New Page 1

Số 4 – Quý IV – 2004


SỰ KIỆN

Kỷ niệm Mặt trận thống nhất Việt Nam:
Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam – Những mốc son chói lọi

Trong lịch sử cách mạng nước ta, mỗi giai đoạn cách mạng đều có một tổ chức Mặt trận với tên gọi khác nhau để tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ, hình thành khối đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong cao trào cách mạng 1936 – 1939, có Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương mà từ tháng 3 năm 1938 đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương.

Trong cao trào cách mạng tháng Tám (1939 – 1945), có Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương mà từ 19 – 5 – 1941 đổi tên thành Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt Mặt trận Việt Minh.

Trong cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), bên cạnh Mặt trận Việt Minh, từ tháng 5 năm 1946, còn có Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tập hợp những tổ chức, đảng phái và cá nhân chưa tham gia Mặt trận Việt Minh. Ngày 3 – 3 – 1951, hai tổ chức mặt trận này thống nhất lại trong Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Mặt trận Liên Việt.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, miền Bắc có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập ngày 10 – 9 – 1955, miền Nam có Mặt trận đân tộc giải phóng Miền Nam ra đời ngày 20 – 12 – 1960.

Ở miền Nam, sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), có thêm Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam nhằm đoàn kết, tập hợp những lực lượng ở thành thị chưa tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng, mở rộng thêm Mặt trận chống Mỹ cứu nước.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, cả nước độc lập và thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày 31 – 7 – 1977, các tổ chức Mặt trận hai miền họp Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Xuất phát từ lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và những đặc điểm cụ thể của cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy sự cần thiết và vai trò của mặt trận. Trong tác phẩm "Đường Kách Mệnh" (1927), Người đã nêu lên những tư tưởng đặt cơ sở cho sự hình thành Mặt trận dân tộc thống nhất: " Cách mệnh là việc của dân chúng, chứ không phải việc của một, hai người…" (Toàn tập – tập hai – trang 181 – 187).

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã thông qua điều lệ vắn tắt của các tổ chức quần chúng và Hội phản đế Đồng minh. Đó là những nguyên tắc và hình thức tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất đầu tiên trong lịch sử, cách mạng Việt Nam đã được xác định ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 18 – 11 – 1930, Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh. Bản chỉ thị nhấn mạnh và khẳng định sự cần thiết phải có tổ chức mặt trận vì "giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng khó thành công…" (Văn kiện Đảng – tập 1- trang 175). Bản chỉ thị ngày 18 – 11- 1930 là một văn kiện rất quan trọng, lần đầu tiên trình bày một cách tương đối đầy đủ những quan điểm cơ bản của Đảng về Mặt trận dân tộc thống nhất. Văn kiện đã phân tích về mặt lý luận và thực tiễn, chứng minh sự cần thiết phải có Mặt trận dân tộc thống nhất, nêu cao vai trò của Mặt trận và vạch ra những nguyên tắc và phương pháp tổ chức Mặt trận.

Hội phản đế đồng minh là tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất đầu tiên đã được đề ra ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và trong cao trào cách mạng 1930 – 1931.

Trên cơ sở Chỉ thị ngày 18 – 11 – 1930, ngày 26 – 3 – 1986, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định lấy ngày 18 – 11 – 1930 làm ngày kỷ niệm Mặt trận thống nhất Việt Nam.

Trong quá trình phát triển của Mặt trận thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều ngày mang ý nghĩa trọng đại, nhưng ngày 18 – 11 – 1930 với chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh là tiêu biểu đầy đủ nhất cho lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất. Đó không phải là ngày kỷ niệm thành lập một mặt trận cụ thể nào mà là ngày kỷ niệm Mặt trận thống nhất Việt Nam nói chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là người đề ra những chủ trương sớm nhất, là người suốt đời đấu tranh, xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc, quan tâm xây dựng và phát triển mặt trận với phương châm nổi tiếng biểu thị chân lý của lịch sử: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!"

Hàng năm, ngày kỷ niệm Mặt trận dân tộc thống nhất 18 – 11, ngày lịch sử có ý nghĩa đó là ngày hội của khối đại đoàn kết dân tộc.

Văn Chính

Các bài khác

Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại:
Cách mạng Tháng Mười soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến:
Những cố gắng cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tránh cuộc chiến tranh Pháp – Việt

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: