Ngày 11-3-1975, quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Ngày 19-3, giải phóng Quảng Trị. Quân địch dồn về Thừa Thiên Huế. Trong khi đó, quân ta cắt đứt đường Huế – Đà Nẵng.
Nguyễn Văn Thiệu, đương kim Tổng thống ngụy Sài Gòn, khẩn cấp điện kêu cứu Mỹ.
Sáng ngày 23-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu nhận được bức thư của Tổng thống Ford đề ngày 22-3-1975, trong thư, có đoạn: “…Tôi quyết định rằng người Mỹ sẽ bảo vệ Việt Nam trong giờ phút quyết định này với ý định thực hiện đúng trách nhiệm của Hoa Kỳ trong hoàn cảnh này, tôi vẫn theo dõi những diễn biến một cách sát sao và bàn bạc một cách khẩn cấp với các cố vấn của tôi về những việc làm mà hoàn cảnh đòi hỏi và pháp luật cho phép, còn việc viện trợ quân sự đầy đủ cho các lực lượng vũ trang của Ngài, Ngài hãy tin chắc rằng tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu vật chất trên chiến trường cho Ngài…"
Tối ngày 24-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu gửi cho Tổng thống Ford bức thư dưới đây:
"Kính thưa Ngài Tổng thống
Tôi xin cám ơn Ngài về bức thư ngày 22-3-1975 của Ngài. Trong lúc tôi viết thư này đến Ngài, tình hình chiến sự Nam Việt Nam rất nghiêm trọng và càng lúc càng xấu đi.
Về tương quan lực lượng, thế bất cân đối theo hướng có lợi cho quân Bắc Việt, cũng như những thuận lợi về chiến lược của họ được tích lũy suốt hai năm qua, những điều đó đã dẫn đến tình thế nguy ngập hiện nay, đặc biệt ở vùng II chiến thuật, chắc Ngài cũng đã rõ. Toàn bộ lãnh thổ còn lại và cả Sài Gòn đang bị đe dọa nghiêm trọng…
Thưa Ngài Tổng thống
Vào giờ phút quyết định này, khi Nam Việt Nam đang lâm nguy và hòa bình đang bị đe dọa nghiêm trọng, tôi, vì lẽ đó, trân trọng khẩn cầu Chính phủ Hoa Kỳ hãy thực hiện lời hứa. Nói một cách chính xác là, tôi xin thành thật đề nghị quý Ngài cho thực hiện hai biện pháp cần thiết sau đây:
Một là, lệnh cho một cuộc oanh tạc bằng máy bay B52, ngắn hạn nhưng tập trung vào những điểm đóng quân và căn cứ hậu cần của kẻ thù trong khu vực thuộc Nam Việt Nam.
Hai là, khẩn cấp viện trợ những phương tiện cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tiến công. Chỉ có hai biện pháp này, chúng tôi mới có thể ngăn chặn chúng khỏi xé vụn những mảnh còn lại của hiệp định Paris.
Kính thưa Ngài Tổng thống
Một lần nữa, xin khẩn cầu Ngài, khẩn cầu chữ tín của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, và đặc biệt, khẩn cầu lương tâm của nước Mỹ. Tôi rất vui mừng là dù bận đảm đương nhiệm vụ của một Tổng thống, Ngài đã sẵn sàng nhắc lại những đảm bảo về sự trường tồn của chính sách ngoại giao của Mỹ và sự chắc chắn của những giao ước hiện nay. Tôi xin đa tạ quyết tâm thực hiện trọn vẹn lời hứa đó bằng hành động cụ thể của Ngài…"
9 giờ 30 ngày 25-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu triệu tập một cuộc họp quân sự, chỉ thị cho tướng Cao Văn Viên điện cho tướng Ngô Quang Trưởng: Thứ nhất, chính thức bỏ Huế. Thứ hai, sau khi nhanh chóng triển khai lực lượng về Đà Nẵng, phải chiếm giữ Đà Nẵng bằng mọi giá.
Ngày 29-3-1975, ta giải phóng Đà Nẵng. Vùng I và vùng II coi như thất thủ hoàn toàn.
Trong khi đó, đài phát thanh BBC, đài VOA loan tin Mỹ đã cắt viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa do Quốc hội Mỹ không chấp thuận kéo dài cuộc chiến tranh vô ích tại Việt Nam.
Ngày 10-4-1975, Tổng thống Ford yêu cầu Quốc hội Mỹ chấp thuận chi ngân sách một tỷ USD để viện trợ quân sự và nhân đạo cho chế độ Sài Gòn. Nhưng Quốc hội Mỹ chỉ chấp thuận cho có 200 triệu USD để sử dụng vào việc di tản nhân viên và kiều dân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam!
Với phương châm "còn nước còn tát”, Nguyễn Văn Thiệu thay đổi nội các mới với mục đích Mỹ thấy vậy sẽ có kế hoạch xem xét lại tình hình miền Nam Việt Nam để tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa. Thủ tướng Trần Thiện Khiêm được thay thế bằng một chính khách dân sự là dân biểu Nguyễn Bá Cẩn đang là chủ tịch cái Quốc hội trung thành với Thiệu. Trong những ngày này, Quân giải phóng đã tiến tới Phan Rang, nơi nguyên quán của Thiệu.
Một lần nữa, Nguyễn Văn Thiệu đã gửi một bức thư kêu cứu cuối cùng cho Tổng thống Ford và hy vọng được Tổng thống Ford suy nghĩ. Bức thư như sau:
"Kính thưa Ngài Tổng thống:
Những sự kiện trong vài tuần gần đây đã đưa miền Nam Việt Nam vào một tình huống mới và nghiêm trọng. Hiện nay, chúng tôi phải đương đầu với lực lượng địch quân đông hơn và trang bị tốt hơn. Khi quân Cộng sản đang tập trung tại cửa ngõ vùng đồng bằng, nhân dân và quân lực chúng tôi đã chuẩn bị và quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ lãnh thổ và tự do của đất nước. Để thực hiện thành công quyết tâm này, chúng tôi vô cùng cần đến những phương tiện chiến đấu, đó là vũ khí và đạn dược.
Vì vậy, tôi rất biết ơn nếu ông tích cực vận động và thúc giục Quốc hội biểu quyết thuận cho việc viện trợ thêm về quân sự cho Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, vì việc viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng hòa đã là một vấn đề được mọi người biết đến và đang nóng lòng mong chờ, nếu Quốc hội biểu quyết từ chối chắc chắn sẽ là một đòn mãnh liệt giáng xuống tinh thần của quân đội chúng tôi khi chúng tôi đang chuẩn bị cho trận chiến quyết định sắp tới. Chúng tôi muốn điều này sẽ không xảy ra.
Chúng tôi trân trọng và biết ơn sâu sắc với tất cả những hy sinh cả máu và tài sản của nhân dân Mỹ trong thời gian qua để giúp chúng tôi bảo vệ tự do của miền Nam Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ những vấn đề về đạo đức và chính trị mà những nhà lập pháp Mỹ phải đương đầu khi họ xem xét vấn đề viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng hòa.
Nếu vì lý do nào đó họ thấy không thể cung cấp viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng hòa, tôi có đề nghị với Ngài và mong Ngài cứu xét cho.
Thưa Ngài Tổng thống, tôi đề nghị Ngài yêu cầu Quốc hội đồng ý cho chúng tôi vay dài hạn lần cuối cùng số tiền 3 tỷ Mỹ kim, được phân chia trong ba năm và kỳ hạn hoàn trả là mười năm với mức lãi suất do Quốc hội quyết định. Tiềm năng về dầu hỏa và nguồn lợi về nông nghiệp của chúng tôi sẽ thế chấp cho món nợ này. Số tiền vay này được gọi là "Freedom Loan", số tiền này sẽ cho phép chúng tôi một cơ hội để được tồn tại trong một đất nước tự do. Chúng tôi kêu gọi lương tâm và lòng thương của nhân dân Mỹ đối với cảnh ngộ của đất nước chúng tôi, một người bạn đồng minh trung thành của nhân dân Mỹ trong suốt hai mươi năm sóng gió này, một dân tộc đã chịu nhiều hy sinh và đau khổ to lớn trong hai thập niên để giữ mảnh đất tự do này. Một dân tộc như vậy xứng đáng với lòng thông cảm và sự giúp đỡ.
Trong giờ phút vô cung khẩn khiết, chúng tôi mong muốn Ngài thúc giục Quốc hội xem xét dễ dàng và cấp bách lời yêu cầu được vay "số tiền vì tự do" của chúng tôi. Đây sẽ là hành động cầu xin cuối cùng của chúng tôi, một người bạn đồng minh, gởi đến nhân dân Mỹ.
Kính chào
Nguyễn Văn Thiệu
Ngày 21-4-1975, quân của chế độ Sài Gòn đã tháo chạy khỏi An Lộc.
Trước sự thất bại thảm hại về quân sự cộng với những tố cáo rằng, Tổng thống Thiệu trở nên giàu có là do bóc lột nhân dân, buôn bán ma túy, tham nhũng, nhận hối lộ…, Tổng thống Thiệu đã mất sự ủng hộ của các nhà chính trị trung lập lẫn các nhà lãnh đạo quân sự và không được chủ Mỹ làm ô dù nữa.
Tối 21-4-1975, đứng trước Quốc hội, Tổng thống Thiệu đọc bài diễn văn từ chức rõ dài, nhiều lần điểm xuyết bằng những giọt nước mắt, nhiếc móc Hoa Kỳ "là chơi không đẹp, là vô nhân đạo, là vô trách nhiệm". Thiệu còn bảo: "Các ông bỏ chạy, bắt buộc chúng tôi phải làm cái việc mà mà chính các ông cũng không làm nổi". Và Nguyễn Văn Thiệu giao quyền lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương, một ông già 71 tuổi, ốm đau và gần như mù lòa, chấp chính.
Tối ngày 25-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu được CIA hộ tống bằng những chiếc xe đen mui kín chạy thẳng đến chiếc máy bay đậu ngoài sân bay dành cho hàng không Mỹ, tại đây, Đại sứ Mỹ Martin đang đợi để đưa Thiệu lên máy bay, chuồn sang Đài Loan cùng với những hòm của cải mà ông ta đã kiếm được trong thời gian làm Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn.
|