New Page 1

Số 7 – Quý III – 2005


NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN

Hạn chế độc hại của phân hóa học và thuốc trừ sâu, cỏ dại

Cũng như các nước trên thế giới, nước ta đã và đang phải sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, cỏ dại với khối lượng ngày càng lớn. Đó là xu thế tất yếu bởi lẽ phân hóa học và thuốc trừ sâu, cỏ dại có tác dụng quyết định đến 40 – 50% mức tăng sản lượng cây trồng hàng năm.

Vấn đề đặt ra là, cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế mặt độc hại của những hóa chất ấy đối với môi trường sống và sức khỏe con người.

Hiện nay, đã có hàng trăm loại hóa chất trừ dịch hại và phân hóa học đã được đưa vào nước ta.

Theo nhiều nhà nghiên cứu thì trong khoảng hơn 120 hóa chất trừ sâu bệnh thông dụng có tới 90 chất có độc hại, 33 chất gây đột biến di truyền, 22 chất gây dị dạng khuyết tật, 14 chất gây u độc và ung thư cho các loài động vật máu nóng. Nói chung, hầu hết các loại phân hóa học và hóa chất trừ dịch bệnh, cỏ dại ít nhiều đều gây độc cho người và gia súc.

Các loại hóa chất bón trên ruộng được phân hủy trong đất và cả trong cây trồng. Những hóa chất ít bền vững, thời gian phân hủy cũng từ một tuần đến một tháng. những hóa chất bền vững chậm phân hủy, tồn tại trong đất một, hai năm và lâu hơn.

Mỗi loại hóa chất có tính chất hóa, lý khác nhau, gây độc hại cũng khác nhau. Có thể chia làm hai loại: Loại độc mạnh, cấp tính nguy hiểm và loại dần dần gây độc, tích lũy dần, mạn tính cho người.

Nhóm cơ phốt-pho phân hủy tương đối nhanh trong đất, trong cây, trong cơ thể người và động vật…khi bị nhiễm độc nặng, thấy ảnh hưởng rõ rệt đến hệ huyết áp, hệ hô hấp, làm thay đổi chức năng của hệ thần kinh, làm tổn thương đến chức năng bài tiết của thận tới quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Nếu nhiễm độc nhóm clo hữu cơ, sẽ tác động mạnh đến hệ thần kinh, co giật cơ, nhịp tim rối loạn, tiêu hóa cũng vậy.

Ngộ độc cấp tính nặng có thể chết ngay. Ngộ độc mạn tính tuy không thấy ngay, song tác hại lại lâu dài, nhất là khi các chất độc tích lũy dần ở các mô, mỡ, máu, gan, dạ dày, sữa mẹ và nhau thai.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, điều tra ở 19 nước công nghiệp phát triển, hàng năm có tới nửa triệu người bị ngộ độc các hóa chất nói trên.

Hạn chế mặt độc hại của các hóa chất dùng trong nông nghiệp đã và đang trở thành mối quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Nhiều nước hiện nay đã cấm dùng những nhóm hóa chất có độ độc cao trong nông nghiệp, mà chỉ dùng những loại ít độc hoặc độc trung bình, song chính vì thế mà không thể chủ quan để rơi vào trường hợp nhiễm độc dần dần. Mặt khác, nhiều người do không biết những triệu chứng ngộ độc nên còn coi thường những quy định về trang bị, sử dụng phòng hộ lao động.

Hóa chất trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại có độc hại, nhưng nếu chúng ta trước khi sử dụng, trong khi sử dụng và sau khi sử dụng, biết được đặc tính của từng loại hóa chất, tuân thủ thực hiện nghiêm ngặt, nội quy, quy trình, quy phạm bảo đảm an toàn thì hầu hết chúng ta có thể tránh được sư nguy hiểm. Tuyệt đối không được chạy theo lợi nhuận mà tùy tiện làm ẩu, lạm dụng các hóa chất với liều lượng không đúng như quy định để kích thích cây trồng, hoa quả, tạo sản lượng cao.

Biện pháp tối thiểu để đề phòng trước và trong quá trình làm việc là cần ăn no, không hút thuốc lá khi đang tiếp xúc với hóa chất.

Người sử dụng hóa chất phải hiễu rõ đặc tính của chất độc, phải được hướng dẫn tỷ mỉ về các biện pháp phòng ngừa.

Người sử dụng hóa chất bắt buộc phải dùng những trang bị bảo hiểm, phòng hộ lao động như mặt nạ, găng tay, khẩu trang, áo quần riêng, giày, ủng, kính bảo hiểm…

Khi sử dụng, tránh để hóa chất rơi vãi, tránh làm việc và đi ngược chiều gió nơi vùng hóa chất mới phun ra.

Khi làm việc, nếu có hóa chất bắn vào mặt mũi, phải rửa ngay. Nếu hóa chất dính hoặc đổ rơi vào quần áo, phải thay ngay.

Trong quá trình làm việc, nếu thấy người mệt hoặc có hiện tượng lạ thì dừng ngay, cho người khác thay thế.

Sau khi tiếp xúc với hóa chất, phải thay quần áo, tắm rửa ngay. Phải luôn luôn có ý thức phòng ngừa cho mình và người khác. Thực hiện nghiêm ngặt các nội quy về việc bảo quản, pha chế, vận chuyển và sử dụng hóa chất.

Các tổ chức y tế cơ sở cần dự trữ đầy đủ các loại thuốc cấp cứu, phòng bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cần có các loại thuốc đặc hiệu để khi có người ngộ độc có thể cấp cứu ngay được.

Các cấp, các ngành có kế hoạch kiểm tra, khám sức khoẻ định kỳ một, hai lần trong năm cho tất cả những người thường tiếp xúc với hóa chất.

Chính Luận

Các bài khác

Cách nuôi ốc hương thương phẩm

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: