New Page 1

Số 2 – Quý II năm 2003


SỰ KIỆN

Kỷ niệm 114 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2004)
Tư tưởng nhân văn – đạo đức Hồ Chí Minh

Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là toàn bộ những quan điểm, đạo đức và chính trị bắt nguồn từ con người, với nhu cầu được giải phóng, đất nước được độc lập, con người được tự do, hạnh phúc. Đạo đức Hồ Chí Minh là tư tưởng vì con người, cho con người.

Tư tưởng nhân văn – đạo đức Hồ Chí Minh là “sự kết tinh truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam cộng với đạo đức cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân, giai cấp triệt để cách mạng của thời đại có sứ mệnh lịch sử cải tạo thế giới, thiết lập xã hội cộng sản chủ nghĩa trên hành tinh chúng ta”.(1)

Suốt cuộc đời đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến luân lý cách mạng, đạo đức làm người. Người nêu những tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng, và chính Người là một kiểu mẫu về đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm ”Đường cách mệnh” (1927), ở chương đầu, Người nêu “Tư cách người cách mệnh”. Người cũng dành một chương trong cuốn “Con đường giải phóng” để nói về “Tư cách người cán bộ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(2), “sức có mạnh mới gánh được nặng và đi xa, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(3).

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức không phải là một lý thuyết trừu tượng. Nói để mà làm, chứ không phải chỉ để mà nghe, nói ít làm nhiều và lời nói phải đi đôi với việc làm, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đạo đức. Người luôn luôn quan niệm đạo đức cách mạng là suốt đời hy sinh phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Người dạy: ”Trung với nước, hiếu với dân”, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng con người. Đối với bạn bè quốc tế, Người nói: “Quan sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em”. Trong ý thức cũng như trong hành động, Người gắn liền quyền lợi dân tộc với quyền lợi giai cấp lao động, quyền lợi dân tộc với lợi ích quốc tế. Người đã nêu một kiểu mẫu tuyệt vời về mối quan hệ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Tư tưởng nhân văn – đạo đức Hồ Chí Minh còn thể hiện lòng nhân ái cao cả. Lòng nhân ái của Người là sự kết tinh truyền thống nhân ái tiến bộ của dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Lòng nhân ái của Người không phải là lòng thương người siêu giai cấp, trừu tượng, mà là tình thương yêu giai cấp đối với giai cấp vô sản và nhân dân lao động, những lớp người bị áp bức bóc lột. Lòng nhân ái Chủ Tịch Hồ Chí Minh thể hiện bằng hành động cách mạng, đấu tranh xoá bỏ ách thống trị của đế quốc thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Lý tưởng, mục tiêu phấn đấu của Người là hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam và nhân dân lao động thế giới. Tư tưởng nhân văn – đạo đức Hồ Chí Minh hướng tới giải phóng nhân loại cần lao và bị áp bức. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thắm đượm tư tưởng vì nhân dân, vì nhân loại.

Tư tưởng vì con người, vì nhân dân và vì nhân loại của Người là chủ nghĩa nhân văn của thời đại mới. Đặc trưng nổi bật trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là đấu tranh giành tự do cho từng cá nhân, để từ đó, mỗi cá nhân tự khẳng định mình bằng hành động thực tế và tự quyết định vận mệnh của mình trong độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa”(4), và “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh”(5). Người “chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh còn bao hàm lòng khoan dung rộng lớn và cao cả.

Người chắt lọc tinh hoa, tiếp thụ hạt nhân hợp lý từ chủ nghĩa nhân văn phương Đông, phương Tây, hình thành tư tưởng khoan dung đối với tất cả mọi người, trừ bọn cướp nước, kẻ cố ý hại dân, cam tâm phản quốc.

Tấm lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân hậu, bao dung cả với những vị quan lại cũ, những trí thức đã từng tham gia chính quyền bù nhìn. Họ được Người cảm hoá bằng sự khoan dung. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp quanh mình và phát huy tác dụng của những vị vốn là đại thần của Nam triều cũ như cụ Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, cụ Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, cụ Tổng đốc Vi Văn Định… Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dung nạp cả cựu hoàng Bảo Đại mà bản thân và triều đình hư vị của ông ta đã theo mệnh lệnh của thực dân Pháp ký án tử hình (sau giảm xuống thành án tù chung thân) vắng mặt Nguyễn Ái Quốc. Cụ Huỳnh Thúc Kháng nói: “Chí thành năng động, tấm lòng thành của cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi”. Luật sư Phan Anh tâm sự: “Bác không lấy việc tôi đã tham gia chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật làm điều, mà vẫn cho tôi là một trí thức yêu nước và trọng dụng”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân cũng như mỗi cộng đồng đều có ưu điểm, khuyết điểm, mặt tốt, mặt xấu, mặt được, mặt chưa được…, hết sức phong phú, như năm ngón tay dài, ngắn khác nhau, như mấy mươi triệu người Việt Nam “có thế này, thế khác”. Và tuy dài ngắn khác nhau, nhưng cả năm ngón tay đều tập hợp nhau lại thành bàn tay; tuy người thế này, thế khác, nhưng đều là nòi giống Lạc Hồng, ai cũng có ít hay nhiều lòng yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là hiện thân rực sáng của tấm lòng nhân ái, khoan dung, mà còn thường xuyên giáo dục, nhắc nhở những ai có chức, có quyền, đặc biệt chức to, quyền lớn càng phải thương yêu, độ lượng với người dưới, với chiến sỹ.

Di sản tư tưởng nhân văn – đạo đức Hồ Chí Minh để lại là hết sức phong phú, sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn lớn lao. Những nội dung cơ bản của tư tưởng nhân văn – đạo đức Hồ Chí Minh đang được Đảng ta vận dụng và phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì hạnh phúc con người.

 

CHÚ THÍCH:

(1) Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thời đại, Tạp chí Cộng sản, tháng 6 – 1980.

(2) Hồ Chí Minh, Về đạo đức cách mạng – NXB Sự thật – Hà Nội – 1976, tr 30-35.

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập – NXB Sự thật – Hà Nội – 1980, TII, tr 94.

(4)(5) Hồ Chí Minh, Về cách mạng XHCN và xây dựng CNXH – NXB Sự thật – HN 1976, tr 38 – 39 và 44.

Nguyễn Xuyến

Các bài khác

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trần Phú (1/5/1904 – 1/5/2004)
Luận cương Trần Phú- cương lĩnh cách mạng của Đảng và nhân dân ta

Chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4
Những bài học lịch sử từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Mười năm cơ quan Sở Khoa học và Công nghệ

Tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ V Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (Nhiệm kỳ 2004 – 2009)
Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam không ngừng lớn mạnh

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2004)
Chiến thắng Điện Biên Phủ – Sự tích thần kỳ của Việt Nam trong thời đại mới

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam:
79 năm báo chí cách mạng Việt Nam

10 sự kiện nổi bậc của bệnh viện Trung ương Huế năm 2003

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: