New Page 1

Số 6 – Quý II – 2005


Đất nước – Con người

Nhân 105 năm ngày sinh Giáo sư Hồ Đắc Di (11/5/1900 – 11/5/2005):
Hồ Đắc Di – vị giáo sư Đại học người Việt Nam đầu tiên và duy nhất trước Cách mạng Tháng Tám

Giáo sư Hồ Đắc Di sinh ngày 11-5-1900, quê ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, xuất thân từ một gia đình nhiều đời làm quan lại cao câp triều Nguyễn. Thân sinh của ông là Đông Các điện đại học sĩ, Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung.

Từ chủ nghĩa yêu nước, được cảm hóa bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo sư Hồ Đắc Di đã trở thành người trí thức suốt đời tận tụy, hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Giáo sư là nhà tư tưởng y học, nhà giáo dục học, một triết nhân, một thầy thuốc chân chính, anh hùng lao động.

Giáo sư đã viết: “Đối với riêng tôi, thân thế và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch gắn bó với sự thức tỉnh về ý thức dân tộc trong buổi đầu, với cả sự lựa chọn con đường đi về sau này, với cả niềm tin vững chắc vào tương lai của đất nước" (1).

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học, Hồ Đắc Di gắn bó núi Nùng, sông Nhị đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Năm 1918, Hồ Đắc Di xách va li hân hoan lên tàu viễn dương sang Pháp du học. Lúc bấy giờ, ở Pháp, với danh nghĩa "Hội những người Việt Nam yêu nước", nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đưa ra 8 yêu sách trước hội nghị Versailles, đã gây tiếng vang lớn ở Paris, mà còn tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của chàng sinh viên Y khoa Hồ Đắc Di. Anh hết sức khâm phục và hâm mộ Nguyễn Ái Quốc.

Một sáng chủ nhật, cùng với luật sư tập sự Dương Văn Giáo, quê ở Nam Bộ, Hồ Đắc Di đến câu lạc bộ sinh viên Việt Nam ở số nhà 15 phố Sommerard, khu Latin, Paris, nhìn vào phòng trong, thấy có 3 người đang ngồi trò chuyện. Đó là Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc. Hồ Đắc Di xúc động đến bàng hoàng. Thì ra, con người đã cất cao tiếng nói đanh thép đòi quyền lợi chính đáng cho dân tộc Việt Nam, người ấy đang ngồi trước mặt mình !

Từ sau lần gặp gỡ đó, người ta thấy Hồ Đắc Di có mặt trong số sinh viên Việt Nam bí mật đi bán các số báo “Người cùng khổ" và "Việt Nam hồn” trong đám thợ thuyền ở khu Latin.

Học xong, Hồ Đắc Di thi đỗ Bác sĩ nội trú, rồi vào làm việc tại bệnh viện Tenon ở Paris và trở thành trợ giáo trưởng Đại học Y khoa Paris.

Trong luận văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa khoa của mình, Hồ Đắc Di đã đề xướng m?t phương pháp mới trong phẫu thuật dạ dày: phương pháp "nối thông dạ dày – tá tràng" để điều trị chứng hẹp môn vị, mà không phải cắt bỏ dạ dày như trước đó. Cách điều trị mới này được ứng dụng ở nhiều nước trong suốt mấy chục năm liền.

Năm 1931, sau 13 năm sống trên thủ đô hoa lệ của nước Pháp, Hồ Đắc Di trở về Huế theo tiếng gọi của quê hương và gia đình.

Tại Bệnh viện Huế, nơi ông làm việc, có lần thấy tên Lemoine, bác sĩ trưởng người Pháp, đã dốt lại hống hách, Hồ Đắc Di tức giận, vác ghế toan đánh hắn. Sau lần xô xác đó, ông bị đổi vào Quy Nhơn.

Quy Nhơn cũng không phải là mảnh đất để tài năng và nghề nghiệp của ông phát triển. Ông ra Hà Nội, về Bệnh viện Phủ Doãn. Tại đây, bác sĩ Vũ Đình Tụng hỏi ngay:

– Anh ra đây làm gì? Dù là nhà phẫu thuật thực thụ, anh cũng không được người ta cho cầm dao mổ đâu ! May mắn thì chỉ được gây mê!

Cuộc đời của bác sĩ Hồ Đắc Di tài ba, đức độ cứ âm thầm trôi qua cho đến năm 1942. Hiệu trưởng Trường Y lúc bấy giờ là Leroy des Barres mời Hồ Đắc Di giảng dạy về phụ sản cho Trường Đại học Y dược ở Hà Nội. Từ đấy, ông vừa giảng dạy bên Trường Y dược, vừa làm bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Phủ Doãn. Lúc đó, trên toàn cõi Đông Dương chỉ có 2 người được phép cầm dao mổ – hai người Pháp- là Leroy des Barres và Cartoux. Bác sĩ Hồ Đắc Di là người thứ ba và là người Việt Nam đầu tiên được chính quyền thực dân Pháp cho làm bác sĩ phẫu thuật.

Nhật vào Đông Dương, Pháp thua trận, máy bay Đồng Minh ném bom Hà Nội. Tại Bệnh viện Phủ Doãn, các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng làm việc không quản ngày đêm bên bàn mổ. Hồ Đắc Di là người đầu tiên nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương ở Đông Dương và có công trình đăng trên Tạp chí Y học Pháp ở Viễn Đông. Một số tạp chí Y học lớn như Tạp chí Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, báo Y học Pháp quốc hải ngoại,vv…mời ông viết bài. Một số công trình của ông có ý nghĩa mở đường, tất cả đều được ông viết trước năm 1945.

Được biết, trong 37 công trình đã công bố của nhà y học Hồ Đắc Di, hiện nay mới tìm lại được 21 công trình.

Chẳng bao lâu trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Hội đồng giáo sư Trường Đại học Y Dược Hà Nội (gồm toàn các giáo sư người Pháp) đã bầu bác sĩ Hồ Đắc Di làm phó giáo sư, rồi giáo sư. Và người học trò xuất sắc của ông, bác sĩ Tôn Thất Tùng trở thành giảng viên đại học ở đ? tuổi 31 (với 63 công trình).

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã giao cho ông nhiều trọng trách. Giáo sư Hồ Đắc Di hăm hở bắt tay vào việc tổ chức lại Trường Đại học Y Hà Nội.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, giáo sư cùng bác sĩ Tôn Thất Tùng tản cư đến Vân Đình. Một tháng sau đó, Trường Đại học Y tiếp tục giảng dạy. Khi địch sắp đánh ra Vân Đình, trường di chuyển lên Việt Bắc, dừng lại ở thị xã Tuyên Quang một thời gian, rồi lên Chiêm Hóa.

Ngày 6-10-1947, Trường Đại học Y của nước Việt Nam kháng chiến khai giảng năm học mới. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, trường phải chuyển chỗ 13 lần. Những sinh viên của trường trong những năm ở Việt Bắc, về sau, nhiều người đã trở thành Viện sĩ, Giáo sư, Bộ trưởng, Viện trưởng của ngành y. Sau ngày hòa bình được lập lại, giáo sư Hồ Đắc Di cùng trường trở về Hà Nội. Sự nghiệp hoạt động của giáo sư gắn liền với sự nghiệp khoa học của Trường Đại học Y Dược Hà Nội cho đến năm 1973, ông được Nhà nước cho hưởng chế độ hưu trí.

Trong cùng một lúc, giáo sư Hồ Đắc Di đã làm tròn nhiều công việc quan trọng: Hiệu trưởng Trường Đại học Y (32 năm); Tổng Thanh tra Y tế; Tổng Giám đốc Đại học vụ; Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước; Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V; Ủy viên thường vụ Quốc hội từ khóa II đến khóa IV; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Pháp. Giáo sư đã được Nhà nước tặng thưởng 8 Huân chương cao quý; năm 1996, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật.

Theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Hồ Đắc Di đã để lại di chúc nhắc mọi người đừng làm ma chay tốn kém và tình nguyện hiến thân mình cho bộ môn giải phẫu làm phương tiện dạy học cho sinh viên.

Ngày 25-6-1984, như một nhà hiền triết, giáo sư Hồ Đắc Di đã lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 84 tuổi.

 

 

Chú thích:

(1) Báo Sức khỏe và Đời sống số 39, ngày 13-5-2000.

Văn Chính

Các bài khác

Nhìn ra tỉnh bạn:
Ông giám đốc say mê sáng tạo

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: