New Page 1

Số 6 – Quý II – 2005


Diễn đàn tri thức

Những suy ngẫm sau một chuyến đi

Đoàn cán bộ Liên hiệp Hội TTH làm việc với Liên hiệp Hội Hải Phòng
Chuyến tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở phía Bắc của đoàn cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã khép lại. Những tình cảm tốt đẹp, những kinh nghiệm quý báu nhận được đã để lại cho tôi niềm vui. Nhưng chuyến đi cũng đã để lại cho tôi bao điều suy nghĩ: làm thế nào để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội?

Phải tự khẳng định mình

Những ý kiến mà chúng tôi tiếp nhận được, ý kiến nào cũng là bài học quý giá, nhưng tôi rất tâm đắc với ý kiến của PGS TS Tô Bá Trọng, ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, tại buổi làm việc với lãnh đạo Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế: Để đạt được thành quả như ngày nay, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm với không ít gian nan. Nhưng nhờ có những cán bộ có tâm huyết đã vận động, tập hợp được đội ngũ trí thức, nhất là những cán bộ khoa học đầu ngành có tâm, thực tài để tổ chức những hoạt động mang tầm trí tuệ. Nhờ vậy, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam đã được lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước tin cậy giao việc lớn, xã hội tin tưởng, thừa nhận. Ông nói để động viên và củng cố quyết tâm cho chúng tôi: Chúng ta sinh ra không phải để đi hái hoa hồng có sẵn, mà là người trồng hoa. Phải dày công gieo trồng, vun xới mới có được những bông hoa đẹp để thu hái.

Đến Hải Phòng, chúng tôi được đón tiếp có phần trịnh trọng với câu khẩu hiệu chào mừng đoàn trên phông chính của phòng họp. Trong buổi làm việc, đồng chí Lã Trọng Long, Chủ tịch Liên hiệp hội Hải Phòng khẳng định: Liên hiệp các Hội KHKT địa phương là tổ chức chính trị – xã hội vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong hệ thống chính trị của Đảng. Liên hiệp hội phải có vị trí xứng đáng trong hệ thống đó. Liên hiệp hội Hải Phòng liên tục có ít nhất một cán bộ lãnh đạo là đại biểu HĐND thành phố và có đại diện lãnh đạo tham gia hội đồng khoa học thành phố. Từ những diễn đàn của các tổ chức này và những diễn đàn quan trọng khác ở địa phương, Liên hiệp hội Hải Phòng nói lên tiếng nói xuất phát từ trái tim, khối óc của đông đảo trí thức vì sự phát triển, sự giàu đẹp của của thành phố cảng và cả vì sự phát triển của Liên hiệp hội, vì quyền lợi được cống hiến, được đãi ngộ xứng đáng của đội ngũ trí thức. Nhờ đó, lãnh đạo thành phố tin tưởng Liên hiệp hội, hầu như trước khi quyết định việc gì quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, KHCN đều yêu cầu Liên hiệp hội tham gia ý kiến. Tôi nghĩ, nếu Liên hiệp hội không mạnh thì làm sao đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, thành phố, làm sao Liên hiệp hội trở thành ngôi nhà chung, chỗ dựa tinh thần của đông đảo trí thức.

Không chỉ ở Hải Phòng, mà đến đâu chúng tôi cũng được nghe nói đến vấn đề mấu chốt để Liên hiệp hội làm tròn vai trò vị trí, chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị – xã hội là phải tự khẳng định được mình. Các Liên hiệp hội mà chúng tôi đã ghé thăm, ở những mức độ khác nhau đã tự khẳng định được mình qua việc tổ chức thành công nhiều hoạt động. Trọng tâm là tổ chức các hoạt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tư vấn, phản biện, giám định xã hội, tổ chức các phong trào thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật, phổ biến thành quả nghiên cứu khoa học của trí thức, chuyển giao, áp dụng thành quả đó vào thực tiễn…Những hoạt động thiết thực đó là mảnh đất để trí thức dụng võ. Kết quả đem lại vừa có tác dụng nâng cao uy tín của Liên hiệp hội, vừa là chất keo thu hút, tập hợp, đoàn kết được trí thức. Đó là nguồn lực vô tận từ bên trong để Liên hiệp hội tự khẳng định mình.

Và gánh nặng trước hết lại đặt lên vai những cán bộ lãnh đạo Liên hiệp hội, đặc biệt là người đứng đầu. Đồng chí Nghiêm Xuân Áng, Chủ tịch Liên hiệp hội Thái Bình bộc bạch: phải hội đủ bốn tiêu chí: có tâm huyết, có trí tuệ, có bản lĩnh và thời gian thì cán bộ lãnh đạo Liên hiệp hội mới có uy tín trước đội ngũ trí thức và lãnh đạo tỉnh. Có thế mới thu hút, tập hợp, đoàn kết được trí thức, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình, chọn ra mô hình tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động phù hợp để Liên hiệp hội hoạt động có hiệu quả.

Và… có bột mới gột nên hồ

Các Liên hiệp hội địa phương mà đoàn chúng tôi đến thăm và làm việc đều được tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi về nhân sự, kinh phí, phương tiện và điều kiện làm việc. Ít ra, như Liên hiệp hội Thái Bình, Nghệ An cũng có được dăm bảy phòng làm việc trong khu nhà liên cơ quan. Còn Liên hiệp hội Hải Phòng, Thanh Hóa và Hải Dương đã được bố trí trụ sở độc lập. Nổi bật nhất là trụ sở làm việc của Liên hiệp hội Hải Dương. Đó là một tòa nhà bốn tầng với gần một chục phòng làm việc mỗi tầng, có 2 hội trường: một 50 chỗ ngồi và một có 150 chỗ ngồi rất thuận tiện cho việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn…Nơi đây còn có chỗ để bố trí phòng làm việc cho 7 hội thành viên. Hôm về, tôi đưa tấm ảnh chụp trụ sở Liên hiệp hội Hải Dương cho một đồng chí cán bộ Văn phòng UBND tỉnh xem, đồng chí đã hết sức ngạc nhiên, hỏi đi hỏi lại: Văn phòng của một Liên hiệp hội KHKT đây á? Cảm giác của đồng chí, không khác nào cảm giác của chúng tôi khi đứng trước tòa nhà 4 tầng tọa lạc tại nhà 50 đường Hồng Quang, thành phố Hải Dương.

Về biên chế và kinh phí hoạt động, Liên hiệp hội Hải Dương có 12 biên chế, cộng thêm lao động hợp đồng và khoản kinh phí từ ngân sánh tỉnh cấp trên dưới 500 triệu đồng mỗi năm, chưa kể kinh phí thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ. Nhìn vào cơ ngơi, đội ngũ cán bộ chuyên trách và kinh phí được ngân sách tỉnh cấp cho hoạt động của Liên hiệp hội Hải Dương, anh em trong đoàn đều "lác mắt". Chẳng ai dám mơ ước Liên hiệp hội mình được như thế, chỉ mong có được lực lượng chuyên trách, trụ sở, kinh phí, xe cộ, phương tiện làm việc như Liên hiệp hội Hải phòng, Thanh Hóa thôi cũng đã thấy xa vời vợi. Ấy thế mà đồng chí Lương Đức Trụ, Chủ tịch Liên hiệp hội Hải Dương còn nói: Liên hiệp hội Hải Dương gần đạt được mức tối thiểu để đảm bảo cho hoạt động. Đồng chí nhấn mạnh: Phải có số lượng tối thiểu cán bộ trong biên chế nhà nước giữ các cương vị Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng, chuyên viên tổng hợp…Liên hiệp hội mới hoạt động được. Đã không có quyền lực, lại không có người, không có kinh phí, không có điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc thì không thể làm được việc gì cả. Và lẽ tất nhiên, trong điều kiện đó, Liên hiệp hội sẽ không đại diện được cho ai, chứ nói gì đến việc thu hút, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KHCN và điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các hội thành viên. Tôi nghĩ, những điều đồng chí nói hoàn toàn có lý. Minh chứng là các Liên hiệp hội Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng…đã thực hiện được khối lượng công việc khá lớn có thể đem so sánh với khối lượng công việc của một cơ quan hành chính đông đúc, hiện đại, chứng tỏ họ đã không phụ lòng sự quan tâm của đảng bộ và chính quyền địa phương.

Tự khẳng định được mình, cộng với các nguồn lực bên ngoài: sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm hỗ trợ đúng mức của chính quyền, các sở, ban, ngành hữu quan với những cơ chế, chính sách cụ thể, thích hợp, sự hợp tác với các tổ chức quốc tế…tôi tin chắc đội ngũ cán bộ KHCN đầy tiềm năng trên đất Cố đô sẽ làm cho Liên hiệp hội KHKT tỉnh nhà mau chóng thoát khỏi tình trạng hiện nay để không ngừng lớn mạnh, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch kiêm TTK LHH TT-Huế

Các bài khác

Nâng cao nhận thức, tạo cơ chế đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: