New Page 1

Số 9 – Quý I – 2006


DIỄN ĐÀN

Một số tư tưởng cơ sở trong xây dựng luật về hội



1. Một trong những đặc điểm cơ bản của các hội, tổ chức nhân dân là sự liên kết, hoạt động trên cơ sở tự nguyện giữa các thành viên. Về vấn đề này, chính sách khuyến khích sự phát triển của xã hội dân sự đã được ghi nhận chính thức trong Nghị quyết của Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam với chủ trương: “mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân tham gia các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp, văn hoá, hữu nghị từ thiện – nhân đạo ”. Từ đó có thể thấy quan hệ pháp lý phát sinh do sự hình thành và hoạt động của hội – là đối tượng điều chỉnh của Luật về Hội, mang tính chất tư (riêng tư) và chủ yếu tuỳ thuộc vào ý chí, nguyện vọng và khả năng của cá nhân (hoặc tổ chức) hội viên. Chính vì vậy vai trò của Nhà nước đối với các hoạt động của hội chỉ nên giới hạn và không mang tính áp đặt hay can thiệp quá sâu, còn Luật về Hội chỉ định ra những khuôn khổ pháp lý chủ yếu, nhằm tạo dựng một môi trường pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hội, đồng thời đảm bảo cho hội không hoạt động trái với lợi ích chung của xã hội

2. Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam, tại Điều 69 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Như vậy, hoạt động của hội, của các tổ chức nhân dân là Quyền Hiến định. Mọi quy định pháp luật được soạn thảo và ghi nhận trong các bộ luật, đạo luật hay bất kỳ một văn bản pháp luật nào khác đều không được mâu thuẫn với tinh thần và lời văn của Điều luật Hiến pháp. Vì thế, các nhà soạn thảo luật có nghĩa vụ cụ thể hoá quyền này bằng những quy định cụ thể theo hướng tạo nên một môi trường pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động của hội. Những quy định Pháp luật có nội dụng hạn chế, hoặc làm thu hẹp khả năng thực hiện Quyền tự do lập hội (nếu không vì những lý do về an ninh quốc gia, lý do làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và tự do của người khác, những lý do khác do luật định), thì có thể bị coi là những quy định vi phạm Hiến pháp và trở nên vô hiệu.

Trong điều kiện Việt Nam chưa có Toà án Hiến pháp, thì UBTV Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật có thể xem xét tính hợp hiến của một văn bản pháp luật.

3. Quyền tự do lập hội là một trong những Quyền cơ bản của con người, được hầu hết các quốc gia trên thế giới trịnh trọng công nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền Con người năm 1948. Nhà nước Việt Nam cũng đã chính thức tham gia Công ước Quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966. Điều này có nghĩa là việc soạn thảo và ban hành Luật về Hội chính là việc thi hành nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực tôn trọng và bảo vệ Quyền con người.

4. Những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định, trong đó có quyền lập hội, có nghĩa là dù có luật hay chưa có luật thì các hình thức tổ chức hội như các câu lạc bộ, trung tâm, một số hội như hội đồng hương, hội bảo thọ, hội khuyến học…vẫn được Nhà nước mặc nhiên công nhận mà không cần quan tâm đến “tư cách pháp nhân” của nó, bởi lẽ những nội dung hoạt động của các tổ chức này hoàn toàn dựa trên cơ sở thoả thuận tự nguyện. Tuy nhiên, một hội có tư cách pháp nhân, nghĩa là được Nhà nước chính thức công nhận, là điều kiện pháp lý quan trọng để hội có thể tham gia các quan hệ về hành chính, dân sự, kinh tế…Luật về Hội cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về những điều kiện, tiêu chí của tư cách pháp nhân của hội. Tư cách pháp nhân chỉ cần thiết đối với hội như một sự công nhận chính thức từ phía Nhà nước, và là điều kiện pháp lý để thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế, hành chính…mà thôi.

5. Thực tiễn xã hội công dân của Việt Nam hiện nay rất đa dạng. Có các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức cộng đồng, tổ chức phát triển, tổ chức khoa học công nghệ…Trong số những tổ chức này, các tổ chức chính trị – xã hội có vị trí chính trị đặc biệt, là những tổ chức lớn, có quy mô hoạt động ở tất cả các cấp hành chính – lãnh thổ, được hỗ trợ kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, có lịch sử hoạt động vẻ vang. Tuy nhiên, xét dưới những tiêu chí cơ bản của thiết chế thuộc xã hội công dân, các tổ chức này về mặt hình thức cũng giống như các tổ chức nhân dân, các tổ chức phi chính phủ khác. Đây cũng là những tổ chức nằm ngoài bộ máy Nhà nước với những tiêu chí của “Hội” như là: hoạt động trên cơ sở tự nguyện ý chí của các thành viên, không vì mục đích lợi nhuận, vì lợi ích của thành viên và vì lợi ích công cộng…Do vậy, việc để các tổ chức chính trị – xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật về Hội sẽ tạo nên sự bình đẳng về mặt pháp lý giữa các tổ chức trong xã hội dân sự.

Với đối tượng là người nước ngoài, việc công nhận cá nhân cũng như tổ chức nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật về Hội có thể được hiểu là: người nước ngoài, tổ chức nước ngoài cư trú, hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, cũng có quyền hội họp, lập hội, tham gia hội như các thể nhân, pháp nhân Việt Nam. Đây cũng là nguyên tắc phổ biến ở các nước hiện nay, được áp dụng với người nước ngoài trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

6. Mối quan hệ giữa hội, các tổ chức nhân dân với Nhà nước phải là mối quan hệ bình đẳng. Luật về Hội phải quy định rõ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa hội với công chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo Luật Khiếu nại, thông qua Toà án). Vấn đề quản lý nhà nước chuyên ngành với hoạt động của hội cũng cần được quy định cụ thể: Quản lý theo Giấy phép hoạt động chuyên ngành? Quản lý theo kiểu cơ quan chủ quản? Quản lý theo pháp luật ?… Nhà nước thực thi chức năng cảnh giới sự tuân thủ pháp luật của hội, giám sát hoạt động của hội, đảm bảo sao cho hoạt động của các tổ chức này trở nên có trách nhiệm và minh bạch đối với cộng đồng, xã hội và đối với chính ngay các thành viên của hội. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là những hạn chế theo quy định của Điều 22, Khoản 2, Công ước về các quyền chính trị và dân sự năm 1966 cần phải được thể hiện một cách cụ thể rõ ràng, minh bạch, giảm thiểu tối đa sự tuỳ tiện khi giải thích và áp dụng điều luật.

Thực tiễn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cho thấy tính đa dạng về hình thức tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội đã và đang phát huy tối đa các nguồn lực xã hội. Sự tham gia của các tổ chức xã hội vào những công việc, lĩnh vực mà Nhà nước đang thực hiện có thể được coi như một sự chia sẻ gánh nặng trách nhiệm từ Nhà nước sang cho xã hội dân sự. Nhận thức được tầm quan trọng và khả năng đóng góp của các tổ chức xã hội, Nhà nước Việt Nam có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện xã hội dân sự tham gia công việc nhà nước.

Khi xây dựng Luật về Hội cần quán triệt và thể hiện rõ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ta đối với hội.



Nguồn: Vusta.org.vn, 30/11/2005

Luật sư, TS Luật học Hoàng Ngọc Giao

Các bài khác

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: