New Page 1

Số 4 – Quý IV – 2004


ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI

Giáo sư bác sĩ Đặng Văn Ngữ nhà khoa học chân chính và tài năng

Giáo sư Bác sĩ Đăng Văn Ngữ sinh ngày 4 – 4 – 1910 tại làng An Cựu, ngoại ô thành phố Huế, là con thứ 3 trong một gia đình có 5 anh chị em.

Năm 1930, Đặng Văn Ngữ đỗ tú tài bản xứ và tú tài Tây, được học bổng để vào Trường Đại học Y Dược Hà Nội, và tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937 ở tuổi 27.

Khi còn học trung học, Đặng Văn Ngữ đã yêu thích nghiên cứu khoa học. Khi vào Trường Đại học Y Dược, Đặng Văn Ngữ được cử làm trợ lý về vật lý học cho giáo sư Henry Galliard, Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Bộ môn ký sinh trùng.

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, ông chấp nhận tiếp tục ở lại làm trợ lý để theo con đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Lúc bấy giờ, ở trường đại học chưa có ngạch cán bộ giảng dạy Việt Nam. Cũng trong thời gian này, ông cùng các bạn đồng nghiệp thành lập một cơ sở khám chữa bệnh và bệnh viện được gọi là Bách khoa Y viện Luscas Championniers (tên một giáo sư được sinh viên Y khoa mến phục đã chết). Ông phụ trách xét nghiệm vi khuẩn, ký sinh trùng và một số hoá nghiệm.

Năm 1941, ông trở thành giảng viên dạy môn sinh vật cho sinh viên dược khoa, và trở thành người Việt Nam đầu tiên giảng dạy môn này ở bậc Đại học nước ta. Cũng năm này, giáo sư Massuo Ota, một nhà nấm học Nhật Bản, đến Hà Nội và giảng dạy một số giờ tại Trường đại học Y Dược Hà Nội. Sau đó ít lâu, Đặng Văn Ngữ được giáo sư Henri Galliard, Hiệu trưởng nhà trường, cử sang Nhật Bản với tư cách phái viên của trường để học hỏi với hy vọng trở thành một nhà nấm học có tên tuổi.

Tại Nhật Bản, ông ở trong ký túc xá dành cho người Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam…Ở đây đã có 7 sinh viên Việt Nam đến trước ông, trong đó có Lương Đình Của, Nguyễn Xuân Oánh, Trần Văn Lý…Ông đã phân lập được loại giống nấm Pénicillin và có lẽ đó là một trong những giống nấm Pénicillin đầu tiên tìm thấy ở Nhật Bản.

Đại chiến thế giới lần thứ II kết thúc, Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, Đặng Văn Ngữ tiếp tục ở lại Tokyo làm việc. Tại đây, ông tranh thủ tối đa các điều kiện cho việc học tập, nghiên cứu khoa học. Ông đã tham gia Hội Việt kiều mà ông là Chủ tịch, tổ chức biểu tình đòi công nhận nền độc lập cho Việt Nam. Sau đó, ông đã quyết định tìm đường trở về phục vụ Tổ quốc.

Từ Yokohama, ông đáp tàu đi Băngkok (Thái Lan). Ông trực tiếp gặp đồng chí Nguyễn Đức Quỳ, đại diện Chính phủ Việt Nam tại Thái Lan lúc bấy giờ, trình bày nguyện vọng về nước tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông được toại nguyện, lên đường về nước, mang theo chỉ hai bộ quần áo và các giống nấm Pénicillin và Streptomycin.

Ít ngày sau khi đặt chân lên chiến khu Việt Bắc, ông vinh dự được gặp Bác Hồ. Bác khuyên: "Làm Pénicillin tinh khiết, hoàn cảnh kháng chiến chưa cho phép. Chú hãy làm nhiều nước lọc Pénicillin càng nhiều càng tốt. Có khó khăn gì, Bác sẽ cho người giúp chú".

Được sự động viên ân cần của Bác và sự giúp đỡ cần thiết của Bộ Y tế, ông đã thành công trong việc sản xuất nước lọc Pénicillin trong môi trường nước thân ngô, góp phần đáng kể vào việc cứu chữa thương bệnh binh, đạt kết quả tốt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Giáo sư Tôn Thất Tùng lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Y tế đã viết: "Từ đấy, mỗi chiến dịch, quân y đưa ra tiền tuyến một tổ Pénicillin để sản xuất kháng sinh dùng ngay trên mặt trận. Đây là một thành tích kỳ diệu mà từ xưa đến nay trong các cuộc chiến tranh du kích, chưa ai làm được như vậy, với những dụng cụ thô sơ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn".

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hoà bình lập lại, ông được giao trọng trách xây dựng ngành sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng, làm chủ nhiệm đầu tiên bộ môn này của Trường đại học Y Dược Hà Nội, sáng lập và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng cho tới ngày ông hy sinh ở tuổi 57 trong một trận bom B52 thảm khốc của giặc Mỹ ở khu rừng phía tây Huế hồi 14 giờ ngày 01 – 4 – 1967 trong khi đang nghiên cứu về sốt rét.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ là một trí thức yêu nước đã từ bỏ mọi vinh hoa phú quý có thể để được phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Là một nhà quản lý, giáo sư Đặng Văn Ngữ đã mang hết tâm huyết chỉ đạo công tác chống sốt rét, các bệnh giun sán…, đào tạo được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học trẻ cho đất nước. Là nhà khoa học, giáo sư Đặng Văn Ngữ đã có công tìm tòi, nghiên cứu và điều chế dung dịch Pénicillin. Giáo sư Đặng Văn Ngữ là một trong 12 nhà khoa học đầu tiên của nước ta được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất, ngày 10 – 9 – 1996, về công trình điều tra muỗi sốt rét và điều chế dung dịch Pénicillin. Giáo sư Đặng Văn Ngữ còn là một người thầy có nhân cách lớn.

Ở tuổi 57, giáo sư Đặng Văn ngữ là nhà khoa học đầu ngành duy nhất vai mang ba lô vào chiến trường miền Nam không hề sợ gian khổ, hy sinh để nghiên cứu các giải pháp phòng chống sốt rét cho quân và dân ta đang chiến đấu chống Mỹ, cứu nước.

Là một đảng viên của Đảng, giáo sư Đặng Văn Ngữ đã sống một cuộc đời giản dị, trong sạch, đức độ, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Hình ảnh giáo sư, Anh hùng lao động, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ với những cống hiến to lớn cho nền y học, ngành y tế nước ta, và những phẩm chất cao đẹp của ông mãi mãi sáng ngời trong lòng nhân dân Việt Nam.

Để tưởng nhớ nhà trí thức tiêu biểu, giàu lòng yêu nước, nhà khoa học tài năng và đức độ, Thủ đô Hà Nội, Cố đô Huế, thành phố Hồ Chí Minh…có đường phố mang tên ông.

Văn Bình

Các bài khác

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: