Cho đến bây giờ, trong trí nhớ của chúng tôi, những người đã từng sống, học tập và chiến đấu trải qua các cuộc chiến tàn khốc, vẫn văng vẳng những ca khúc quân hành hùng tráng, một thời “Át tiếng bom rền”
Ở độ tuổi trăng tròn, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn bè chúng tôi tụm năm tụm bảy bàn bạc với nhau viết đơn tình nguyện nhập ngũ để được trở thành “Anh bộ đội cụ Hồ”. Ngay cả đến các bạn nữ sinh cũng náo nức lắm. Các bạn đó trải hộ tấm lòng chúng tôi bằng những giai điệu trữ tình ngọt ngào tha thiết: Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân/ Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam yêu thương, nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ…(Bài ca hy vọng – Nhạc và lời của Văn Ký). Đặc biệt, tôi còn nhớ như in thầy giáo dạy Toán của chúng tôi hồi đó là thầy giáo Hồ Đăng Vu, quê gốc Huế, thường hát cho chúng tôi nghe ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương – “Bình Trị Thiên khói lửa”. Giọng thầy trầm ấm thiết tha “Hướng về Nam! Ai từng vô sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi, Nong/ Hướng về Nam! Ai đã vô Đông Hà, đi qua Hồ Xá…/Đồng bào ơi! Cùng Bình – Trị – Thiên đứng lên!/ Đứng lên ta giết hết loài lang sói…/Bình – Trị – Thiên ôi miền thương mến/ Có ai xuôi về cho ta nhắn thương yêu”. Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Lớp thanh niên chúng tôi nhộn nhịp, tấp nập chuẩn bị lên đường vào bộ đội. Để được trúng tuyển, đứa thì khai man thêm tuổi, đứa thì cho đá vào quần cho thêm nặng ký. Khúc quân hành vang vọng chốn học đường hàng ngày là: Miền Nam kêu gọi ta/ Vượt Trường sơn bay vọng ra/ Ôi tiếng quê hương nhà thúc giục chúng ta…Niềm vui nào bằng niềm vui của chúng tôi khi được khoác lên vai tấm áo của người chiến sĩ. Cũng từ đó, con đường chúng tôi đi là con đường dài theo đất nước: “Đường tôi đi, núi chênh vênh có mây bay dưới chân giăng thành/ Đời tôi như những con thoi dệt tình yêu quê hương đất nước! Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường sơn…” (Đường tôi đi dài theo đất nước – nhạc và lời của Vũ Trọng Hối) và cứ thế “Ta đi nhằm phương Nam, gió ngàn đưa chân ta về quê hương/…/Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết/ Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình…” (Bước chân trên dải Trường sơn – nhạc Vũ Trọng Hối, lời Tào Mạt).
Sinh thời, Đại tá Hồ Trọng Tuyến, nguyên Chủ nhiệm bộ đội thông tin B3, những người có mặt sớm nhất trong những ngày tháng tiến về Sài Gòn để quét sạch giặc thù, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tâm sự: Thời trai trẻ của tôi gắn liền với những bước quân hành trong suốt 30 năm đánh giặc. Cuộc sống trong những năm chiến tranh phải nói là cực kỳ gian lao, vất vả: nhưng cùng với “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”, cùng với những cơn sốt run người vầng trán ướt mồ hôi, trong các nhịp bước quân hành hay thậm chí cả những lúc xung trận; chúng tôi vẫn mang theo thứ hành trang tinh thần không thể thiếu được bên mình: Đó chính là những khúc ca “Vì miền Nam” hùng tráng: “Đêm nay ta đi Trường sơn lộng gió/ Trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa/ Đi, ta đi tung cánh đại bàng/ Vang khúc nhạc hùng giải phóng miền Nam/Giải phóng miền Nam!” (Bài ca Trường sơn – nhạc Trần Chung, lời thơ Gia Dũng). Chiến dịch nối tiếp chiến dịch, chúng tôi vẫn đêm ngày hành quân ra mặt trận với quyết tâm đánh cho kẻ thù tan tác, đánh cho đến khi phố phường, làng bản được yên vui. Thật đẹp sao, trong những cuộc hành quân dồn dập ấy, bên cạnh những ca khúc hùng tráng, những người lính vẫn dành cho mình một khoảng lặng bình yên để mơ về những “Chiếc vòng cầu hôn”: Vòng tay cầu hôn tình yêu của em, lung linh trên cao vầng trăng dịu êm…Nhưng trái tim người lính lúc ấy đã quyết gác tình riêng để vì quê hương, đất nước, vì miền Nam phía trước, để rồi chỉ ngắt những cành hoa sim, những nhánh lan rừng gửi về cho em gái hậu phương: Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa sim giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong. Sắc hoa sim yêu thương trong lòng người lính trẻ…Vâng, đó là những nỗi nhớ nhung, tình yêu thương cháy bỏng, mãnh liệt sâu sắc nhưng đầy kiêu hãnh, bởi đó là những “Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt, chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời, chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”. Vậy đó, trong đêm Trường sơn, những người lính thường ca vang ca khúc: “Trường sơn ơi! cho dẫu hiểm nguy bền tâm vững chí trong bước đi nghe tiếng đồng quê, nghe gió reo, bờ tre gốc lúa/ nghe tiếng người mến thương vẫn dặn dò: Giữ vững truyền thống của đất nước (ơ…ơ) Trường sơn ơi…” (Chiếc gậy Trường sơn – nhạc và lời Phạm Tuyên). Chín năm đánh Pháp, 21 năm đánh Mỹ, hơn 30 năm trên “Đường chúng ta đi”, đêm ngày vẫn luôn tha thiết tiếng gọi: “Miền Nam ơi! Miền Nam!…ta sẽ đến nơi đâu còn giặc/ Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên/ Miền Nam! Miền Nam…” Mùa xuân năm 1975, trên khắp ngã đường tiến về Nam, trong đội ngũ điệp trùng đó lại vang lên lời ca thôi thúc “Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây…Tiến về Sài Gòn ta quyết diệt giặc thù, tiến về Sài Gòn, giải phòng thành đô…”. Ngày 30-4-1975, trong niềm vui khao khát trăm năm mãi đợi chờ, giữa một rừng người, một rừng cờ, một rừng hoa đỏ vang lên lời ca náo nức, vui tươi: Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá, trỗ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà…/Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh…Ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào…Mùa xuân năm 1975, trời xanh cao lồng lộng, trong niềm vui đại thắng, những người con đất Việt vẫn luôn thấy hình bóng Bác kính yêu. Đâu cũng rộn lên ca khúc: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Vâng, lời Bác năm nào đã trở thành chiến thắng huy hoàng. Có mùa xuân nào vui hơn mùa xuân Bắc – Nam sum họp!
Hàng chục năm trôi qua, nhưng những ca khúc hào hùng vẫn mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Giờ đây, dù đã “quá niên trạc ngoại ngũ tuần” rồi, nhưng mỗi khi nghe ai đó cất lên: “Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến sĩ/ Ta ca vang Điện Biên qua tháng ngày…/ Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng/ Ta yêu sao làng quê non nước mình…” là lòng chúng ta lại rưng rưng cảm động. q
|