Cuộc đời Quang Trung là một bài ca tuyệt đẹp. Nhà thơ Ngọc Hân (công chúa – vợ ông) viết:
"Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình".
Đập tan thế lực Nguyễn ở Đàng Trong, đánh bại quân Xiêm xâm lược, giải phóng Phú Xuân, đập tan thế lực Trịnh và cuối cùng đánh bại quân xâm lược Thanh, giải phóng Bắc Hà, Quang Trung đã trở thành vị cứu tinh của dân tộc.
Từ năm 1789 đến năm 1792, trong hơn 3 năm cuối đời, Quang Trung đã có nhiều cố gắng lớn lao trong công cuộc xây dựng lại đất nước. Ông đã đề ra nhiều chính sách nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, phục hồi kinh tế, mở mang văn hoá, phát triển giáo dục…Các chính sách đó được thể hiện tập trung trong 3 văn kiện quan trọng: Chiếu cầu hiền, Chiếu lập học, Chiếu khuyến nông.
Quang Trung đã nhận thức đúng đắn vai trò của nhân tài, trí thức trong việc xây dựng nước nhà, coi họ là tinh hoa của dân tộc và thời đại.
Nguyễn Thiếp, một bậc đại nho người Nghệ An thời Lê – Trịnh, được Quang Trung biết đến không chỉ về đạo đức mẫu mực có ảnh hưởng to lớn, mà còn là bậc thầy nhìn xa thấy rộng về thời cuộc đất nước. Quang Trung đã 3 lần viết thư và cử trọng thần đưa lễ vật hậu đến núi Bùi Phong thuộc dãy Thiên Nhận (giáp giới hai huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh và Thanh Chương, Nghệ An), nơi lập trại canh tác của Nguyễn Thiếp, để mời ông ra cùng lo việc nước. Lúc này, Nguyễn Thiếp đã 65 tuổi.
Trong thư gửi Nguyễn Thiếp với lời lẽ hết sức khiêm nhường, Quang Trung viết: “Nay Phu Tử nghĩ đến thiên hạ với dân sinh, vụt dậy ra đi, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có nhiều người mà cậy. Như thế, mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra người giỏi". Có lẽ, Quang Trung là nhà cầm quyền đầu tiên và duy nhất tôn xưng Nguyễn Thiếp lên bậc Phu Tử. Nguyễn Thiếp không nhận lễ vật mà khéo léo từ chối, lấy cớ tuổi già, ốm đau luôn, và xin đứng ngoài làm cố vấn dự bị.
Tháng ba năm Mậu Thân (1788), Quang Trung ra Bắc lần thứ hai, khi đến Nghệ An nghỉ lại Nghĩa Liệt Thành (ở bờ bắc sông Lam), Quang Trung sai Cần Tín hầu Nguyễn Quang Đại mang thư đến mời Nguyễn Thiếp ra đại bản doanh hội kiến. Cuộc hội kiến diễn ra rất thân mật và thẳng thắn. Quang Trung càng quý trọng tính cương trực của Nguyễn Thiếp. Nguyễn Thiếp không nhận lời ra giúp nước, không nhận lễ vật và khước từ lộc dưỡng lão. Thế mà Quang Trung chỉ ôn tồn kính cẩn, một lòng trọng tài, trọng đức, quyết tâm mời Nguyễn Thiếp ra lo việc nước. Thế mới biết lòng khẩn khoản cầu người tài đức của Quang Trung như thế nào?
Tháng 12 năm 1788, khi Quang Trung kéo quân ra Bắc diệt giặc Thanh, có mời Nguyễn Thiếp đến hỏi về kế sách. Nguyễn Thiếp đã tiên đoán: "Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây, không biết tình hình quân ta yếu mạnh, không hiểu thế nên đánh, nên giữ ra sao? Chúa công đi ra chuyến này, không quá 10 ngày, giặc Thanh sẽ bị dẹp tan!"
Sau chiến thắng Tết Kỷ Dậu (1789), Quang Trung viết thư cảm ơn Nguyễn Thiếp: "Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời tiên sinh quả có thế thật!" Sau đó, Quang Trung viết chiếu mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân để tham gia việc nước (ngày 10 tháng 7 năm Quang Trung thứ tư 1791). Nguyễn Thiếp được giao nhiệm vụ trông coi việc tổ chức thi cử, tìm đất lập đô.
Nhà vua lập Sùng Chính Viện, thỉnh La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Công việc chính của Viện là dịch những tác phẩm có giá trị về đạo đức và văn chương từ chữ Hán ra chữ Nôm để phổ biến trong toàn quốc. Cộng tác cùng Nguyễn Thiếp có nhiều nhà khoa bản triều Lê như Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch…rất sành văn Nôm.
Vào đầu năm Quang Trung thứ năm (1792), Viện đã dịch xong bộ Tứ Thư và Tiểu Học. Nhà vua xuống chiếu sai dịch tiếp các bộ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch…không rõ các bộ này đã dịch xong chưa. Hiện chỉ tìm được bản Kinh Thi Giải An khắc mộc (Theo sách La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hãn).
Trước đó, Nguyễn Thiếp có làm một bản tấu trình bàn về ba việc lớn mà các bậc đế vương cần biết: Bàn về đức vua; bàn về lòng dân; bàn về phép học.
Khi đến tuổi 70, Nguyễn Thiếp xin cáo lui về quê. Và ngày 25 tháng chạp năm Quý Hợi (1804), Nguyễn Thiếp qua đời, thọ 81 tuổi.
Cái cách để Quang Trung đến với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là một biểu tượng tuyệt đẹp của việc thực hiện kính trọng nhân tài.
Quang Trung cũng rất chú ý tới các trí thức – nho sĩ Bắc Hà. Nhiều kẻ sĩ có thực tài đã được Quang Trung trọng dụng như: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Thế Lịch…Bên cạnh các sĩ phu là các võ tướng tài ba như: Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng…Đông đảo trí thức – nho sĩ Bắc Hà đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tây Sơn, biểu hiện nổi bậc ở lòng trung thành, tinh thần tận tụy, ở trí thông minh, lòng cảm phục cao độ đối với người minh chủ mới, bởi lẽ, cái lý tưởng của Quang Trung đã có sức thu hút kỳ diệu:
"Nay mai dọn lại nước nhà
Bia nghè lại dựng trên toà muôn gian".
Ngô Thì Nhậm sau năm tháng lánh nạn “Ngọc tốt giấu kín nơi sâu” đã hồ hỡi ngay từ phút đầu gặp Quang Trung. Còn Quang Trung thì: "Trời để dành ngươi cho ta dùng". Chính Ngô Thì Nhậm đã dùng kế rút quân về Tam Điệp làm bàn cho Chiến thắng mùa Xuân Kỷ Dậu (1789). Và cũng chính những sĩ phu Bắc Hà đã góp phần cải thiện quan hệ với nhà Thanh, xoá đi mối hận thù giữa hai nước. Vua Càn Long nhà Thanh, sau khi đọc tờ biểu do vua Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm thảo, đã tỏ ra rất kính nể và có ý muốn gả con gái cho vua Quang Trung, lấy tỉnh Quảng Tây làm của hồi môn.
Ngô Thì Nhậm giữ chức Thượng thư bộ Binh đã thay Quang Trung thảo các bài chiếu có giá trị lớn về mặt an dân, trị quốc và ngoại giao.
Năm 1791, em Phan Huy Ích là Phan Hữu Trấn nổi loạn chống lại Quang Trung, nhưng bị thất bại, phải trốn đi. Phan Huy Ích dâng biểu tạ tội, nhưng vua Quang Trung vẫn thăng chức cho Phan Huy Ích. Và "Chính phong trào Tây Sơn cùng với công cuộc cứu dân, cứu nước vẻ vang của Quang Trung đã tạo nên một chuyển hướng lớn trong cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Phan Huy Ích".
Ở Phú Xuân, Quang Trung đã tranh thủ được sự cộng tác hết lòng của một danh sĩ nổi tiếng ở Đàng trong là Trần Văn Kỷ, người đã giúp Quang Trung tổ chức bộ máy cai trị và giới thiệu nhiều nhân tài.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, triều đại Quang Trung chỉ tồn tại có 4 năm, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét, nhưng dấu ấn đậm nét hơn cả là chính sách "chiêu hiền trọng sĩ".
|