New Page 1

Số 2 – Quý II năm 2003


ĐẤT NƯỚC – CON NGƯỜI

Một vài đặc điểm văn hoá Miền Trung (1)

LTS: “Đã gần 50 năm sinh ra và lớn lên ở miền Trung, nhưng tôi chưa bao giờ lý giải nổi sự khác biệt về lối sống, con người vùng đất nghèo khó này so với hai vùng đất ở hai đầu Tổ quốc. Vì vậy, tôi muốn đưa ra phác thảo về đặc điểm văn hoá miền Trung để bạn đọc cùng suy ngẫm”. Đó là lời bộc bạch tự đáy lòng của tác giả bài viết này. Thông tin Khoa học và kỹ thuật xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1) Một miền đất khó sống cũng có nghĩa là nơi dưỡng tồn tính cách không thể dịu dàng. Ta dễ dàng gặp ở chợ, những lời đay nghiến của người bán hàng lúc bị ai đó làm mất “mày xưa”, sợi dây buộc cua biển to hơn cả…cái càng cua, các món ăn cay và mặn đến nghẹn thở…

Tính cách nóng nảy, phân chia thật rạch ròi ranh giới của cái có thể chịu đựng được và cái không thể chịu đựng được; cái khó sống và cái phải sống; cái bất thường của thời tiết, số phận (nghiệt ngã) với cái cần thiết lâu dài làm nên cuộc sống đã tạo ra đặc tính của người miền Trung.

2) Chính yếu tố này đã tạo ra những dấu ấn đặc biệt. Hò Sông Mã, hát giặm, hát ví Nghệ Tĩnh, ca Huế, hò Huế, dân ca Nam Trung bộ và Nhã nhạc cung đình Huế – cả thảy có 7 loại hình, quả là một sự vượt trội so với 4 ở miền Bắc và 1 ở miền Nam(2). Tất nhiên không loại trừ các yếu tố đan xen của văn hoá Chăm pa, Tây Nguyên…đã tạo nên sự cộng hưởng, biến thể và biến thái của miền Trung(3).
Tôi cảm nhận ca dao, dân ca miền Trung không lả lướt, uyển nhẹ như dân ca Bắc bộ, không có cái tôi cô đơn, khắc khoải và sâu thẳm như dân ca Nam bộ nhưng thật da diết và nhiều lắm những trăn trở, những nỗi buồn(4).

Ai về cho em về theo/Ngó truông, truông rậm, ngó đèo, đèo cao.

Rồi mùa hạ tốt rơm khô/ Bạn về quê bạn biết mô mà tìm.

Nghe lời bạn nói đậm đà/Chồng em nỏ (không) phải rứa (thế) mà em thương/ gửi cho đến chiếu đến giường/ gửi cho đến chốn buồn thương em nằm.

Hỡi o (cô) tát nác (nước) bên đàng (đường)/Sao o múc ánh trăng vàng đổ đi.

Ước gì anh hóa ra dưa/ Để em đem tắm nước mưa, chậu (thau) đồng. vv…

Ca dao, dân ca miền Trung không có được nhịp điệu tươi vui như Tình bằng có cái trống cơm hay là điệu nhí nhảnh, rộn rã như Ới con ngựa, ngựa ô. Man mác buồn, nỗi cám cảnh tụ lại thành những tiếng thở dài – đó là giai điệu chính của những câu hò, câu hát.

Tuy nhiên, cư dân miền Trung đã hài hước hoá, thậm chí ở mức độ nào đó đã thô tục hoá cuộc đời thông qua các câu đố hay hò vè. Ví dụ, Quảng Nam có câu đố “Ôm cục thịt nạc đút vô cục thịt lỗ. Tay thì bợ cổ, tay lại vỗ trôn. Lỗ mũi hụm tròn, sướng ơi là sướng”(5). Huế có câu ca dao “Ngày thì quan lớn như thần. Đêm đêm quan lớn tần mần như ma. Bàn tay quan lớn gian tà. Tay xoa cát phẩm, tay sờ hạ chiêu”(6), hay “Đông ba, Gia Hội hai cầu. Có chùa Diệu Đế bốn lầu, hai chuông. Nghệ Tĩnh có câu đố dữ dằn: “Mười thằng vác mẹ đi chôn. Chưa ra đến cửa béc…mồm ra coi”(7).

3) Cuộc sống nghèo khó triền miên làm cho miền Trung – nhất là Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế quanh năm ăn khoai, sắn, cơm với muối, với mè, mắm ruốc (8). Vì vậy, thói ăn mặn gần như trở thành máu thịt, khẩu vị của người miền Trung. Ăn mặn, ăn ít, ăn lấy cảnh những món ăn ngon (bởi đâu có nhiều để mà ăn) là thuộc tính – như cách dùng từ của GS Trần Quốc Vượng hay “Đế vương hoá món ăn dân dã” theo cách nói của GS Phan Ngọc.

Những ngày hè oi bức, thức ăn thì luôn luôn phải dè sẻn, để dành nên phải cho nhiều gia vị cay như gừng, sả, ớt…để khỏi bị ôi, tạo nên thói quen ăn cay.

4) Cái cay đắng của cuộc sống đã tạo nên nhu cầu bứt phá, thay đổi cũng như khả năng chịu đựng đến mức phi thường. Rất nhiều người Thanh Nghệ đã đi theo Nguyễn Hoàng. Không ít người miền Trung đã thành đạt, có tiếng tăm từ cái nhu cầu bứt phá. Sự gan lỳ, ý nghĩ chấp nhận, liều mình đã làm cho miền Trung tự lâu đời là nôi thành công của Lê Lợi, nơi sinh ra của kiêu binh thời Trịnh Nguyễn, bãi chiến trường của nhiều cuộc chiến tranh. Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Trung bộ là nơi đến của vua Hàm Nghi. Càng không ngẫu nhiên miền Trung đã sinh ra những con người mà sự nghiệp của họ gắn liền với cái bất tử như Lê Lợi, Nguyễn Hoàng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Hồng Thái, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Võ Nguyễn Giáp và Hồ Chí Minh…

5) Trong cái dòng chảy của đòi hỏi bứt phá, gắn với nhu cầu thay đổi thực sự của số kiếp con người dưới chế độ phong kiến là sự học. Miền Trung ươm gieo rồi gặt hái, đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài. Bắc Hà nổi tiếng với tầng lớp nho sĩ uyên bác, thâm nho, sâu sắc đến từng câu chữ. Miền Trung có hình ảnh tiêu biểu ông đồ xứ Nghệ. Tất nhiên đi kèm theo đó là cái cười đắng cay, chua chát về cái khổ, cái chịu đựng ghê ghớm qua hình tượng con cá gỗ. Rộng lắm ở miền đất chật lắm – đó cũng là một trong những điều cao ngạo nhiều khi thái quá ở mảnh đất này. Đất miền Trung đã “phát minh” ra nhiều từ ngạo mạn. Huế có từ “chơ mấy”(9). Quảng Trị có từ “vẹ”(10). Nghệ Tĩnh có từ “phút mốt”(11). Đà Nẵng, Quảng Nam có từ “nghe chưa”(12)…Đó là kết quả của sự kết hợp giữa tài năng với sự khốn cùng.

Thật tiếc là tôi không thể ngẫm suy hơn nữa về miền Trung, nhưng xin mạo muội công thức hoá những đặc điểm văn hoá miền Trung thành 5 tam hợp:

3B: Buồn, bực, bức. Nghèo khổ là nỗi buồn ám ảnh nhất, gay gắt nhất. Vì thế con người miền Trung luôn là con người dễ cáu gắt, bực tức. Sống trong sự đe doạ thường trực, người miền Trung chịu ảnh hưởng bức bối thường xuyên. Nhu cầu đột phá và khả năng bị stress rất cao.

3C: Cay, chậm, chắc. Ăn cay thì khỏi phải bàn. Nhưng cay cú là cái đáng bàn. Máu ăn thua là một thuộc tính bản chất. Vì khó thay đổi được kiếp người nên sự uể oải, chậm chạp, rề rà là khá phổ biến (Huế là điển hình). Người miền Trung khó thay đổi nhanh nếp sống, cách sống nên họ thích “ăn chắc, mặc bền”.

3K: Khó, khổ, keo. Sự khốn khó và nỗi khổ vẫn mãi mãi là một ám ảnh lâu dài. Cho dù đất nước có phát triển thì sự thua kém của miền Trung với miền Nam, miền Bắc là điều khó thay đổi. Đà Nẵng là vùng đất ngoại lệ. Cái thiếu muôn đời đã làm cho người miền Trung rất thích câu ngạn ngữ “vắt cổ chày ra nước”.

3M: Mặn, mót, méo. Ăn mặn và thích ky cóp tất cả những gì có thể là bản năng của sự sinh tồn. Vì luôn phải đối chọi với những hoàn cảnh bất thường nên người miền Trung hay có những cách nghĩ và cách làm thái quá. Sự méo mó về tư duy, tình cảm là đặc tính khá phổ biến (kể cả những tài năng như Hồ Xuân Hương, Hàn Mặc Tử…).

3N: Nóng, nặng, nồng. Cái nóng là phạm trù bất biến. Giọng nói nặng là điều “miễn góp ý”. Không ai nói lời tỏ tình “hay” như các cô gái có giọng nói Nghệ Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên! Nhưng sự nồng nàn, hết mình là một đặc tính tuyệt vời của những người con gái miền Trung.

Huế, ngày cuối năm 2003.

CHÚ THÍCH:

(1) Chủ yếu ở vùng Bắc Trung bộ và phần phía bắc trung Trung bộ. Tác giả chân thành cảm tạ những gợi ý của nhà xã hội học Nguyễn Duy Hới, trường Đại học Khoa học Huế.

(2) Bắc bộ có Hát rống quân; Hát xảm; Hát quan họ; Hát ghẹo Phú Thọ. Nam bộ có Dân ca Nam bộ. theo Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh; in lần thứ 9;2002.

(3) Một trong những nhà nghiên cứu xuất sắc, GS Từ Chi, đã khẳng định chiếc bánh lá Huế ra đi (hay ra đời) từ péng là Mường.

(4) Chỉ trích dẫn những câu mà người viết cho rằng có xuất xứ khá đích thực từ miền Trung.

(5) Dùng chiếc đũa tre (thịt nạc), đâm vào cái lỗ của trái dừa rồi bê uống.

(6) Vũ Ngọc Phan, sdd; tr. 206.

(7) Có người tục tĩu hơn nữa. Đây là câu đố về việc đem một nắm rơm đi xin Lá (lửa). Bỏ vài hòn than vào đó, ra khỏi cửa là phải vạch rơm ra rồi thổi phù phù…

(8) Phổ biến ở một quá khứ không xa lắm. Chẳng hạn tôi và sinh viên thực tập đã phải ăn cơm với muối trộn hạt ớt nhiều ngày liền ở Hải Lăng, Quảng Trị (năm 1984). Tất nhiên bây giờ đã khác lắm rồi.

(9) Mua nhà hết vài trăm cây chớ mấy.

(10) Tau vẹ mà mi không nghe.

(11) Chuyện nớ tau làm phút mốt. Một phút và một … giây?

(12) Em kể… nghe chưa; em nói…nghe chưa…

Hà Văn Thịnh, Đại học Khoa học Huế

Các bài khác

Sự nghiệp của Đặng Tất, Đặng Dung với vùng đất Thuận Hoá trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh đầu thế kỷ XV

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: