New Page 1

Số 4 – Quý IV – 2004


NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN

Nuôi tôm trên cát – cơ hội và thách thức

Vùng ven biển các tỉnh miền Trung hầu hết là khu vực đất cát khô cằn, gò đụn hoang hoá với thảm thực vật thưa thớt, sản xuất nông nghiệp ít hiệu quả. Do vậy, nuôi tôm trên cát tại vùng này được xem là "hiện tượng" thu hút sự chú ý của các cơ quan chức năng, kể cả các tổ chức quốc tế. Đó cũng chính là cơ hội thoát nghèo cho phần lớn cư dân vùng cát ven biển. Nhưng cũng có nhiều thách thức.

Những thuận lợi

Việc chuyển vùng cát miền Trung với những đặc điểm nêu trên sang nuôi tôm sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Giá thuê đất tại các khu vực này lại rất rẻ (trên dưới 260.000 VNĐ/ha/năm) nên khá hấp dẫn các nhà đầu tư. Mặt khác, việc quy hoạch vùng nuôi tôm, đền bù giải phóng mặt bằng…sẽ dễ dàng hơn so với các vùng khác.

Là vùng bãi ngang nên khả năng trao đổi nước với biển cao hơn các vùng đầm, vịnh kín gió. Các ao nuôi tôm nằm cao hơn mực nước biển nên việc xả cạn đáy ao khi thu hoạch khá thuận lợi.

Tính độc lập giữa các ao cao do có trải bạt chống thấm cả bờ và đáy nên khả năng lây lan dịch bệnh ít. Vùng này có thể nuôi tôm từ 2 – 3 vụ/năm nên đạt hiệu quả rất lớn.

Chủ động hoàn toàn về độ mặn, độ kiềm, tránh được những bất lợi của thời tiết…nên năng suất đạt cao từ 4 đến 10 tấn/ha. Những năm đầu luôn luôn có lãi, bình quân lãi khoảng 180 triệu/ha mặt nước thực nuôi, đặc biệt có những ao lãi gần 400 triệu đồng/ha.

Những khó khăn

Trữ lượng nước ngọt, nước ngầm không cao, cơ sở hạ tầng còn kém…nên phải chi phí nhiều cho trang, thiết bị phục vụ sản xuất. Tổng chi phí cho 1 ha ao nuôi mỗi nơi mỗi khác, nhưng bình quân không dưới 300 triệu VNĐ, trong đó chi phí cho thức ăn xấp xỉ 45%.

Một số khu vực bãi ngang có địa điểm phức tạp, việc lựa chọn và xác định tuyến lấy nước biển rất khó khăn. Nếu tính toán không kỹ sẽ xảy ra tình trạng ao xây dựng xong không sử dụng được hoặc thời gian sử dụng ngắn, kém hiệu quả. (Bình quân tổng lượng nước cần khoảng 35.000 – 45.000m3/ha/vụ. Trong đó lượng nước ngọt chiếm tỷ lệ khoảng 1/10).

Trong quá trình phát triển, nếu không kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng ao nuôi và việc trồng rừng phòng hộ thì nhiều nơi ao vừa xây xong đã bị các cơn lốc cát lấp đầy không sử dụng được.

Vì mô hình nuôi thâm canh nên sử dụng khá nhiều loại thuốc và hoá chất như vôi, thuốc gây màu HBV, dolomite, chất diệt khuẩn saponin, virkon…với khối lượng hàng chục kg/vụ nên làm tăng chi phí nuôi, lại phải làm sạch chúng sau mỗi vụ thu hoạch.

Xử lý các loại chất thải trong quá trình nuôi (các loại thức ăn thừa, phân, vi sinh vật chết, chất mùn bã hữu cơ…khoảng 3000 – 4000kg/ha sau thu hoạch, nước thải) cũng đòi hỏi chi phí rất lớn, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến mùa nuôi tiếp sau đó.

Những thách thức

Bên cạnh những lợi ích to lớn đã được khẳng định thì nuôi tôm trên cát cũng chứa đựng những thách thức về ô nhiễm môi trường và một số vấn đề xã hội.

Do đào ao hoặc đất nhiễm mặn nên rừng phòng hộ ven biển bị thu hẹp. Cây bị chết, tăng khả năng cát bay, cát chảy, ao nuôi dễ bị cát lấp không sử dụng được. Các đụn cát vốn ổn định từ lâu đời nay bị xáo động, mất ổn định, dễ bị sụt, lở…

Việc lạm dụng quá mức nguồn nước ngầm ở các giếng khoan sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngọt, gây nhiễm mặn các vùng đất nông, đất lâm nghiệp, nhiễm mặn nước sinh hoạt của dân cư.

Chất thải hữu cơ, nước thải trong quá trình nuôi nếu không xử lý tốt sẽ là nguy cơ tiềm ẩn cho huỷ hoại môi trường trong khu vực, làm nhiễm bệnh các nguồn nước và làm mặn hoá các vùng đất cát…

Phát triển nuôi tôm trên cát không có quy hoạch có thể dẫn tới phá vỡ hệ sinh thái vùng cát, tăng hiện tượng sụt lở, xói mòn đất cát ven biển, từ đó gây hạn hán, sa mạc hoá cục bộ. Nó còn làm giảm năng suất cây trồng các diện tích canh tác khác.

Mâu thuẫn giữa cộng đồng dân cư sở tại với các nhà đầu tư rất dễ nảy sinh. Nuôi tôm trên cát lãi lớn nhưng phải đầu tư vốn nhiều nên chỉ những người giàu mới có khả năng đầu tư. Họ đã giàu ngày càng giàu lên. Những người nghèo phải đi làm thuê ngay tại mảnh đất nơi mình đang gắn bó.

Vấn đề đặt ra

Để vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vừa bảo vệ được môi trường, theo chúng tôi, nuôi tôm trên cát vẫn cần được nghiên cứu để tiếp tục nhưng phải chu ý mấy vấn đề sau đây:

– Khảo sát lại toàn bộ vùng đất cát tiềm năng có thể nuôi tôm để xây dựng quy hoạch phát triển phù hợp cho từng giai đoạn, đối với từng tỉnh. Riêng đối với rừng phòng hộ ven biển, tuyệt đối không quy hoạch nuôi trồng thủy sản.

– Điều tra, đánh giá trữ lượng nước mặt, nước ngầm, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý tài nguyên nước. Trên cơ sở đó, khai thác nước phục vụ cho việc nuôi tôm một cách hợp lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả. Đảm bảo chất lượng và số lượng nước cấp trên cơ sở bài toán cân bằng nước. Hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn nước ngầm.

– Các dự án nuôi tôm trên cát nhất thiết phải có đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới được triển khai.

– Vì tôm chỉ là một đối tượng nuôi chứ không phải là duy nhất nên Bộ Thủy sản cần sớm quy định những tiêu chí cụ thể về thiết kế các mô hình ngư trại (vùng nuôi), các ao nuôi, ao lắng, ao lọc, kênh xả nước; khuyến cáo nguồn giống.

– Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức nghiên cứu, tìm ra các giải pháp hữu hiệu để xử lý nguồn chất thải trong quá trình nuôi và xử lý môi trường sau mỗi vụ thu hoạch tôm.

– Công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý những tình huống xấu trong quá trình phát triển của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi có vùng nuôi tôm là rất quan trọng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc phải có những chính sách, biện pháp thích hợp có tính bắt buộc để vừa phát huy hiệu quả của việc nuôi tôm trên cát, vừa bảo vệ được nguồn nước và môi trường ven biển các tỉnh miền Trung.

Nguyễn Hữu Quyết, PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường

Các bài khác

Kỹ thuật trồng bông vải xen lạc

Đưa khoa học kỹ thuật đến với vùng cao A roàng

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: