New Page 1

Số 5 – Quý I – 2005


SỰ KIỆN

Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:
Đảng ta là một Đảng cầm quyền

Đảng cầm quyền là Đảng có số đảng viên chiếm đa số trong Quốc hội, là lực lượng duy nhất chi phối toàn bộ phương hướng, nhiệm vụ của chính quyền, nắm giữ hầu hết các cương vị chủ chốt nhất trong bộ máy quyền lực Nhà nước. Đảng quyền lực không bao giờ chia sẻ quyền lực chính trị cho bất kỳ lực lượng chính trị nào khác.

Đảng cầm quyền không bao giờ làm thay bất cứ việc gì cho cơ quan Nhà nước, càng không phải là "đảng trị". Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các định hướng về chủ trương công tác; bằng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng lựa chọn, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực vào các cơ quan lãnh đạo chính quyền theo đúng quy trình, thủ tục của Nhà nước. Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, liên hệ mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Là lực lượng duy nhất cầm quyền, Đảng chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân về sự bảo vệ toàn vẹn độc lập dân tộc, về sự phát triển của đất nước, về hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đảng cầm quyền không chỉ nắm và lãnh đạo chính quyền mà còn phải nắm và sử dụng các công cụ khác, hướng chúng đắc lực nhất cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền…phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân" (1). Đây là một quan điểm lớn của Người về Đảng cầm quyền. Và đó cũng là danh hiệu vẻ vang cao quý nhất, nhưng mang đầy trọng trách. Suốt 24 năm vừa là lãnh tụ của Đảng vừa là người đứng đầu Nhà nước, Người nhắc đi nhắc lại quan điểm này. Đây còn là sự khác biệt cơ bản giữa Đảng Cộng Sản với bất cứ Đảng cầm quyền nào khác. Khi được giao chức quyền, mọi cán bộ, nhân viên Nhà nước chỉ là người đại diện cho nhân dân, phải "như người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận". Là đội tiền phong của giai cấp công nhân, của dân tộc, Đảng bảo vệ kiên quyết nhất quyền lợi của nhân dân. Vì lẽ đó, Đảng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền đã về tay nhân dân, vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng chính quyền nhân dân, công cụ thiết yếu để tổ chức, xây dựng xã hội mới và bảo vệ thành quả cách mạng. Bản chất của bộ máy Nhà nước đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng cầm quyền phải làm cho chính quyền thật sự thuộc về nhân dân; dân nhân là chủ thể của mọi quyền lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

"Nước ta là nước dân chủ.

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân." (2)

Trở thành Đảng cầm quyền, Đảng có trách nhiệm hàng đầu là xây dựng và tổ chức thắng lợi đường lối, chính sách, chiến lược đúng đắn dựa trên cơ sở lý luận của hệ tư tưởng mà Hồ Chủ Tịch đã lựa chọn cho cách mạng Việt Nam – hệ tư tưởng Mác-Lênin.

Đảng lãnh đạo Nhà nước, đồng thời lãnh đạo Mặt trận Tổ Quốc, các đoàn thể nhân dân bảo vệ, giám sát và xây dựng Nhà nước để Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh.

Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề của một Đảng cầm quyền thì cần phải:

Một là, chỉnh đốn Đảng. Đảng phải thường xuyên được củng cố, xây dựng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo. "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch…" (3)

Hai là, Đảng phải có chính sách cán bộ đúng. V.I. Lênin yêu cầu phải đặt người đúng chỗ, đúng việc, vì việc mà chọn người. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cho rằng, "dùng người như dùng gỗ", "cách mạng là một nghề, nghề nào cũng phải học", cán bộ "phải vững về chính trị, giỏi về chuyên môn".

Trong công tác, việc chăm lo đào tạo thế hệ kế tục cho đời sau "là một việc rất hệ trọng và cần thiết". Nó là một vấn đề sống còn của Đảng cầm quyền.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi việc thành bại của cách mạng đều liên quan đến vấn đề cán bộ, đều do cán bộ tốt hay kém.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, chống cho được những thói hư, tật xấu, sự thoái hóa, biến chất trong điều kiện Đảng cầm quyền. Người đã cảnh báo tới một nguy cơ, đó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân không dừng lại ở một người, một cá nhân mà có thể lây lan, biến chất tới cả một tập thể, một tổ chức. Người nói: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân" (4)

Ba là, xây dựng, phương thức hoạt động của Đảng, trước hết là phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước các cấp, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong mọi hoạt động của bộ máy Nhà nước. Yêu cầu bao trùm của vấn đề này là vừa phải đảm bảo giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vừa phải phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của Nhà nước; vừa chống tình trạng Đảng bao biện, lấn sân Nhà nước, vừa chống buông lỏng, coi nhẹ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Vấn đề cốt yếu là phải phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Nghị quyết của cấp dưới không được trái với nghị quyết của cấp trên và trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, đề cao tinh thần sáng tạo và trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, đảng viên trong cấp ủy đảng và cơ quan Nhà nước. 

 

CHÚ THÍCH:

(1)(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập – NXBCTQG – H – 1996 – T 12 tr 491.

(2) Sđđ – T 5 tr 698.

(4) Sđđ – T 12 tr 557 – 558.

Nguyễn Xuyến

Các bài khác

Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế:
Mùa xuân không thể nào quên

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: