New Page 1

Số 3 – Quý III – 2004


VĂN HOÁ – XÃ HỘI

Thiết bị kỹ thuật với đổi mới phương pháp dạy học

Hiện nay, thiết bị kỹ thuật được sử dụng trong dạy học ngày càng phong phú, hiện đại, chiếm ưu thế, đã và đang trở thành một trong những phương tiện quan trọng để tiến hành đổi mới phương pháp dạy học (PPDH). Các thiết bị kỹ thuật như máy vi tính, projector, bộ monitor 53 đa dụng, các phần mềm thông dụng, cùng các phương tiện nghe nhìn khác được phối hợp sử dụng rộng rãi để dạy học và rèn luyện kỹ năng cho học sinh đang lôi cuốn sự quan tâm của toàn xã hội.
Tác dụng của thiết bị kỹ thuật đối với quá trình dạy học
Đối với quá trình dạy học thiết bị kỹ thuật có khả năng rất lớn. Đó là hệ thống tín hiệu quan trọng thứ 2 sau lời nói, giúp quá trình nhận thức bền vững, chính xác; giúp rèn luyện kỹ năng thực hành thông qua 3 hành động: nghe, nhìn, tiếp xúc trực tiếp; làm tăng năng suất lao động của giáo viên và học sinh; làm thay đổi phong cách tư duy và hành động. Kết hợp sử dụng lời nói, hình ảnh và hành động trong quá trình dạy học sẽ đem lại hiệu quả cao. Bản thân thiết bị dạy học vừa là phương tiện, vừa là động lực thúc đẩy quá trình tự nghiên cứu, tự phát hiện của học sinh.
Ứng dụng thiết bị kỹ thuật vào dạy học góp phần nâng cao chất lượng giáo viên. Khi thiết bị dạy học trở thành yếu tố bắt buộc trong các giờ dạy thì giáo viên phải tự rèn luyện, tự học nhiều hơn để thuần thục các kỹ năng dạy học, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu của PPDH mới. Những giáo viên có quá trình tự học, tự rèn luyện kém đều dẫn đến nguy cơ bị đào thải.
Thiết bị dạy học góp phần đổi mới PPDH. Việc đưa thiết bị dạy học tham gia vào tiết học có sự chuẩn bị trước sẽ tạo ra tâm thế sẵn sàng của người dạy và người học. Học sinh hứng thú học tập hơn. Khi đó sẽ tạo được sự chủ động trong tiếp nhận kiến thức, không khí lớp học sôi nổi, tâm lý sáng tạo được khơi nguồn…Chất lượng giờ học nhờ đó được nâng lên.
Việc đổi mới PPDH có sự tham gia bắt buộc của thiết bị kỹ thuật thì giáo viên dù muốn hay không đều phải tiến hành, nếu có thêm sự tự giác của giáo viên thì mục tiêu đổi mới PPDH sẽ thành công.
Thực trạng ứng dụng thiết bị kỹ thuật vào dạy học của giáo viên
Để đánh giá năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm của 4.097 giáo viên đang tham gia giảng dạy, tháng 12/2003, chúng tôi nêu câu hỏi: “Bất cập hiện nay về đội ngũ giáo viên là gì?” cho 95 hiệu trưởng trường trung học của tỉnh nhà. Câu trả lời khá tập trung là: “Họ gặp nhiều khó khăn vì thiết bị dạy học còn nghèo nàn, khả năng, kỹ năng và động lực sử dụng thiết bị của giáo viên chưa cao…là rào cản của quá trình đổi mới PPDH”. Đó là sự bức xúc được phản hồi từ cơ sở, là điều mà các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục cần phải quan tâm.
Qua kết quả hội thi “Giáo viên sử dụng thiết bị giỏi” và “Ứng dụng CNTT vào dạy học giỏi” khối PTTH của tỉnh tổ chức vào tháng 3/2004 và số liệu điều tra cuối năm 2003, chúng ta có thể nhận định: nhìn chung chất lượng đội ngũ giáo viên tỉnh ta hiện nay đạt chuẩn khá cao, có tiềm năng về chuyên môn và lòng say mê nghề nghiệp…Bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm giải quyết như:
– Kỹ năng sư phạm, khả năng tự phát triển của giáo viên chưa cao, có chưa đến 50% số giáo viên được đánh giá thành thạo các kỹ năng sư phạm cơ bản, số trung bình và yếu còn khoảng 16%; dưới 40% số giáo viên có khả năng phát triển cao hơn về chuyên môn, khoảng 35% không quan tâm đến việc học tập để phát triển chuyên môn, trên 25% xếp loại trung bình và yếu, chỉ có 16,9% giáo viên soạn giảng được trên máy vi tính và 14,6% biết ngoại ngữ.
– Đa số giáo viên chưa sử dụng thành thạo thiết bị kỹ thuật, còn có tâm lý ngại khó, giấu dốt trong việc sử dụng thiết bị, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
– Động lực nghề nghiệp chưa cao, một bộ phận còn thờ ơ với việc đổi mới phương pháp dạy. Lối dạy học cũ vẫn tồn tại như một thói quen cố hữu, nhất là ở số giáo viên đã lớn tuổi.
Kiến nghị và giải pháp
Từ thực trạng nêu trên, để tiến hành thành công quá trình đổi mới PPDH theo hướng tăng cường sử dụng thiết bị kỹ thuật, thiết nghĩ đã đến lúc phải làm tốt mấy vấn đề sau đây:
Một là, đổi mới chương trình đào tạo, trang bị và rèn luyện cho sinh viên phương pháp dạy mới ngay từ trường sư phạm. Về chương trình đào tạo, ngoài việc hình thành các kỹ năng sư phạm cần thiết, nhất định phải đưa các nội dung về CNTT, tư tưởng dạy học mới, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy tính, đọc sách bằng tiếng nước ngoài, kỹ năng sử dụng thiết bị…vào chương trình. Đồng thời, phải trang bị, rèn luyện cho sinh viên trước khi ra trường hình mẫu PPDH mới, làm nền tảng cho chiến lược dạy học mới sau này.
Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát về việc đưa vào giờ dạy thiết bị kỹ thuật bắt buộc sử dụng theo chương trình sách giáo khoa mới đối với đội ngũ giáo viên đang lên lớp. Khuyến khích sử dụng sử dụng đồ dùng dạy học ở khối lớp đang thực hiện theo chương trình cũ.
Ba là, tổ chức phòng thực hành, thí nghiệm, phòng học bộ môn, phòng học đa phương tiện (Multimedia), hình thức dạy học với máy vi tính (TLC – Teaching and Learning with Computer).
Thực hiện được những vấn đề trên có thể làm thay đổi tư duy, hình thành chiến lược dạy học mới thường trực thay thế hẳn lối dạy học cũ ở mỗi giáo viên.


Tài liệu tham khảo:
– Những vấn đề cơ bản Giáo dục học hiện đại – GS.TSKH. Thái Duy Tuyên – NXB Giáo dục 1998.
– Các cơ sở lựa chọn PPDH – PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí – Tạp chí Giáo dục số 46/2002.
– Xây dựng phòng bộ môn, một trong những giải pháp đổi mới PPDH – ThS. Lê Khánh Tuấn – Tập san Giáo dục – Đào tạo Thừa Thiên Huế – 9/2003.

ThS. Lê Khánh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TTH

Các bài khác

Thấy gì qua Festival 2004

Vài nét về tục thờ cúng ở Huế

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: