Cây mắt mèo phát triển nhanh trở lại

Thời gian trở lại đây, tại Thừa Thiên Huế cây mắt mèo đã phát triển nhanh chóng và lan nhanh trở lại. Đây là một loài cỏ dại nguy hiểm hàng đầu, nằm trong danh sách 100 loài sinh vật lạ xâm lấn của thế giới (theo IUCN -Tổ chức Bảo tồn thế giới) và từng trở thành dịch hại ở các nước châu Phi, châu Đại Dương và Đông Nam châu Á. Dưới các bụi cây mắt mèo, hầu như không có loài cây nào khác sinh sống được; gia súc, động vật hoang cũng tránh đi xuyên qua các bụi cây có gai sắc và độc này; đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản bị chúng xâm lấn nhanh chóng bị giảm diện tích canh tác và năng suất nuôi trồng.

Theo PGS,TS Lê Văn Thăng – Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Công nghệ sinh học (Đại học Huế), cây mắt mèo có nhiều tên gọi khác nhau như: trinh nữ trâu, trinh nữ nhọn, trinh nữ gỗ, trinh nữ móng rồng, cây gai nhọn, cây nhạy cảm, cây mai dương, cây run rẩy, cây hiểm độc…Tên khoa học là mimosa pigra, thuộc họ đậu (Fabaceae), có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ. Đây là một loài cây bụi có thân gỗ, mọc cao đến 2m, tạo thành những bụi cây rậm rạp, cành vươn dài và chịu được gió mạnh. Thân cây tuy không lớn nhưng có hàng chục chùm quả đầy lông tơ, có dạng gần giống chùm quả đậu ván nhưng dài hơn và nhiều hạt hơn.

Tại Thừa Thiên Huế, cây mắt mèo hiện đang tiếp tục phát triển khá mạnh tại thị xã Hương Thủy, các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và thành phố Huế. Chúng len lỏi trên các triền sông, hai bên đường lộ, bờ ruộng, vườn nhà gây hiểm họa khôn lường chẳng khác nào nạn ốc bươu vàng. Ban đầu do không ý thức được tác hại của cây mai dương, người dân đưa về trồng làm hàng rào, cây nhanh chóng thích nghi và lan nhanh. Cùng với thời gian, chúng lan tràn khắp nơi và trở thành một hiểm họa cho việc canh tác, trồng trọt của người dân. Ven các con sông, bãi đất trống, mương nước, cây này mọc thành bè, nước dâng đến đâu thì rễ và cành sẽ mọc theo đến đó.

Năm 2010, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND “Về việc ngăn chặn sự phát triển và tổ chức diệt trừ cây Mai dương (Mắt mèo hoặc Trinh nữ nâu)”. Tỉnh huy động mọi lực lượng tiến hành chặt sát gốc cây, đào rễ và phơi khô sau đó đem đốt. Công việc này cần tiến hành tốt nhất khi cây chưa đến kỳ ra hoa kết trái và cần phải thường xuyên, liên tục. Khuyến khích chủ sở hữu đất chủ động ngăn chặn và diệt trừ cây Mai dương cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn loại cây này, nhưng đến nay cây Mai Dương lại phát triển nhanh chóng trở lại.

Cây mắt mèo phát triển đến chóng mặt tại thị xã Hương Thủy

 

Đặc biệt, tại thị xã Hương Thủy, sự phát triển lan nhanh đến mức thị xã này đã phải chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể và các địa phương tích cực ra quân tiêu diệt. Một số biện pháp được thực hiện như chặt sát gốc phơi khô rồi thu gom đem đốt, phun thuốc… nhưng xem ra hiệu quả chỉ mang tính tức thời. Một số đoàn thể như Đoàn thanh niên, nông dân tổ chức các đợt ra quân phát dọn, đồng thời tuyên truyền cho người dân thấy được hiểm hoạ từ loại cây này để diệt trừ. Tuy nhiên, dù cố gắng đến đâu thì sự ra quân cũng mang tính phong trào, chưa thường xuyên, hết đợt ra quân thì cây lại phát triển xanh tốt trở lại. Sở dĩ dẫn đến tính trạng này là do ý thức của người dân chưa cao. Khi lực lượng của các ban ngành, đoàn thể tổ chức ra quân tiêu diệt thì người dân quanh khu vực lại xem đó là công việc của các đoàn thể, của nhà nước, chưa chung tay góp sức với mọi người, thậm chí còn khoanh tay đứng nhìn…

Trên địa bàn thị xã Hương Thủy có những vùng cây mọc nhiều như dọc tuyến Quốc lộ 1A trên cánh đồng Thanh Lam; Tỉnh lộ 3 đi các xã Thủy Thanh, Phú Hồ; tuyến đường liên xã thuộc phường Thủy Châu – Thủy Lương; trên các bờ ruộng, bờ ao, một số vườn nhà thuộc phường Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương… cây mai dương đang phát triển rất mạnh.

Nguyễn Phương

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: