New Page 1

Số 9 – Quý I – 2006


VĂN HOÁ – XÃ HỘI

Bác Hồ ăn Tết xứ người

Ngày 5-6-1911, Bác Hồ rời bến Nhà Rồng, Sài Gòn, ra đi tìm đường cứu nước.

Lần đầu tiên, Bác Hồ ăn Tết xa quê hương tại nước Mỹ. Vào ngày 15-12-1912, tức là ngày 7 tháng giêng năm Nhâm Tý, Bác Hồ đang ở Niu-Oóc “đi ở cho người ta ở Bruchlin với lương tháng 40 đôla”. Trên đất khách quê người, mùa xuân vất vả năm ấy, Bác Hồ vẫn dành thời gian rảnh rỗi để học tập, đi xe điện ngầm tới thăm “khu Hác-lem” của người da đen và nhiều khu vực khác ở Niu-Oóc.

Năm 1914, Bác Hồ đón giao thừa ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh. Tháng giêng năm Giáp Dần ấy, Bác đến làm thuê ở khách sạn Draytơn Coốc, rồi sau đó là Cáclơtơn…

Năm 1918, Bác Hồ đón Tết Mậu Ngọ tại Pa-ri, thủ đô nước Pháp. Khoảng rằm tháng giêng năm Tân Dậu (1921), lúc này Bác đã mang tên là Nguyễn Ái Quốc, được Bộ trưởng thuộc địa Pháp An-be Xa-rô gọi đến đe dọa. Đây là mùa Xuân thứ 10, Bác Hồ xa quê hương.

Ngày 1-2-1922, tức ngày mồng 5 Tết, ngày kỷ niệm nghĩa quân Tây Sơn đại thắng quân Thanh, Bác Hồ đã hoàn thành việc chuẩn bị cho ra đời tờ báo Le Paria và khai bút viết bài kêu gọi mua báo Le Paria “tờ báo vì lợi ích của công lý và tiến bộ…”

Mùa xuân năm Quý Hợi (1923), Bác Hồ cùng đồng bào người Việt sống ở Pa-ri đón mừng năm mới.

Khoảng một tháng trước Tết Quý Hợi, sau cuộc họp Hội liên hiệp thuộc địa tại trụ sở báo Le Paria ở số 3 phố Mác Sê Đờ Pa-tri-ác-sơ, Bác đã gửi hai người bạn đồng hương được Bác giác ngộ là Nguyễn Văn Ái và Trần Tiến Nam ở lại bàn việc tổ chức Tết Nguyên đán với điều kiện chi phí mỗi định suất trong bữa tiệc đón xuân không được quá 10 franc Pháp.

Trước Tết nửa tháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Trần Tiến Nam, Nguyễn Văn Ái…đã họp bàn việc tổ chức Tết Nguyên đán, và đi đến nhất trí: Tán thành quyết định do Nguyễn Ái Quốc với tư cách là người lãnh đạo tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước đưa ra ngày 12 tháng 01 năm 1923. Tiệc trà sẽ được tổ chức vào tối ngày 17 tháng 02 tại hiệu ăn U-ni-vec-xi-tê, phố Pi-e Qui-ri, với hai nội dung vừa là đón Tết Nguyên đán Quý Hợi, vừa là để công bố sự hoạt đông trở lại của Hội Ái hữu do hai nhà chí sĩ là Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường tổ chức hơn mười năm trước đó (năm 1914, hai ông bị bắt, hội tan rã luôn).

Trong buổi họp trên, Nguyễn Ái Quốc đề nghị luật sư Phan Văn Trường chủ tọa buổi tiệc trà và mọi người cùng dự họp quyết định sẽ in 100 thiếp mời và sẽ đặt tiệc trước 50 suất.

Năm Quý Hợi đó, theo dương lịch, ngày mồng một Tết là ngày thứ sáu (ngày 16 tháng 02). Đa số Việt kiều là dân thợ thuyền làm nghề bồi bếp và phục vụ, hoặc nghề tự do, chỉ có một số ít là công chức hoặc sinh viên. Để khỏi ảnh hưởng đến công việc làm ăn, bữa tiệc đón mừng năm mới được chuyển sang tối mồng hai Tết, tức tối thứ bảy ngày 17-02-1923.

Mùa xuân năm Giáp Tý (1924), Bác Hồ bí mật sang Nga, ở trong khách sạn Lux, số 10 phố Tvecskaia, Mát-xcơ-va, những mong gặp Lê-nin, thì Lê-nin đã qua đời. Tết năm ấy, dưới trời tuyết lạnh, Bác Hồ tay chân lạnh cóng, áo không đủ ấm, xúc động, lặng lẽ tiễn biệt Lê-nin. Đây là mùa xuân đầu tiên Bác Hồ ở Liên Xô.

Tết Ất Sửu (1925), Bác Hồ với tên mới là Vương, là Lý Thụy…đã đón giao thừa ở Quảng Châu, Trung Quốc, mở lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước Việt Nam “gieo mầm cách mạng cho Tổ quốc Việt Nam”.

Ngày mồng một Tết Bính Dần (1926), Bác Hồ khai bút viết thư gửi đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, đề nghị gửi tài liệu để phục vụ tập san “Nông dân” sắp ra mắt. Mồng hai Tết năm ấy, Đoàn chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Quốc dân Đảng Trung Quốc đã mời một nhà cách mạng Việt Nam tên là Vương Đạt Nhân đến phát biểu ý kiến. Vương Đạt Nhân đã tố cáo thực dân pháp đàn áp nhân dân Việt Nam, phá hoại cách mạng Trung Quốc…và kêu gọi: “Cùng nhau liên hiệp lại, không phân biệt nước nào, dân tộc nào…Tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung…” Vương Đạt Nhân ấy chính là Nguyễn Ái Quốc, là Bác Hồ của chúng ta.

Mùa xuân năm 1927, Bác Hồ chủ trương ra tờ báo “Lính cách mệnh” nhằm mục đích tuyên truyền giác ngộ binh lính Việt Nam, xuất bản tại Quảng Châu. Sau đó ba tháng, Bác Hồ rời Trung Quốc trở lại Liên Xô.

Tết năm 1928, Bác Hồ ăn Tết với những bát cháo và bánh mì rẻ tiền tại một cửa hàng ăn của công nhân Béc-lin.

Từ năm 1934 đến năm 1938, năm mùa Xuân trên đất Liên Xô, Bác Hồ chỉ học, đọc sách, dịch tài liệu cho Phòng Đông Dương của Viện Các vấn đề dân tộc thuộc địa.

Tháng 10-1938, Bác Hồ từ Liên Xô trở lại Trung Quốc. Giữa năm 1940, xe tăng của phát xít Đức tràn vào Pa-ri, và ngày 20 tháng 6 năm 1940, nước Pháp đầu hàng.

Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, qua nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Bác Hồ về đến Tổ quốc vào mùa Xuân Tân Tỵ – ngày 8-2-1941 – để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

“Bác về đây, Tổ quốc ơi

Nhớ thương hòn đất, ấm chân người.

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ,

Mà đến bây giờ, mới tới nơi”


(Tố Hữu)

Nhớ buổi Bác về 65 năm trước, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

“Nở trắng hoa kim anh trên biên giới, Bác về

Xa nước ba mươi năm, một câu Kiều, Người vẫn nhớ

Mái tóc bạc đã phai màu quá nửa

Lòng son ngời như buổi mới ra đi”


Pác Bó, thay mặt Đất mẹ, đón Người con vĩ đại nhất của dân tộc, sau 30 năm xa cách, lần đầu tiên vui Xuân trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc.

“Ôi sáng Xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về…Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ”.


(Tố Hữu)


Chính Luận

Các bài khác

Tiền mừng tuổi của Bác

Cồng chiêng Tây Nguyên – Kiệt tác di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại

Chuyện hai con chó của Cụ Phan Bội Châu

Phục hồi tranh tường cổ

Chén rượu của Bác Hồ

Thành lập Bệnh viện Mắt Huế

Thành lập Trường Cao đẳng Y tế

Thành lập Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế

















 






New Page 1

Chọn chuyên đề

Chọn bản tin: