New Page 1

Số 1 – Quý I – 2004


VĂN HÓA XÃ HỘI

Lễ Tịch điền qua các thời đại

Lễ Tịch điền còn gọi là lễ Hạ điền. Theo từ điển Hán Việt đó là lễ bắt đầu làm ruộng.
Từ rất xa xưa, theo truyền thuyết, vua Thần Nông ở Trung Quốc đã đặt ra lễ Tịch điền.
Nghi lễ được tổ chức như một ngày hội. Nhà vua ra khỏi thâm cung bằng một cỗ xe trên có chở một chiếc cày. Theo sau là bá quan văn võ. Đoàn nghi lễ đi thẳng tới sở Tịch điền. Tại đây, nhà vua đích thân xuống ruộng cày năm luống, rồi trao cày lại cho các Công khanh đại phu. Các Công khanh đại phu cày bảy luống. Sĩ phu cày chín luống. Hoa màu thu hoạch được ở thửa ruộng này sẽ sung công dùng vào việc cúng tế.
Càng về sau, Lễ Tịch điền được tổ chức rườm rà hơn, có thêm lễ tam sinh, có phường nhạc cử những bài ca về đồng áng, có lễ đài cao 9 thước sơn xanh, trên đài có nhà Tế.
Ở nước ta, các vua chúa cho du nhập lễ Tịch điền từ Trung Quốc từ đời vua Lê Đại Hành. Lễ Tịch điền được tổ chức lần đầu tiên ở nước ta vào năm Thiên Phúc thứ 8 (987) đời Tiền Lê. Mùa xuân năm đó, vua Lê Hoàn thân hành ra cày ruộng Tịch điền ở Đội Sơn, theo truyền thuyết, thì bắt được một chum vàng, năm sau vua cày ruộng ở Bàn Hải cũng bắt được một chum bạc. Vì thế, những thửa ruộng này gọi là Kim ngân điền.
Đến thời Lý, Lễ Tịch điền được cử hành long trọng hơn. Năm Thông Thụy thứ 5 (1038), vua Thái Tông cày ruộng ở Bố Hải, sai quan lại chọn đất xây đàn cúng tế. Vua làm lễ tế Thần Nông cầu cho được mùa lúa tốt, không bị thiên tai làm hư hại, rồi tự cầm cày để cày ruộng.
Sang đời Trần, vua không thân hành ra làm lễ Tịch điền, mà chỉ sai quan lại đắp đàn Xã Tắc mà cúng tế.
Đời Hậu Lê năm Hồng Đức thứ 15 (1484), vua Thái Tông dựng đàn Tiên nông ngoài kinh đô thành Thăng long. Hàng năm, vào tháng Trọng Xuân, vua và các quan ra cung tế Thần Nông và làm lễ Tịch điền. Nhà vua đích thân cầm cày để cày ruộng.
Đời Trung hưng, chúa Trịnh ra tế thay vua, tế ba tuần rượu, rồi sai quan cày ruộng.
Đến triều Nguyễn, Lễ Tịch điền được tổ chức một cách long trọng. Vua Minh Mạng ban dụ chỉnh đốn lại các nghi lễ cổ truyền. Nhiệm vụ tổ chức lễ được giao cho bộ Lễ. Nơi cử hành lễ là sở Tịch điền đặt tại Phường Yên Trạch, Ở đây, đã có sẵn một cái đài cao để nhà vua ngự xem cày gọi là quan canh. Lễ Tịch điền được cử hành vào mùa hạ tháng thứ hai. Trước lễ một ngày, quan đầu tỉnh Thừa Thiên phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ: một cày, một bừa, một thúng thóc giống. Cày, bừa, thóc giống được rước trên long đỉnh. Trước đó bốn ngày, các quan họp lại, mời vua ra tập cày trước. Lễ vật được mua sắm gồm có: ngọc trắng, lụa trắng, trâu, dê, lợn, rượu, xôi, hoa quả và hương nến.
Sáng sớm hôm hành lễ, đám rước vua đi hành lễ thật long trọng, rực rỡ, đầy đủ những nghi thức của vua chúa. Chiêng trống nổi lên vang lừng. Hai bên đường dẫn tới hành lễ, các quan đại thần, hoàng phi, nội thân ngoại thích và dân chúng đứng xếp hàng nghiêm chỉnh, lại có cờ cắm rợp trời. Phường bát âm luôn cử hành khúc nghinh xuân, tiếp giá. Đúng giờ Mão, bảy tiếng pháo nổ báo hiệu nhà vua khởi hành. Hôm nay, nhà vua đội mũ Cửu Long, mặc Hoàng bào. Mở đầu lễ là nghi thức quán tẩy (rửa tay). Sau đó là nghi thức hiến tửu (dâng rượu). Lễ tất, nhạc nổi lên. Quan bộ Lễ dẫn vua sang nhà cụ phục. Ở đó, nhà vua thay áo, đội khăn, rồi ra ruộng cày. Các ban đại nhạc, nhã nhạc đều cử nhạc long trọng.
Quan bộ Lễ đứng ra tâu xin làm lễ Tịch điền. Vua đến chỗ cày, đứng quay về hướng nam. Quan bộ Lễ dâng chiếc cày sơn vàng. Quan Phủ Doãn dâng roi. Vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, phụ tá có bốn vị bô lão chức sắc, hai người dắt con bò phủ lụa vàng, hai người đi hai bên đỡ cày. Quan Thái Thường đi trước hướng dẫn. Hoàng tử và quan Hộ bộ thượng thư theo sau mang thúng thóc vừa đi vừa rắc hạt giống. Vua cày xong ba luống thì trao cày và roi cho hai quan theo hầu là Thừa Thiên phủ doãn và Thượng thư bộ Hộ. Sau đó, nhà vua ngự đến nhà quan canh để chứng kiến các quan chức, hoàng thân cày tiếp. Các hoàng thân, hoàng tử đội mũ vàng mặc áo gấm đỏ , cầm cày và roi cày 10 luống, quan văn võ đại thần gồm 9 người, cày 18 luống. Phần còn lại dành cho các chức sắc, bô lão sở tại. Cày của các hoàng thân hoàng tử cùng các quan lại chức sắc đều có sơn màu đỏ.
Mọi người cày xong, vua lên kiệu về cung ban yến cho các quan lại và thưởng tặng the lụa.
Khi lúa chín, quan tỉnh Thừa Thiên trông coi việc gặt hái cùng với một quan thuộc Hộ bộ, lựa chọn hạt giống dự bị gieo vào lễ Tịch điền năm sau. Lúa nếp gặt về đem trử vào kho để tế lễ, tế giao, tế thần và tế lăng miếu.
Sau này, trong một lễ Tịch điền, vua Thiệu Trị đã cảm tác viết bài “Thường Mậu quan canh”, trong đó có bốn câu nhấn mạnh ý nghĩa của lễ Tịch điền như sau:
“…Chót vót lầu cao giữa khoảng không
Nhìn xa quang cảnh chốn nương đồng
Ba đường dẫn lối khuyên cày cấy
Năm tháng thương người trọng việc nông…”
Các đời vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều tổ chức lễ Tịch điền, nhưng có thay đổi ít nhiều về nghi lễ.
Ngày nay, một số miền quê ở Thừa Thiên Huế vẫn còn duy trì hàng năm Ngày hội xuống đồng, như là dấu ấn còn lại của lễ Tịch điền xưa.
Ngoài ý nghĩa nhân văn, đáp ứng như cầu đời sống tâm linh của con người, lễ Tịch điền còn thể hiện một chính sách khuyến nông độc đáo, có ảnh hưởng tích cực đến nông nghiệp và nông thôn nước ta trước đây

Văn Luận

Các bài khác

Khu di tích Kinh Đô Thăng Long: Ý nghĩa khai quật khảo cổ học năm 2003, giá trị lịch sử và đề xuất hướng bảo tồn phát huy tác dụng

Thông tin y học: Những ghi nhận từ Hội nghị quốc tế về Truyền máu khu vực Châu Á -Thái Bình Dương lần thứ XII tại New Dehli – Ấn Độ (15 – 18/11 năm 2003)

Trung tâm ứng dụng và đào tạo tin học CITA: Nơi đào tạo, phổ biến kiến thức tin học

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: