New Page 1

Số 5 – Quý I – 2005


VĂN HÓA XÃ HỘI

Tết và lễ hội truyền thống các dân tốc ít người ở nước ta

Đồng bào các dân tộc ít người ở nước ta có đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, vừa có bản sắc riêng, vừa có yếu tố chung của nền văn hóa Việt Nam. Trong đó, phong phú nhất vẫn là những ngày Tết và lễ hội truyền thống.

Tết và lễ hội truyền thống các dân tộc ít người nước ta, dù có nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng nói chung, đều có ý nghĩa cầu mong cho hạnh phúc và thanh bình của mọi người, mọi gia đình, đồng thời, là ngày tưởng nhớ tổ tiên và người thân yêu đã khuất.

Tết và lễ hội truyền thống ở nước ta của các dân tộc ít người thường là những ngày hội hè sau mùa gặt hái.

Cùng với dân tộc Kinh, các dân tộc ít người tổ chức Tết mừng năm mới trong năm, ba ngày để tiễn năm cũ đi, mừng năm mới đến với nhiều lễ tiết phong phú. Ngoài việc mời nhau ăn uống, còn có rất nhiều trò chơi như bắn cung, múa kiếm, múa khiên…

Đồng bào Hmông, dân tộc Mèo ở vùng núi cao Hà Giang và Tuyên Quang vui Tết với những bộ quần áo mới sang trọng, đặc biệt là những cô gái mặc quần áo có màu sắc sặc sỡ với những chiếc khăn dù màu xanh chàm. Tiếng nhạc ngựa, tiếng khèn, tiếng khèn môi xen lẫn tiếng hát trong trẻo trên đường đi trẩy hội "Sải sán". Già trẻ, trai gái đều đến bãi cỏ non dưới chân núi để đấu khèn, đánh cầu, bắn súng kíp. Nam nữ hát hò đối đáp nhau thật là đông vui.

Đồng bào Thái ở Tây Bắc có tục lệ cầu mưa và sự bình an cho dân làng. Những ngày đầu xuân, hoa ban nở khắp trắng rừng. Các cô gái đi hái hoa ban với những ước mơ tươi đẹp, hạnh phúc. Những điệu múa xòe, múa quạt, múa sạp rộn rịp.

Đồng bào Tày ở Lạng Sơn, Cao Bằng vui xuân bằng việc tham gia hội " Lòng tòng" trong các bản làng, múa sư tử, đốt pháo, múa rồng và múa "Tăng giảo" (múa xây bịch lúa).

Đồng bào Mường ở Phú Thọ đón xuân có các cô giáo rất hào hứng với tục lệ giã cốm…

Tết mừng xuân của đồng bào Hrê và các dân tộc khác ở Bình Định và Quảng Ngãi kéo dài hai tháng. Họ lần lượt đi từ nhà này đến nhà khác với những món ăn cổ truyền như thịt, rượu cần, bánh…

Ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đồng bào Ba-na… có hội đâm trâu. Anh em thanh niên vây quanh con vật hiến lễ để đâm nó ngã, thể hiện những động tác săn bắn thời xưa, khí thế ra quân hay mừng thắng trận. Lễ đâm trâu được tổ chức rất trọng thể, rất vui. Trước ngày lễ, người ta vào rừng chặt cây gạo về làm cột Blang. Cột Blang của người Tây Nguyên có ý nghĩa như cây nêu ngày Tết của đồng bào dưới xuôi vậy. Mọi người đến dự lễ được mời ở lại ăn uống trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã âm vang vào vách núi.

Lễ ăn cơm mới của người Tây nguyên được diễn ra trong từng gia đình, sau khi thu hoạch xong. Người ta giết gà, lợn, dê, thổi cơm mới và dùng những ché rượu cần làm lễ vật cúng các vị thần, mong cho năm sau mùa màng bội thu hơn.

Tết giọt nước của đồng bào Xơ-đăng ở Gia Lai và Kon-Tum, mọi người nhảy múa xung quanh bếp lửa, gần chỗ thờ cúng tổ tiên, tung vãi cơm xôi và ném vào nhau trong tiếng ca hát, hò reo. Chiêng, trống nổi lên. Họ cầu mong mùa màng sang năm mới tốt hơn, lương thực, thực phẩm thừa thải như trong lễ hội này.

Tết Lia-hôông của người dân tộc Cơ-ho ở Lâm Đồng "mừng khi ánh nắng chói chang của mặt trời đã dịu". Mọi người vây quanh ngọn lửa hồng và kho lúa mới. Khi lễ mừng năm mới bắt đầu, họ đứng vây quanh bồ lúa và vò rượu. Gia chủ cầm cần rượu, mời "thần lúa" cùng bà con vui Tết, vừa ăn uống, vừa hát mừng những lời chúc cho một năm mới tốt lành.

Hội đua voi là ngày hội náo nhiệt, tưng bừng vào bậc nhất ở Tây Nguyên. Hàng trăm con voi cùng đồng bào xa gần lũ lượt kéo nhau về hội thi. Trai gái mặc áo đẹp, vừa múa vừa hát, tiếng chiêng, tiếng tù và tạo nên một không khí hội hè rộn rã, tưng bừng. Nếu như những hội khác còn có ít nhiều pha tạp yếu tố lễ nghi, thì hội đua voi thuần túy là hội đua tài và thượng võ. Đây là dịp những quản voi thi thố lòng dũng cảm và sự nhanh trí, khôn khéo trong việc điều khiển những chú voi khổng lồ thường ngày vốn chậm chạp, nặng nề, chạy như bay đến đích để giật giải.

Tết của đồng bào Xtiêng ở Sông Bé có lễ đâm trâu bằng lao, có các cô thiếu nữ nhảy múa theo chiều chuyển động ngược với chiều quay của kim đồng hồ. Nhịp điệu nhảy múa là nhịp điệu giã cối. Hai đôi nam nữ chưa vợ, chưa chồng đứng giã nhịp và thay phiên nhau. Các cụ già uống rượu, thổi khèn đệm cho dàn nhạc chiêng. Ăn Tết với đồng bào Xtiêng, ta dễ say rượu và thuốc lá, bởi lẽ, đồng bào Xtiêng có quan niệm bình đẳng thật thú vị: cái gì cũng phải bằng nhau, hút thuốc lá, uống rượu cũng phải bằng nhau.

Đồng bào Chăm đạo Islam miền Tây Nam bộ ăn Tết Ha-e-i Ro-y-a rất lý thú với tối giao thừa, tổ chức lễ chạy đàn từ đầu làng đến cuối xóm cho các em nhỏ, vừa chạy vừa hát bài ca tiễn đưa năm cũ, đón mừng năm mới. Mọi người tụ tập tại thánh đường cầu nguyện cho một năm mới tốt lành, sung túc. Sáng mồng Một Tết, mọi người gọi nhau ra sông tắm, thỏa ước mơ-linh, gột rửa cái không hay của năm cũ và đón nhận cái tốt lành của năm mới. Tắm xong, họ ăn mặc rất sang trọng, mang các món ăn ngày Tết và rượu cần đến tập trung ở thánh đường làm lễ và dự tiệc tập thể. Sau đó, họ đi viếng nhau, quên hết những xích mích trong năm và chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.

Tết và lễ hội truyền thống của các dân tộc ít người ở nước ta, bên cạnh nội dung nghi lễ, là những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ phong phú đầy năng động và giàu sức sống trẻ trung.

Văn Luận

Các bài khác

Xông nhà

Năm Dậu nói chuyện gà

Có nên đốt vàng mã

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: