New Page 1

Số 6 – Quý II – 2005


Sự kiện

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2005):
Những luận điểm của Lê Nin về báo chí cách mạng

Trong xã hội tư bản, báo chí thực chất là công cụ thông tin, tuyên truyền phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản. Mục đích của báo chí tư sản là lợi nhuận, các ông chủ báo chí không cho phép các nhà báo viết những gì có hại đến quyền lợi của các nhà tư sản. Trong nhiều bài viết, Lê-nin đã vạch rõ bản chất của báo chí tư sản.

Ngày 5-8-1921, trong thư gửi G.Mi-a-xni-cốp, Lê-nin nhấn mạnh: "Tự do báo chí…Hay lắm! Nhưng…hãy xem đó là thứ tự do báo chí nào? Để làm gì? Cho giai cấp nào?…Trong tất cả các nước có bọn tư bản, tự do báo chí là tự do mua bán báo chí, tự do mua bán các nhà văn, tự do mua chuộc, tự do mua và chế tạo ra "dư luận" có lợi cho giai cấp tư sản"(1).

Lúc bấy giờ, ở nước Nga xã hội chủ nghĩa đang nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực tư bản thế giới thù địch, Lê-nin đã xác định: "Tự do báo chí thật ra có nghĩa là giai cấp tư sản quốc tế sẽ mua chuộc ngay lập tức hàng trăm và hàng nghìn nhà văn dân chủ – lập hiến, xã hội chủ nghĩa – cách mạng và men-sê-vich, có nghĩa là tổ chức sự tuyên truyền và cuộc đấu tranh của chúng chống lại chúng ta"(2).

Với những luận điểm của mình, Lê-nin đã phát triển những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về các nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng.

Phong trào quốc tế cộng sản ra đời gắn liền với báo Sông Ranh mới (1848-1849) do C.Mác là chủ bút. Ph.Ăng-ghen đã khái quát vai trò của tờ báo này: "Đối với mỗi đảng, nhất là với đảng công nhân, thì việc lập ra tờ báo hàng ngày đầu tiên là một cái mốc quan trọng để tiến lên phía trước. Đó là trận địa ban đầu, từ đó, Đảng sẽ tiến hành cuộc đấu tranh với đối thủ của mình bằng vũ khí tương xứng"(3).

Lê-nin đã khẳng định, khi thành lập Đảng, việc quan trọng đầu tiên là xuất bản tờ báo chính trị toàn Nga, lấy tên là Tia lửa. Lê-nin viết: "Chúng ta cần trước hết là tờ báo – không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện"(4). Lê-nin còn khẳng định: "Báo chí phải trở thành những cơ quan của các tổ chức của đảng"(5).

Lê-nin cũng như các nhà sáng lập báo chí vô sản đã phác thảo nhiệm vụ của báo chí cách mạng là: truyền bá các tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong công chúng; thống nhất về mặt tổ chức những người công nhân giác ngộ theo cương lĩnh lý luận mác-xit cách mạng; góp phần đắc lực xây dựng và hoàn thiện đảng cộng sản.

Về sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, Lê-nin viết: "Thứ nhất, sự nghiệp báo chí phải là một bộ phận trong sự nghiệp của giai cấp vô sản, do đội tiên phong của giai cấp lãnh đạo. Thứ hai, sự nghiệp báo chí phải thành một bộ phận khăng khích của công tác có tổ chức, có kế hoạch thống nhất của Đảng, gắn bó với các bộ phận khác. Thứ ba,…các nhà báo nhất thiết phải tham gia các tổ chức của Đảng và do Đảng lãnh đạo."(6).

Báo chí cach mạng là công cụ của Đảng. Báo chí cách mạng có nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, đồng thời thể hiện sinh động quan điểm, đường lối của Đảng.

Đảng lãnh đạo báo chí và báo chí tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng là nhằm mục đích để báo chí phát huy quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của báo chí; mặc khác, thông qua báo chí, Đảng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong nghiệp cách mang của đất nước.

Sự lãnh đạo của Đảng tạo điều kiện cho báo chí phát triển và cống hiến nhiều nhất cho nhân nhân, đất nước, đồng thời, qua đó, Đảng kịp thời phát hiện, uốn nắn những thiếu sót của báo chí, ngăn chặn những âm mưu của kẻ thù lợi dụng báo chí để phá hoại cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí vừa là nguyên tắc, vừa là điều kiện để báo chí làm tròn chức năng của mình, xứng đáng là công cụ của Đảng và diễn đàn của nhân dân.

Đảng nắm quyền lãnh đạo báo chí là bài học xương máu rút ra từ lịch sử, đồng thời là nguyên tắc "bất di bất dịch", là vấn đề sống còn cho không chỉ đối với lịch sử mà còn đối với hiện tại.

Tính đảng là nguyên tắc nền tảng của công tác tư tưởng nói chung và của báo chí nói riêng. Tính đảng của báo chí cách mạng, một mặt, phải bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mặt khác, đấu tranh một cách kiên quyết chống lại những tư tưởng thù địch, những quan điểm sai trái, những hiện tượng tiêu cực. Ở phương diện này, tính đảng cũng có nghĩa là tính chiến đấu. Tính chiến đấu của báo chí cách mạng thể hiện trên 3 mặt: đấu tranh phê bình và tự phê bình, đấu tranh lý luận và đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và trong xã hội. Lê-nin còn đòi: "Chúng ta ra sức phấn đấu và theo dõi một cách chặt chẽ nhất để tính đảng không phải chỉ thể hiện ở lời nói, mà cả ở việc làm"(7).

Tính đảng của báo chí cách mạng thể hiện ở nhiều mặt, nhưng quan trọng nhất là thể hiện trong suy nghĩ và hoạt động của nhà báo. Tất cả những yêu cầu về tính đảng thể hiện trên báo chí phụ thuộc trước hết vào nhà báo, vào lương tâm và trách nhiệm của nhà báo.

Tính đảng của báo chí đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng đường lối, quan điểm của Đảng, lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Chính vì dựa trên cơ sở lý luận Mác-Lê-nin mà tính đảng cộng sản gắn chặt với tính khoa học. Đặc điểm khoa học của hệ tư tưởng Mác-Lê-nin cho phép nhà báo, khi nắm được nó, có khả năng gắn kết lập trường của đảng với chân lý khách quan, giúp nhà báo nhận rõ các khuynh hướng phát triển của xã hội và khám phá những khả năng sáng tạo của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Lê-nin còn khẳng định: Nói chung, báo chí vô sản "không thể là sự nghiệp cá nhân, độc lập với sự nghiệp chung của giai cấp vô sản", nó "phải thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản" (8) "giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa có tổ chức phải theo dõi tất cả những công tác đó, kiểm soát toàn bộ công tác đó, mang nguồn nhựa sống của sự nghiệp đầy sức sống của giai cấp vô sản vào trong toàn bộ công tác đó, không có một ngoại lệ riêng lẻ nào" (9).

Những luận điểm của Lê-nin về báo chí cách mạng đến nay vẫn còn rất thời sự đối với những người làm báo và quản lý báo chí.

Chú thích:

 

(1)(2)(4)(5)(6)(7)(8)(9) V.I.Lê-nin – toàn tập – NXB Tiến Bộ – Mat-xcơ-va – tập 44-trang 96 – 97 – tập 5 – tr 10 – tập 12 – tr 124 – 123 – 125 – tập – 19 – tr 140.

(3) C.Mác-Ăng-ghen – Toàn tập – NXB Chính trị – Mát-xcơ-va – 1954 – tập 39 – tr 293

Văn Luận

Các bài khác

Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2005):
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và những bức thư kêu cứu không có hồi âm

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19 – 5 -1890 – 19 – 5 – 2005):
Báo chí Mỹ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: