New Page 1

Số 1 – Quý I – 2004


DIỄN ĐÀN TRI THỨC

Nhìn lại một hội thi

Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) lần thứ nhất tỉnh Thừa Thiên Huế – năm 2003 là tiền đề quan trọng tạo đà thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo KHKT trong tỉnh.
Những kinh nghiệm bước đầu
Lần đầu tổ chức hội thi, tuy còn gặp nhiều lúng túng nhưng hội thi đã để lại những kinh nghiệm quý giá.
Trước hết là cần khẳng định yếu tố quyết định sự thành công của hội thi là quyết tâm của thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.
Thứ hai là hội thi đã tập hợp được lực lượng liên ngành của địa phương lẫn trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tạo nên sức mạnh tổng hợp. Các đơn vị đồng tổ chức (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh), các ngành hữu quan như giáo dục đào tạo, y tế, thuỷ sản, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, tài chính vật giá…đã sát cánh cùng lực lượng của Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế góp phần quan trọng làm nên thành công của hội thi.
Thứ ba là xã hội hoá nguồn lực cho hội thi là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Đó là sự tiếp sức của các nhà tài trợ, giúp đỡ của các cơ quan thông tin đại chúng.
Bên cạnh những kinh nghiệm dẫn đến sự thành công, hội thi còn bộc lộ những hạn chế. Kết quả đạt được của hội thi chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sáng tạo KHKT của một vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá – lịch sử, là kinh đô đất nước một thời để lại quần thể di sản văn hoá được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, có đội ngũ cán bộ KHKT đông đảo, có tâm huyết và tài năng sáng tạo. Đó là sự thiếu vắng những công trình khoa học, giải pháp kỹ thuật có giá trị trong lĩnh vực kinh tế quan trọng. Các lĩnh vực cơ khí, đồ chơi mẫu giáo, chế biến lương thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng…chưa xuất hiện trong hội thi. Công tác tuyên truyền, quảng bá, nhận thức về hội thi, kinh phí dành cho hội thi, cách thức tổ chức…cũng còn những vấn đề đáng bàn.
Những đề xuất
Để hội thi sau tránh được những hạn chế nêu trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau đây:
Một là nên tách riêng Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Giải thưởng khoa học bởi lẽ tuy có những điểm tương tự nhau, nhưng sáng tạo kỹ thuật và sáng tạo khoa học có những đặc điểm khác nhau. Hội thi sáng tạo kỹ thuật nên định kỳ 2 năm tổ chức một lần phù hợp với Hội thi toàn quốc, dành tôn vinh những tác giả có giải pháp kỹ thuật có giá trị trong những lĩnh vực ưu tiên của tỉnh. Còn Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ thì khác. Mỗi năm đều tổ chức xét trao tặng thưởng cho những công trình khoa học xuất sắc để kịp chọn những công trình khoa học tham dự Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ toàn quốc mỗi năm tổ chức một lần. Sau đó cứ mỗi 5 năm một lần tổ chức Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ dành tôn vinh những tác giả có công trình khoa học công nghệ xuất sắc đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao trong những lĩnh vực trọng yếu mà tỉnh cần tập trung sức giải quyết, cũng lấy tên là Cố Đô như Giải thưởng Cố Đô về Văn học nghệ thuật nhưng xen kẻ về mặt thời gian.
Thứ hai là cần tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hội thi.
Thứ ba là phải rà soát lại toàn bộ quy trình hội thi nhằm phát hiện, gạt bỏ những quy định chưa hợp lý, hoàn thiện tất cả các khâu của quy trình. Xác định các lĩnh vực cụ thể của hội thi sao cho sát với tình hình của địa phương chứ không nhất thiết cứ phải rập khuôn theo những lĩnh vực mà hội thi toàn quốc quy định. Thể lệ, điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng tham gia, phiếu nhận xét, đánh giá, quy định chấm điểm, quy chế hoạt động của hội đồng chấm thi cũng phải chỉnh sửa. Ngay cả việc sơ tuyển ở các ngành, việc thu nhận hồ sơ dự thi cũng phải được chấn chỉnh. Mục đích cuối cùng là nhằm tôn vinh những giá trị đích thực tài năng sáng tạo khoa học công nghệ, góp phần làm cho quê hương giàu mạnh.
Thứ tư là đa dạng hoá nguồn lực phải là việc được quan tâm hơn. Không thể trông chờ ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Giải thưởng để tôn vinh tinh thần là chính, nhưng không thể hạ thấp giá trị vật chất của giải, lại càng không thể kêu gọi hội đồng giám khảo, ban tổ chức làm việc theo chế độ xã hội chủ nghĩa được mãi. Xây dựng quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật như một số Liên hiệp hội đã làm là việc cần thiết. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi để sớm hình thành quỹ này.
Thứ năm là quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, vào cuộc của các cấp, các ngành bao giờ cũng không thể thiếu với bất kỳ một hoạt động nào, đặc biệt là hội thi sáng tạo KHKT.

Nguyễn Văn Quế

Các bài khác

Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các hội Khoa học Kỹ thuật

Năm 2003 – Một Thế giới đầy biến động

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: