này các Bộ quản lý ngân sách có đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam và Hội thành viên được không? Vai trò của Bộ Tài chính trong việc phân bổ chi thường xuyên như thế nào? Chế tài nào để đảm bảo khoản chi thường xuyên được cấp theo yêu cầu của Liên hiệp Hội và Hội thành viên.

Có nhiều trường hợp Thủ tướng ra Quyết định nhưng các Bộ đặc biệt là Bộ Tài chính không cấp tiền hoặc không thực hiện Quyết định đó. Ví dụ như Chương trình chống sa mạc hóa, nhiều năm Liên hiệp Hội Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí cho các dự án này nhưng Bộ Tài chính không cấp với lý do là Thủ tướng không chỉ rõ nguồn chi trong Quyết định đó nên Bộ Tài chính không biết lấy tiền ở đâu. Chính vì vậy, như ở ví dụ trên cho thấy Quyết định của Thủ tướng nhiều khi không có hiệu lực trong thực tiễn nếu như không chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành và không có chế tài đủ mạnh để buộc các Bộ, ngành thực hiện.

“Nếu Quyết định không đi kèm hoặc không chỉ ra Bộ nào phải “Cấp, đảm bảo, hỗ trợ kinh phí cho Liên hiệp Hội và các Hội thì nó sẽ chỉ là tờ giấy mà thôi”, ông Khiết cho biết.

Ngoài ra, về hỗ trợ kinh phí, theo ông Khiết, rất ít cơ quan Nhà nước yêu cầu hay giao việc do đó nếu không có yêu cầu hay giao việc thì không có kinh phí. Các tiêu chuẩn và định mức hỗ trợ không minh bạch cũng sẽ dẫn tới khó thực hiện.

Theo vusta.vn

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: