Nếu Quý vị có điều gì cần tư vấn về khoa học công nghệ, xin vui lòng đặt câu hỏi tại đây. Vui lòng bấm vào câu hỏi để xem nội dung trả lời.
Cây Cao su…
admin – 11/10/2008


Hỏi: Cây Cao su bắt đầu thu hoạch năm đầu tiên có hiện tượng chết khô từng đám (2,3 cây gần nhau), nhìn từ trên ngọn xuống dọc thân có nhựa chảy ra nhiều, từ dưới đất lên khoản 01m đôi cành vẫn còn sống đó là bệnh gì? nên xử lý như thế nào?

Đáp:Bệnh hại trên thân cành cây cao su có nhiều loại và nhiều nguyên nhân khác nhau, đôi khi cùng một triệu chứng nhưng là tổng hợp của nhiều tác nhân gây hại, cần phải quan sát kỹ trên hiện trường, lấy mẫu kiểm tra mới xác định đúng bệnh và có biện pháp xử lý thích hợp. Với các triệu chứng mà bạn nêu khả năng cây cao su bị bệnh khô cành khô ngọn hoặc bệnh nấm hồng gây hại, chúng tôi xin giới thiệu về hai bệnh này để bạn tham khảo và áp dụng trong sản xuất.

 

1. Bệnh khô cành khô ngọn:

Nguyên nhân:

– Do hậu quả của các bệnh: bệnh héo đen đầu lá, bệnh xì mũ cao su, bệnh phấn trắng hại lá, bệnh rụng lá mùa mưa…

– Do yếu tố môi trường: lạnh, nắng hạn, thiếu dinh dưỡng hoặc những tác nhân khác giống, địa hình).

Triệu chứng: Chồi bị rụng lá, có những đốm nấu đến đen trên vỏ còn xanh. Sau đó lây lan xuống dưới và phần bị nhiễm chết khô. Nếu vết bệnh không được xử lý có thể gây chết chồi hoặc toàn bộ cây.

Phòng trị: Khi cây bị bệnh, cưa dưới vết bệnh 10-20cm dùng vaseline bôi một lớp mỏng tại vị trí cắt. Nếu chồi đã hoá nâu dùng dung dịch nước vôi 5% quét toàn bộ thân để tránh sự xâm nhập của nấm bệnh và nhiệt độ.

 

2. Bệnh nấm hồng:

-Bệnh do nấm Corticium Salmonicolor gây hại, thường tấn công phần thân nơi phân cành chính.

-Bệnh thường gây hại ở các vườn cây từ 3-12 năm tuổi, nặng nhất lúc 4 – 8 năm tuổi trong điều kiện mùa mưa bệnh lây lan rất mạnh, mùa nắng thì bệnh ngưng phát triển nhưng vẫn tồn tại mầm bệnh trên cây nếu không phòng trị đúng mức.

-Triệu chứng dễ nhận thấy là hiện tượng nứt vỏ, mủ chảy dọc thân cây, đông đặc thâm đen. Tại vết bệnh xuất hiện các sợi nấm mọc như mạng tơ nhện, lúc đầu có màu trắng sau đó ngả sang màu hồng. Vết bệnh thường kéo dài lên phía trên khoảng 1m và lây lan qua các cành khác ở trên cao. Nếu quan sát thấy vết bệnh chuyển sang màu hồng thì lúc đó đã rất nặng, phía trên vết bệnh đã bị chết lá khô rụng, gây nên tình trạng cây cụt ngọn. Nếu bệnh nhẹ thì có thể làm mất sản lượng mủ từ 25 – 30%, nếu nặng có thể lên đến 60 – 70%.

 

Phòng trị:

+ Nên cắt tỉa bớt các cành ngang không cần thiết, cành bị bệnh đem tiêu huỷ, khai thông mương rãnh thoát nước,…

+ Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp cây bị bệnh chữa trị kịp thời để ngăn chặn khả năng lây lan. Sử dụng các loại thuốc đặc trị nấm hồng như Validan 5DD với nồng độ 1-2 %, Validamycine (Validacin 5L, Vanicide 5SL) nồng độ 1,2%, hexaconazole (Anvil 5SC, Callihex 50SC) nồng độ 0,5% các loại thuóc trên cần phối hợp với chất bám dính nồng độ 1%, phun bằng bình phun đeo vai có vòi nối dài với chu kỳ 10-14 ngày /lần cho đến khi cây khỏi bệnh. Sau khi phun, phải kiểm tra đánh dấu cây bệnh để xử lý lại nếu cây chưa khỏi. Ngưng cạo những cây bị chết tán và cây bị bệnh nặng, vào mùa khô tiến cành cưa cắt cây cành bị chết và đưa ra bìa lô để đốt.

*Chú ý:

Khi phát hiện bệnh nên báo sớm cho các cơ quan chuyên môn để có hướng dẫn xử lý:

– Phòng trồng trọt Sở NN&PTNT  Thừa Thiên Huế (ĐT: 054.848509);

– Phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến Nông, Lâm, Ngư tỉnh Thừa thiên Huế (ĐT: 054.516930);

– Chi cục BVTV tỉnh Thừa Thiên Huế (ĐT: 054.864420).

 

Các bài viết khác: