New Page 1

Số 3 – Quý III – 2004


ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI

Làng di sản Phước Tích

Làng Phước Tích (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được dư luận đề cập đến như một sự kiện, một khám phá mới: làng di sản.

Làng Phước Tích lúc mới thành lập (năm 1470) có tên làng là Cảm Quyết. Sau nhiều lần đổi tên, đến thế kỷ XIX thành Phước Tích và giữ mãi cho đến ngày nay. Làng được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu, cách thành phố Huế chừng 40 km về phía Bắc, cách quốc lộ IA chừng 1 km về phía Đông. Đây là một làng không lớn với hơn 450 nhân khẩu, 125 hộ, 117 nóc nhà. Điều đặc biệt là trải qua quá trình hơn 5 thế kỷ xây dựng và phát triển với biết bao biến cố lịch sử, nhất là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược làng vẫn lưu giữ được những vẻ đẹp hài hoà, quyến rũ, quyện vào nhau giữa các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc cổ và con người lịch thiệp biết tôn trọng, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hoá.

Đặt chân đến Phước Tích ta sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy sức sống với dòng sông, bến nước, mái đình, vòm cây cổ thụ, nhà vườn…Dòng sông như dải lụa mềm mại, uốn khúc quanh co. Những bến nước có cái tên giản dị, thân thương như bến Lò, bến Cây bàng, bến Đình…Những con đường đất rợp mát bóng cây cổ thụ mà tuổi của chúng gắn với tuổi làng. Có cây hoàng lan trên 100 tuổi, có cây bàng, cây dừa đại cổ thụ vài ba trăm tuổi, cây thị có tuổi còn cao hơn. Bóng cây che phủ, ôm ấp những ngôi miếu cổ, bến nước, sân đình…tạo nên những nét thơ mộng.

Đến đây ta sẽ lạc vào thế giới nhà vườn. Những ngôi nhà vườn với bố cục không gian chặt chẽ, hợp lý, theo một nguyên tắc gần như bất di bất dịch. Trước nhà có sân rộng để trồng hoa, cây cảnh. Ngõ vào nhà có hai hàng chè tàu được cắt xén cẩn thận. Trước nhà có bức bình phong. Có nhà chính, nhà phụ. Cảnh quan thiên nhiên và không gian kiến trúc hoà quyện với nhau thể hiện rõ lối sống, phong cách sống, triết lý sống của cư dân nơi đây.

Người dân nơi đây hiền hoà, giản dị, lịch thiệp, cần cù, chăm chỉ lao động, hiếu học, giữ gìn nền nếp gia phong, giữ gìn quan hệ dòng họ, tôn thờ tổ tiên, trọng nghĩa, thương người, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, quý trọng tình làng, nghĩa xóm…Đặc biệt người dân rất quý trọng và nâng niu những trang sử của làng, của các dòng họ. Nơi đây còn lưu giữ được gia phả của các dòng họ. Trong đó ghi lại cẩn thận trang trọng tên tuổi, quê quán những người sáng lập làng, dòng họ có từ ngày lập làng. Cả thảy làng có mười hai dòng họ ngay từ ngày khai thiên lập địa đến nay vẫn cùng tồn tại và phát triển.

Phước Tích còn lưu giữ được bộ sưu tập nhà gỗ cổ, gồm 30 ngôi nhà rường tuổi từ 100 đến ngót ngét 200 tuổi, gần như còn nguyên vẹn. Cổ nhất là ngôi nhà rường hơn 180 năm của bà Hồ Thị Thanh Nga. Bên trong những ngôi nhà cổ, phần kết cấu được chạm khắc khá công phu, tinh tế. Nhiều nhà còn có các bức hoành phi, câu đối, đại trường kỷ, tráp thờ được khảm xà cừ rất tinh xảo. Có thể nói, nền kiến trúc dân gian ở đây đã đạt đến trình độ cao.

Đến Phước Tích hôm nay chúng ta còn được chiêm ngưỡng những di tích tín ngưỡng, tôn giáo như miếu Quảng Tế và di vật Yoni – di tích của nền văn hoá Chăm pa, miếu Cây thị, đình làng, miếu Thành hoàng, các nhà thờ họ, chùa, văn thánh…Đặc biệt, đến đây ta ngẩn ngơ trước dấu tích lò gốm cổ, minh chứng hùng hồn của nghề gốm, một nghề chính của hầu hết dân làng rất thịnh hành ngay từ thế kỷ XV và thời gian dài sau đó. Những sản phẩm gốm đặc sắc, thẩm mỹ, chất lượng cao như lu, ảng, vại, hủ, chậu cây cảnh…từng có mặt khắp chợ cùng quê các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, len lỏi cả vào cung vua, phủ chúa. Nghề gốm đã trở thành nghề truyền thống đem đến cho người dân nơi đây cuộc sống no ấm và giàu có. Thật đáng tiếc, ngày nay, nghề này đã thất truyền. Cả làng chỉ còn lại một hai nghệ nhân làm gốm già nua, có người đã ngoài 80 tuổi đã giải nghệ từ lâu.

Phước Tích hôm nay đang được các nhà khoa học: sử học, kiến trúc sư, dân tộc học…chú ý tìm hiểu, nghiên cứu. Có ý tưởng xây dựng làng thành làng Văn hoá – Du lịch. Tôi nghĩ, chắc chắn nơi đây sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của những du khách muốn tìm lại những nét đẹp của làng cổ, làng di tích rất Việt Nam và những giờ phút thanh thản tâm hồn.

ThS. Nguyễn Văn Quế

Các bài khác

Kỷ niệm 89 năm ngày sinh của Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2004):
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, một trong những nhà thiết kế đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta

Kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9:
Người soạn thảo Chiếu thoái vị cho vua Bảo Đại

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: