New Page 1

Số 5 – Quý I – 2005


KHOA HỌC THƯỜNG THỨC

Một số kinh nghiệm làm cho cây mai ra hoa đúng Tết

Vào dịp tết cổ truyền, ai cũng muốn trong nhà mình có cây mai nở nhiều hoa để tạo không khí ấm cúng và sự may mắn trong năm. Không khí sẽ kém phần vui vẻ nếu mai nở chậm hoặc nở quá sớm rụng hết hoa chỉ còn trơ lại cành khẳng khiu. Có nhiều cách khác nhau làm cho cây mai ra hoa đúng tết.

Lảy lá cho mai

Quan trọng nhất là chọn ngày lảy lá (vặt lá). Việc lảy lá cho mai tuỳ thuộc vào độ lớn của nụ hoa, thời tiết, loại mai, tuổi cây…Thông thường, thời tiết năm nào nắng nhiều thì mai nở sớm, lạnh nhiều thì mai nở muộn, loại mai có nhiều cành nở muộn hơn loại mai ít cánh. Theo kinh nghiệm, ở Huế thường lảy lá mai trước tết 1 tháng, trong nam lảy lá mai vào ngày rằm tháng chạp âm lịch đối với loại mai vàng 5 cánh. Năm nào mưa, lạnh nhiều, nụ mai còn quá nhỏ nên lảy lá vào ngày 10 tháng chạp, nụ hoa nhỏ thì lảy lá vào ngày 13 tháng chạp. Nụ hoa to vừa, lảy lá vào rằm tháng chạp. Nụ hoa to lảy lá vào ngày 18 – 20. Vào ngày 23 tháng chạp thấy nụ hoa nở bung vỏ trấu, vỏ lụa là hoa sẽ nở đúng vào ngày 30 tết.

Những cây mai trồng ở nơi có độ ẩm cao, đất tốt cây phát triển mạnh thường nở hoa chậm hơn, vì thế phải lảy lá sớm hơn so với những cây trồng ở chỗ cao, thiếu nước, đất cằn cỗi. Đối với những cây mai ghép phải lảy lá riêng từng loại.

Thúc mai nở sớm

Khi đến ngày 23 tháng chạp mà nụ mai chưa nở bung vỏ trấu, vỏ lụa thì đem phơi nắng và tưới nước vào giữa trưa, không tưới vào sáng sớm hoặc chiều tối. Có thể tưới bằng nước nóng 40oC hoặc xịt thuốc Methyl parathion hoặc dùng đèn điện sợi tóc soi sáng ban đêm thúc mai nở sớm, đúng tết.

Trường hợp chưa đến 23 tháng chạp mà hoa mai đã nở bung vỏ lụa tức là đã nở sớm thì nên chuyển cây vào chỗ mát hoặc lấy vải đen trùm cây mai lại và tưới nước vào lúc chiều tối để làm lạnh cây mai. Có thể pha Urê với nồng độ 1g/8lít nước để kích thích cho cây ra lá. Khi cây ra lá nhanh thì hoa sẽ nở chậm độ vài ngày.

Chú ý, khi lảy lá mai, động tác phải nhẹ nhàng, không được nắm tuốt làm gãy, giập mầm hoa. Nên một tay nắm cành, tay kia lật ngược lá lên phía trên cuốn lá sẽ đứt. Sau khi lảy lá mai phải ngừng tưới 1 – 2 ngày, chờ cho nhựa khô mới tiếp tục tưới trở lại.

Bón phân

Ngoài kỹ thuật lảy lá, người ta còn dùng kỹ thuật bón phân để cho mai nở hoa đúng tết và giữ cho hoa lâu rụng. Trước tết 3 – 6 tháng bỏ vào gốc mai loại phân bón lá kích thích ra hoa (như flower 94 và Nitrat Kali (KNO3) giúp cho cây ngậm nụ nhiều và nở hoa đồng loạt. Khoảng 2 tuần trước khi nở hoa (15 tháng chạp) thay vì lảy lá có thể phun hỗn hợp Urê và Nitrat Kali với tỷ lệ 2:1 lên tán lá. Lá sẽ biến màu, khô rụng. Có thể kết hợp thuốc trừ sâu để phòng ngừa sâu bệnh.

Trước khi hoa nở vài ngày, phun các chế phẩm hỗn hợp với nhau gồm Auxin, phân bón lá, chất dính làm tăng hiệu quả hấp thụ hoá chất vào nụ hoa, có tác dụng giúp hoa nở rộ, nụ hoa to hơn, cánh hoa có màu vàng sáng và giữ được lâu hơn. Với kỹ thuật này, lớp hoa trước nở rộ, chưa rụng, lớp sau lại tiếp tục nở, tạo nên cành mai dày đặc hoa rất đẹp không chỉ kéo dài thời gian hoa nở (5 – 12 đối với cành và 7 – 14 đối với cây) mà khi tàn héo cánh hoa sẽ dính vào chùm hoa chứ không rụng.

VQ (theo các báo trong nước)

Các bài khác

Chọn mua và sử dụng ổ USB

Chọn mua và sử dụng máy xay sinh tố

Paracetamol có thể gây nhiễm độc gan

Tác hại của sóng điện thoại di động

Thận trọng với món ăn sò ốc

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: