New Page 1

Số 1 – Quý I – 2004


ĐẤT NƯỚC – CON NGƯỜI

Cây Phi Châu trên đất Huế

Đó là cây baobap. Baobap là phiên âm của từ “baobab” tiếng Pháp. Loài cây này mọc hoang dại ở châu Phi (kể cả đảo Madagascar) và châu Úc. Nhiều cây có hàng trăm năm tuổi.
Nhưng tại một số nước khác trên thế giới như Cuba, Việt nam, loài baobap trồng cũng phát triển tốt. Ở gần thủ đô La Havane, có một vùng cây baobap được trồng thành rừng. Ở nước ta, những cây baobap đầu tiên được trồng ở Huế vào nửa đầu thế kỷ XX. Một cây trong Thành Nội và hai cây trên đồi Phủ Cam (nay chỉ còn một). Hiện tại, đó là những cây cao to, vươn lên không trung với cành lá sum xuê, xanh tốt. Số lượng cây ngày càng tăng do nhiều người đã lấy hạt (từ cây ở Thành Nội) đem trồng. Trên đường Xuân 68 hiện nay cũng có một cây phân nhánh từ gốc nhưng còn non. Riêng chỉ có cây ở đường Mai Thúc Loan ra nhiều quả.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, gần đây, người ta cũng trồng baobap tại một số công viên.
Năm 1976, Tổ Sinh học của Trường Cao đẳng Sư phạm Huế, nhờ GS. Phạm Hoàng Hộ giúp đỡ, đã phát hiện cây baobap ở ngã tư Anh Danh (ngã tư đường Mai Thúc Loan – Đinh Tiên Hoàng hiện nay). Từ đó, cây baobap được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đi đôi với kế hoạch vận động để bảo vệ sự tồn tại của nó một cách kịp thời.
Gần đây, Đài truyền hình Trung ương và địa phương, một số tờ báo lớn như Lao động, Courrier du Vietnam, Nhà đẹp…đã có bài, ảnh và phóng sự giới thiệu về loài cây baobap ở Huế.
Hội Thực vật học Huế đã nghiên cứu xác định tên khoa học của nó. Theo chúng tôi, đó là loài Adansonia digitata L., thuộc họ Bombacaceae (họ Gạo). Trong họ có những cây như Bông Gòn, Gạo…Giáo sư Vidal, một nhà thực vật học nổi tiếng thế giới người Pháp, ở Paris, cũng đã xác nhận tên đó. Tuy nhiên, theo GS. Phạm Hoàng Hộ trong bộ sách Cây cỏ Việt Nam, thì cho rằng, đó là loài Adansonia grandidieri L. (?).
Chúng tôi rất mong các tổ chức du lịch trong và ngoài nước khi nói đến Cố đô Huế, nên giới thiệu du khách đến xem các cây baobap ở đây. Chẳng cần phải đi châu Phi hay châu Úc để tìm thấy loài cây đặc biệt này. Họ sẽ được ngắm nghía chúng trong tư thế hiên ngang, vĩ đại nhưng vẫn giữ vẻ đẹp hài hoà với xung quanh. Vòm lá cây xanh um, hoa trắng nở thơm dịu về đêm, quả màu nâu treo lủng lẳng đu đưa theo chiều gió, tất cả trên một cơ thể khoẻ mạnh và hiền hoà.
Chúng ta phải biết ơn những ai đã trồng những cây baobap đầu tiên ở Huế để ngày nay, thành phố cố đô có thể gọi là thành phố của những cây baobap Phi châu. Đồng thời, cần có kế hoạch bảo vệ chúng, biến nơi có chúng thành một công viên hấp dẫn du khách.

Thân Trọng Ninh – Hội thực vật học Huế

Các bài khác

Nguyễn Trãi – Danh nhân văn hóa Thế giới sinh năm Thân

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: