New Page 1

Số 1 – Quý I – 2004


VĂN HÓA XÃ HỘI

Khu di tích Kinh Đô Thăng Long: Ý nghĩa khai quật khảo cổ học năm 2003, giá trị lịch sử và đề xuất hướng bảo tồn phát huy tác dụng

Trong những ngày này, nhân dân Thủ đô Hà Nội cùng cả nước đang ra sức lập thành tích để chuẩn bị chào mừng Kinh đô Thăng Long 1000 năm tuổi, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo các ngành khoa học khẩn trương thực hiện dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba đình như là một sự kiện lớn mở đầu thế kỷ mới của nước ta trong việc kiến thiết Thủ đô xây dựng đất nước, các nhà Khảo cổ học Việt Nam thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia được giao thực hiện cả hai nhiệm vụ nói trên.

Sau 10 tháng nghiên cứu, khai quật ở hiện trường được đoán định là trung tâm chính trị của Kinh đô Thăng Long – Nước Đại Việt ngày xưa cũng là trung tâm chính trị của Thủ đô Hà Nội – Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, các chuyên gia Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện từ trong lòng đất một phần của Kinh đô Thăng Long cổ kính còn bảo lưu được hình hài, dấu tích và hơn 4 triệu hiện vật như là một tài sản vô giá của dân tộc. Thông báo này là một tin vui lớn đối với nhân dân ta, một thông điệp chứa đựng sức mạnh của quá khứ và niềm tự hào của dân tộc đến với mọi người Việt Nam ở trên hành tinh này và cũng là thể hiện sự đền đáp của thế hệ chúng ta đối với Tổ tiên, chủ nhân của di sản lịch sử này đã không ngừng đổ xương máu, mồ hôi để kiến thiết, xây dựng một đất nước Đại Việt cường thịnh ở Phương Đông hồi bấy giờ. Riêng tôi, hiện đang công tác sử học ở đất cố đô Huế, tôi rất vui mừng và vô cùng xúc động, khi được biết, được nghe, được đọc nay được tham dự cuộc Hội thảo khoa học quan trọng do Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia tổ chức.

Trong báo cáo Kết quả khai quật Khảo cổ học của Viện Khảo cổ học thuộc Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia đã nêu được đầy đủ chi tiết, các giá trị của khu di tích này, ở đây tôi chỉ khẳng định thêm ý nghĩa của thành tựu Khảo cổ học Thăng Long năm 2003 và góp tiếng nói trong việc đề xuất hướng bảo tồn phát huy giá trị của khu di tích này.

Với 14.000m2 diện tích khai quật của tổng thể công trình sắp xây cất gần 50.000m2, các nhà Khảo cổ học đã tìm thấy hàng chục cung điện, đền đài được xây dựng từ thời Lý – Trần – Lê cùng hệ thống hành lang, cống thoát nước, giếng nước…dày đặc được tiến tạo qua nhiều triều đại là một thành tựu Khảo cổ học đô thị lớn nhất về Thăng Long – Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung do các nhà Khảo cổ học Việt Nam chủ trì và thực hiện trong nhiều thập kỷ qua.

Trong các thành tựu khảo cổ học Thăng Long – Hà Nội năm 2003, chúng ta chú ý đặc biệt đến một cung điện cực lớn được xây dựng từ thời Lý với 9 gian nhà, dựng trên 40 trụ móng cột, dài 62 mét, rộng 27 mét có diện tích 1.674 m2. So với điện Thái Hoà ở Kinh đô Huế, là kiến trúc quan trọng và lớn nhất của triều Nguyễn

xây dựng vào đầu thế kỷ XIX thì quy mô điện Thái Hoà chỉ bằng hơn 4/5 (80,16%) cung điện này của Kinh đô Thăng Long được xây dựng vào đầu thế kỷ XI. Điện Thái Hoà có chiều dài 44 mét, rộng 30,5 mét diện tích 1.342m2 (2)), dấu tích điện Cần Chánh ở Kinh đô Huế diện tích cũng chỉ có 1.000m2 mà thôi. Đây là cung điện được xây dựng dưới vương triều Lý nằm trong quần thể kiến trúc Kinh đô Thăng Long, không những là công trình được xây dựng lớn nhất và sớm nhất trong kiến trúc cung đình Việt Nam và còn sớm hơn cả tiền cố cung Bắc Kinh – Trung Quốc của nước Kim lúc bấy giờ gọi là Trung Đô được xây dựng vào năm 1153 và hơn nhiều nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia… lập quốc vào thế kỷ XIII. Khu di tích cung điện Thăng Long vừa được phát hiện không những có giá trị đặc biệt về lịch sử mà còn có giá trị độc đáo, tiêu biểu về quy mô, cấu trúc của loại hình đô thị – Kinh đô không riêng của Việt Nam mà của nhiều nước trong khu vực nay mới có điều kiện tiếp cận qua tư liệu khảo cổ học.

Với thành tựu khảo cổ học Thăng Long năm 2003 là bằng chứng hùng hồn khẳng định về sự rực rỡ, toả sáng của nền văn minh Đại Việt từ thế kỷ XI – XV. Nền văn minh Đại Việt được kế tục và phát triển từ nền văn minh Sông Hồng mà thành tựu tiêu biểu là văn hoá Đông Sơn với nền nông nghiệp lúa nước đã khai sinh ra nhà nước Văn Lang; nhà nước đầu tiên; nền văn minh Việt Nam đầu tiên, là chủ nhân của một đất nước anh hùng đã từng đẩy lùi 50 vạn quân dưới thời Tần Thuỷ Hoàng vào thời kỳ hung hãn nhất của nó cách đây trên 2200 năm.

Sức sống nền văn minh Đại Việt mà Kinh đô Thăng Long là trung tâm đã làm nên kỳ tích sau nhiều lần đánh bại các đội quân xâm lược tàn bạo, hiếu chiến của giặc Tống (1075 – 1077), của Mông – Nguyên (1258, 1285, 1288), của giặc Minh (1407 – 1427) bảo vệ toàn vẹn nền độc lập dân tộc và mở nước về phía nam dưới thời Lý (1069), Trần (1306), Hồ (1402), Lê (1471) từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Phú Yên ngày nay.

Do hoàn cảnh lịch sử nên vua Quang Trung và sau này là triều Nguyễn chọn Huế làm Kinh đô. Kinh đô Phú Xuân – Huế dưới hai triều đại Tây Sơn và Nguyễn cho đến nửa đầu thế kỷ XIX là Kinh đô thống nhất sau nhiều thế kỷ đất nước bị chia cắt, một triều đình quản lý hiệu quả đất nước đến tận biên giới, hải đảo, có hệ thống tổ chức chính trị tập quyền mạnh từ trung ương đến các địa phương cùng những thành tựu văn hoá dân tộc rực rỡ cũng là do được kế thừa nền văn minh Đại Việt – Thăng Long của nhiều thế kỷ trước đó.

Thủ đô Hà Nội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là kế thừa Kinh đô Thăng Long của nước Đại Việt một cách hợp lý, đúng với quy luật phát triển của lịch sử dân tộc. Sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, nước Đại Việt độc lập, tự chủ với việc triều Lý chọn Thăng Long làm Kinh đô mở đầu cho thời kỳ lớn mạnh và phát triển kéo dài gần 8 thế kỷ. Sau hơn một trăm năm (1858 – 1975) đấu tranh giành độc lập dân tộc, đánh bại các đội quân hùng mạnh nhất của các nước thực dân, đế quốc phương Tây, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn tiếp tục chọn Hà Nội làm thủ đô hứa hẹn mở ra một thời kỳ thịnh trị dài lâu của đất nước. Có phải là ngẫu nhiên hay số mệnh của dân tộc sau gần 1000 năm với 2 kỷ nguyên độc lập và xây dựng đất nước khác nhau lại gặp gỡ linh nghiệm khi người Việt ngày nay bắt tay xây dựng trung tâm chính trị hàng đầu của thủ đô lại bắt gặp thành quả lao động do bàn tay của Tổ tiên chúng ta xây dựng Kinh đô Thăng Long cũng ở trung tâm lãnh đạo cao nhất của đất nước hồi bấy giờ ?

Nhà Khảo cổ học – nhà Sử học hôm nay đã làm nên một kỳ tích có ý nghĩa lớn lao là nối kết được một Kinh đô hoành tráng trong quá khứ và thủ đô hiện đại ở một giao điểm thời gian và không gian lịch sử nhạy cảm nhất của đất nước, có sức truyền cảm mạnh mẽ của cả dân tộc và gây xúc động cho hàng chục triệu người dân sống khắp mọi miền luôn luôn hướng về mọi miền Tổ quốc.

Quỹ đất của thủ đô là rất hiếm, quỹ đất đó nằm ở trung tâm lại là trung tâm chính trị của kinh đô Thăng Long xưa lại càng hiếm hơn. Nhưng việc bảo tồn di tích lịch sử quý hiếm của dân tộc dưới lòng đất lại càng có ý nghĩa trân trọng và thiêng liêng hơn. Với giá trị đặc biệt quý hiếm của Quốc gia về khu di tích lịch sử Kinh đô Thăng Long vừa được phát hiện có tính giá trị lớn mang tầm vóc quốc tế; chắc chắn trong tương lai không xa khu di tích cố đô Thăng Long sẽ được ghi tên vào danh mục di sản văn hoá thế giới. Do đó, chúng tôi kính đề nghị cần được bảo tồn nguyên vẹn khu di tích Thăng Long đã khai quật và tiếp tục khai quật số 50.000 m2 còn lại để lập hồ sơ trình tổ chức UNESCO xem xét, công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Đây là ý kiến có tính chất chủ quan của một người làm công tác sử học từng nghiên cứu lịch sử các loại hình đô thị Việt Nam, các triều đại phong kiến Việt Nam, có tham gia các diễn đàn di sản văn hoá ở trong nước và quốc tế do UNESCO tổ chức. Chúng tôi mong muốn và trân trọng lắng nghe ý kiến của các đồng nghiệp, các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư, đặc biệt là ý kiến của các chuyên gia của tổ chức UNESCO tư vấn cho các tiêu chí để di tích lịch sử – văn hoá Kinh đô Thăng Long được công nhận di sản văn hoá thế giới, trong đó cho biết quy mô cần thiết của một đô thị cổ có tuổi cả ngàn năm bị chôn vùi dưới lòng đất nay mới được khai quật, khám phá cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Không gì có giá trị và ý nghĩa bằng cùng một lúc chúng ta vừa nỗ lực xây dựng một thủ đô Hà Nội hiện đại văn minh, vừa ra sức bảo tồn di sản một kinh đô Thăng Long hoành tráng và anh hùng để Thăng Long – Hà Nội được tôn vinh là di sản văn hoá thế giới trước thời khắc cả nước chào mừng Thăng Long – Hà Nội tròn ngàn năm tuổi vào năm 2010. o

 

Chú thích:

 

 

(1) Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, Chủ tịch Hội Sử học Thừa Thiên Huế. Bài tác giả tham dự hội thảo Đánh giá giá trị và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Thăng Long – Hà Nội do Trung tâm KHXHNV Quốc gia tổ chức ngày 26 và 27 tháng 9 năm 2003 tại Hà Nội.

(2) Đỗ Bang (chủ biên), Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, Thuận hoá, 2000, t. 766 – 767.

PGS. TS. Đỗ Bang (1)

Các bài khác

Lễ Tịch điền qua các thời đại

Thông tin y học: Những ghi nhận từ Hội nghị quốc tế về Truyền máu khu vực Châu Á -Thái Bình Dương lần thứ XII tại New Dehli – Ấn Độ (15 – 18/11 năm 2003)

Trung tâm ứng dụng và đào tạo tin học CITA: Nơi đào tạo, phổ biến kiến thức tin học

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: