Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là nhà văn hoá xuất sắc của Việt Nam với tư cách là nhà văn, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà tư tưởng, nhà sử học và địa lý học.
Năm 1980, tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận ông là danh nhân văn hoá và được kỷ niệm trên toàn thế giới do những đóng góp xuất sắc, đa dạng của Nguyễn Trãi đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và sự phát triển những giá trị nhân văn nhân loại.
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, cháu ngoại Trần Nguyên Đán, nhà thơ lớn và Tể tướng cuối triều Trần và con danh sĩ Nguyễn Ứng Long tức Nguyễn Phi Khanh. Ông vốn người xã Chí Ngại, Lộ Lạng Giang, tỉnh Hải Hưng (cũ), sau dời về làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là tỉnh Hà Tây).
Năm Canh thìn (1400), Nguyễn Trãi đỗ thái học sinh, rồi làm Ngự sử.
Năm Đinh Hợi (1407), nhà Minh sang cướp nước ta. Thân phụ ông bị giặc bắt giải về Kim Lăng. Nguyễn Trãi đi theo cha đến Nam Quan. Thân phụ ông khuyên ông hãy về lo việc báo thù cho cha, rửa hận cho nước. Ông vâng lời, nhưng khi trở về, ông bị chúng bắt giam lỏng ở phía Nam thành Đông Quan (Hà Nội).
Năm Mậu Tuất (1418), Nguyễn Trãi cùng Trần Nguyên Hãn trốn thoát vào Lam Sơn, tham gia cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo. Trong suốt 10 năm kháng chiến cứu nước, Nguyễn Trãi đã tỏ ra là người có tài vềchiến lược quân sự, ngoại giao góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Năm Đinh Mùi (1427), Nguyễn Trãi được liệt vào hàng Đại phu, coi sóc các việc chính trị và chăm lo những công việc ở Viện Khu mật.
Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi, phong Nguyễn Trãi tước Quan Phục Hầu và cho theo họ vua, nên cũng gọi là Lê Trãi. Đến khi Lê Thái Tổ mất, Nguyễn Trãi bị bọn gian thần gièm pha nên phải cáo quan, về ẩn dật ở Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương.
Năm Giáp Dần (1434), Lê Thái Tông lại triệu Nguyễn Trãi ra giúp nước, và trao cho ông chức Hành khiển kiêm Trung thư sảnh Tam Quán sứ và coi cả quân dân hai đạo Đông Bắc. Trong thời gian này, những lúc rảnh rỗi, Nguyễn Trãi thường lui tới chùa Trấn Quốc, vùng Tây Hồ. Một hôm, Nguyễn Trãi gặp một cô bán chiếu rất đẹp, một vẻ đẹp đoan trang quyến rũ. Nguyễn Trãi mạnh dạn bày tỏ tình cảm:
Người ở đâu ta, bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu đã hết hay còn
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa có mấy con?
Được Nguyễn Trãi tỏ tình, cô bán chiếu tức Nguyễn Thị Lộ đánh bạo đáp lại:
Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ sao ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng con chưa có hỏi chi con! Họ yêu nhau rồi trở thành vợ chồng.
Vua Lê Thái Tông biết tài Nguyễn Thị Lộ, nên đã vời nàng vào cung, phong làm Lê nghi Nữ học sĩ, dạy dỗ cung nhân. Được vua đặc biệt yêu mến, Nguyễn Thị Lộ thường bị lưu lại trong cung, ít khi được về với Nguyễn Trãi.
Giữa năm 1442, Nguyễn Thị Lộ được về Côn Sơn với Nguyễn Trãi được ít ngày. Liền đó, vua Lê Thái Tông tổ chức cuộc duyệt võ ở Chí Linh, rồi ngự giá tới Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Như đã chủ định, vua đòi hồi triều và ép Nguyễn Thị Lộ theo xa giá. Đến vườn Lệ Chi, vua cho dừng lại nghỉ đêm ở đó.
Đêm ấy, sau tiệc rượu, vua Lê Thái Tông đuổi hết tả hữu, chỉ giữ một mình Nguyễn Thị Lộ ở lại chầu hầu. Cũng đêm đó, vua bị chết bất ngờ. Ngay lúc đó Nguyễn Thị Lộ bị bắt giải về kinh. Đám gian thần nhân đó ghép Nguyễn Trãi vào tội đã khiến nàng hầu Nguyễn Thị Lộ giết vua, rồi bắt giam ông vào ngục.
Năm Nhâm Tuất, ngày 16 tháng 8 âm lịch, (19 – 9 – 1442), Nguyễn Trãi bị giết với cả ba họ, thọ 62 tuổi.
Thảm án Lệ Chi Viên oan khiên tru di tam tộc mà Nguyễn Trãi phải gánh chịu chính là hệ quả khôn lường của tấm lòng ngay thẳng, của thái độ nói thẳng nói thật của ông.
Sang đời Lê Thánh Tông, nỗi oan Nguyễn Trãi được giải, vua truy phong ông là Tế Văn Hầu, và con cháu còn sót lại đều được trọng dụng.
Tâm sự Nguyễn Trãi u uất thể hiện trong bài thơ oan ngục bằng chữ Hán và bài Tự thán bằng quốc âm:
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông,
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay.
Chắc chi thiên hạ đời nay,
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao.
Đã buồn vì trận mưa rào,
Lại đau về nỗi ào ào gió đông.
Mây trôi nước chảy xuôi dòng,
Chiếc thuyền lơ lửng trên sông một mình.
Các tác phẩm của Nguyễn Trãi gồm có: – Bình Ngô đại cáo là áng thiên cổ hùng văn, viết sau đại thắng năm 1428. – Quân trung từ mệnh là tập thư bình vận – luận chiến nổi tiếng. Tác giả sử dụng đao bút như một thứ vũ khí lợi hại, góp phần làm suy yếu tinh thần quân địch. – Phú núi Chí Linh và Lam sơn Vĩnh Lăng thần đạo bi nêu bật công lao của Lê Lợi trong sự nghiệp cứu nước. – Ức Trai thi tập bằng chữ Hán bao gồm 105 bài. – Quốc âm thi tập bằng chữ Nôm gồm 254 bài. – Dư địa chí và Luật thư, nêu một số ý kiến tranh luận về luật hình, âm nhạc, văn hiến dân tộc…
Nguyễn Trãi được tôn là bật thi bá (Nguyễn Mộng Tuân); là người viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời, văn chương gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế (Lê Quý Đôn)…
Nguyễn Trãi là một bậc anh hùng hào kiệt, dùng ngòi bút theo diệu kế “công tâm” để hỗ trợ cho sách lược “công thành”, giúp Bình Định Vương Lê Lợi, chủ soái hai nhóm Lam Sơn – Mỹ Thuý hợp nhất, đi đến thành công rực rỡ.
Bài Bình Ngô đại cáo, một mốc son trong lịch sử giải phóng dân tộc, được coi như bản Thiên cổ hùng văn và Thiên cổ hùng ca.
Đền thờ Nguyễn Trãi ở quê hương có hai câu đối của Phạm Quí Thích ca ngợi công nghiệp ông:
“Sự nghiệp văn chương khai quốc thủ
Kì thường đới lệ cố gia thanh”
“Công tôn khai quốc Lam sơn lục
Khánh điển truyền gia cố ấp từ”
Ngày 19 tháng 9 năm 1962, lần đầu tiên Chính phủ ta tổ chức lễ kỷ niệm 520 năm ngày mất của Nguyễn Trãi tại thủ đô Hà Nội. Báo Nhân dân số ra ngày hôm đó đã đăng bài của thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, trong đó có đoạn: “Nhớ Nguyễn Trãi, chúng ta nhớ người anh hùng cứu nước, người cùng Lê Lợi làm nên sự nghiệp “Bình Ngô”, người thảo Bình Ngô đại cáo. Nguyễn Trãi là một người yêu nước, yêu nước sâu sắc, mạnh mẽ, thiết tha, với tâm hồn và khí phách của người anh hùng…”.
“Thơ của Nguyễn Trãi là tâm hồn của Nguyễn Trãi, trong sáng và đầy sức sống. Có người nói: Thơ của Nguyễn Trãi buồn. Thơ của Nguyễn Trãi có bài buồn, có câu buồn, vì lẽ gì, chúng ta đều biết, nhưng cả tập thơ của Nguyễn Trãi là thơ một người yêu nước, yêu người, tâm hồn của Nguyễn Trãi sống một nhịp với non sông đất nước tươi vui…”.
|