Chăm sóc sức khỏe ngày Tết

Ngày Tết là dịp họp mặt, vui chơi sau một năm bận rộn, nên mọi người thường “lơ là” sức khỏe của mình, bên cạnh đó, trong những ngày này, thói quen sinh hoạt hàng ngày của nhiều người bị đảo lộn, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Để giúp quý vị và các bạn có thêm những kiến thức căn bản để phòng tránh những bệnh thường xảy ra trong dịp tết, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS. Võ Văn Thắng – Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược Huế về vấn đề này.

PV: Thưa PGS.TS.BS. Võ Văn Thắng, theo ông những bệnh nào thường xảy ra trong dịp tết và cách nhận biết như thế nào ?

PGS.TS.BS. Võ Văn Thắng: Tết là dịp để mọi người vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm dài làm việc vất vả. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để nhiều bệnh tật có cơ hội bùng phát. Do đó, mọi người cần chú ý đề phòng sự xuất hiện của một số bệnh tật dưới đây:

– Ngộ độc thực phẩm: triệu chứng đầu tiên là đau bụng sau khi ăn, kèm theo nôn mửa và tiêu chảy. Người bệnh có thể sốt nhẹ, mệt mỏi toàn thân.

– Dị ứng thực phẩm: Thường biểu hiện ngứa toàn thân, da nổi những cục, mảng, đốm xung huyết, xuất huyết. Nếu có  mệt, đau bụng và khó thở, tím tái… là triệu chứng nặng cần đưa đi viện ngay. 

– Rối loạn tiêu hóa: triệu chứng đầu tiên là đau bụng sau khi ăn, đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu, chán ăn. Có thể nôn, buồn nôn hay tiêu chảy.

– Tiêu chảy: biểu hiện đau bụng sau khi ăn, sau đó đi cầu phân tóe nước, nếu trong phân lẫn nhầy, máu hoặc phân màu nâu là có hiện tượng viêm ruột cần đi khám ngay.

– Viêm tụy cấp: tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, triệu chứng đầu tiên là sau bữa tiệc ăn nhiều thịt, cá, uống nhiều rượu bia, thấy đau bụng vùng thượng vị, nôn ói dữ dội, người mệt lả…Khi có các biểu hiện trên cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

– Cơn Gout cấp: cơn Gout cấp thường xuất hiện về đêm, biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau các khớp nhỏ (thường gặp nhất là khớp bàn ngón chân cái). Người bệnh đau nhiều, không ngủ được, có thể phải nhập viện cấp cứu trong đêm do đau.

– Tiểu đường: cần duy trì uống thuốc đều đặn và thực hiện chế độ kiêng khem những đồ ngọt, đặc biệt là những thức ăn làm sẵn có khá nhiều muối và đường. Nếu thấy người mệt mỏi, nhức đầu thì nên đi kiểm tra đường huyết vào sáng sớm lúc bụng đói.

– Tăng huyết áp: cũng duy trì uống thuốc, kiểm tra huyết áp đều đặn và thực hiện chế độ kiêng những thức ăn quá mặn, đặc biệt là những thức ăn làm sẵn, thức ăn nhanh do có chứa nhiều muối và chất béo. 

– Các bệnh tim mạch như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim. Người bệnh nếu đang có chỉ định điều trị thuốc hay chế độ ăn kiêng thì phải duy trì đúng theo hướng dẫn. Không nên ăn quá no và uống nhiều bia rượu.

– Đột quỵ: Là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng cho cuộc sống sau này. Mọi người cần có các biện pháp dự phòng như chống béo phì, tập thể dục thường xuyên, không ăn mặn, hạn chế mỡ, hạn chế đường, giảm bia rượu; nếu có bệnh thì điều trị để hạ mỡ máu, phòng chống tăng huyết áp, ổn định đường huyết.

– Ngộ độc rượu, bia: Uống quá nhiều, quá nhanh rượu bia có thể dẫn đến ngộ độc, gây ảnh hưởng đến hô hấp, nhịp tim và có khả năng dẫn đến hôn mê và tử vong.

¦ PV: Thưa ông, số lượng bệnh nhân bị bệnh vào trong những dịp Tết có tăng cao hơn so với ngày thường không? Thường thì mức độ nguy hiểm của các bệnh như thế nào ?

PGS.TS.BS. Võ Văn Thắng: Trong dịp tết, các cơ sở y tế không tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh, chỉ tiếp nhận các bệnh cấp cứu như tai nạn giao thông, các bệnh cấp cứu nội khoa (bệnh tim mạch, huyết áp, cơn Gout cấp….), ngoại khoa (viêm ruột thừa, lồng ruột, chấn thương…). Tuy nhiên, các số liệu thống kê trước đây cho thấy, số lượng bệnh nhân phải nhâp viện cấp cứu trong những ngày tết vẫn khá cao và mức độ biểu hiện bệnh cũng rất trầm trọng. Lý do có thể liệt kê như dưới đây:

– Do tâm lý thoải mái ngày tết là ngày vui chơi nên hầu như ai cũng chơi hết mình, ngay cả những người đang điều trị bệnh mạn tính, quên cả những điều kiêng cữ hàng ngày… nên khi tình trạng bệnh lý xảy ra thì cũng hết sức nguy hiểm.

– Các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính có thể dễ quên uống thuốc trong những ngày tết. Nhất là những bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, một khi quên uống thuốc thì có thể dẫn đến các hậu quả vô cùng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, hôn mê do đái tháo đường… có thể dẫn đến tử vong.

– Một đặc điểm thường thấy ở các bệnh nhân nhập viện trong ngày tết là nhập viện muộn, điều này có thể do tâm lý kiêng kỵ trong ngày tết (kiêng kỵ đi khám trong những ngày đầu năm do sợ mắc bệnh cả năm), ngại làm phiền đến con cháu.

– Bên cạnh đó, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đánh nhau cũng chiếm số lượng cao trong số bệnh nhân đến cấp cứu và nhập viện.

¦ PV: Vào dịp tết, các bậc cha mẹ rất lo lắng cho trẻ em, đối tượng rất dễ bị bệnh trong dịp tết vì sinh hoạt, ăn uống thường bị đảo lộn. Bác sỹ nhận xét về vấn đề này như thế nào? 

PGS.TS.BS. Võ Văn Thắng: Trong những ngày tết, sinh hoạt, ngủ nghỉ và ăn uống của trẻ thường bị xáo trộn. Trẻ theo bố mẹ đi chơi nhiều, tiếp xúc nhiều với không khí nóng (hoặc lạnh), kèm theo ăn uống thất thường nên dễ bị cảm sốt hay mắc các bệnh về tiêu hóa và hô hấp. Lời khuyên đối với cha mẹ trẻ là nên chú ý duy trì sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi của trẻ điều độ, chuẩn bị các thức ăn cần thiết của trẻ khi đi ra ngoài, chú ý giữ vệ sinh khi chế biến thức ăn và bảo quản hay mang theo. Bên cạnh đó, khi đưa trẻ ra ngoài, bố mẹ cần chú ý cho trẻ mặc áo quần đủ ấm, nếu trẻ chạy nhảy nhiều ra mồ hôi cần lau người, thay quần áo để tránh trẻ bị nhiễm lạnh. Mặt khác, hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, uống nhiều các loại nước ngọt và đặc biệt cần chú ý khi cho trẻ ăn các loại thực phẩm ngày tết dễ gây sặc, hóc như thạch dẻo, mứt dẻo, hạt dưa, hạt dẻ, hoa quả có hạt….Tốt nhất chỉ cho trẻ ăn các loại thực phẩm này khi có người lớn giám sát.

¦ PV: Còn những người lớn tuổi thì cần phải quan tâm đến vấn đề gì, nhất là việc ăn uống, thưa bác sỹ ?

PGS.TS.BS. Võ Văn Thắng: Trong những ngày trước tết, mọi người đều bận rộn, vì vậy thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tâp thể dục có thể bị xáo trộn, điều này không tốt cho những người lớn tuổi, đặc biệt là người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, gout. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của những người lớn tuổi, chúng ta cần chú ý đến các điểm như sau:

– Ăn mặc: trời lạnh, người lớn tuổi cần ăn mặc đủ ấm khi đi ra ngoài, chú ý giữ ấm cổ, ngực, bàn tay, bàn chân, đặc biệt là đối với những người mắc các bênh như tăng huyết áp, bệnh tim mạch… không nên ra khỏi nhà vào ban đêm và tập thể dục vào sáng sớm. Nếu luôn giữ cơ thể đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giữ được sự khỏe mạnh chống chọi với thời tiết lạnh bất thường.

– Sinh hoạt: Duy trì nếp sinh hoạt hàng ngày, tránh làm việc quá sức. Không nên đi chơi quá xa. Không ra ngoài gió lạnh ngay sau khi uống bia rượu.

– Về ăn uống: luôn luôn đảm bảo ăn 3 bữa sáng, trưa, tối đúng giờ, tránh quá bữa, bỏ bữa, chỉ nên ăn vừa no để dễ tiêu hóa. Hạn chế các thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ. Tránh uống rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều.

¦ PV: Một trong những bệnh trong dịp Tết được mọi người quan tâm nhất hiện nay là ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa. Ông có thể phân tích thêm dấu hiệu của bệnh này ?

PGS.TS.BS. Võ Văn Thắng: Ngộ độc thực phẩm được hiểu là tình trạng bệnh lý xảy ra do ăn phải các thực phẩm có chứa chất độc. Chất độc ở đây có thể là các chất phụ gia cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất  hoặc độc tố vi rus, vi khuẩn, các độc tố được tao ra do quá trình hư hỏng của thực phẩm hay thậm chí là độc tố người sản xuất vô tình hay cố ý cho vào. Tùy theo loại chất độc mà người bệnh có thể có các biểu hiện khác nhau. Các biểu hiện của bệnh thường xuất hiện sau khi ăn khoảng từ 30 phút, người bệnh có thể thấy đau bụng, buồn nôn, nhức đầu choáng váng, sau đó nôn nhiều hoặc tiêu chảy, kèm theo đó người bệnh có thể bị sốt nhẹ… Mức độ trầm trọng của bệnh sẽ khác nhau tùy theo mức độ độc và loại chất độc. Khi các triệu chứng này xuất hiện, cần ngưng sử dụng ngay các thực phẩm nghi ngờ và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà hay dùng các loại thuốc dân gian hay thuốc tây để làm cầm tiêu chảy hay giảm nôn mửa.

Rối loạn tiêu hóa được hiểu là tình trạng ăn uống quá nhiều, vượt qua khả năng tiêu hóa và hấp thụ bình thường của cơ thể, bắt buộc cơ thể phải đào thải bớt thức ăn ra ngoài. Ví du như khi môt người ăn uống quá nhiều thứ một lúc hay ăn uống quá nhiều dầu mỡ và các thực phẩm khó tiêu hay uống qua nhiều bia rượu thì sẽ bị đầy bụng, chướng hơi, buồn nôn, có thể nôn sau đó tiêu chảy. Với bệnh này thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn, có thể cho người bệnh uống men tiêu hóa, nhai một ít gừng tươi, ăn các thực phẩm có tác dụng hỗ trợ cho tiêu hóa như sữa chua… và đi lại nhẹ nhàng sau khi ăn để hệ thống dạ dày ruột hoạt động hiệu quả hơn. Nếu sau đó các triệu chứng vẫn không đỡ thì có thể đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.   

Điều cần chú ý là, khi có các triệu chứng của ngộ độc thức ăn hay rối loạn tiêu hóa, tuyệt đối không được dùng các thuốc làm cầm tiêu chảy hay giảm nôn ói. Các biểu hiện này là phản xạ tự bảo vệ của cơ thể nhằm tống các chất độc hay vi khuẩn ra ngoài, nếu dùng thuốc để ức chế các phản xạ này làm ứ đọng vi khuẩn và độc tố trong cơ thể, làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh. Điều cần làm là cho người bệnh uống nhiều nước, dung dịch Oresol và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Doãn Quan (thực hiện)

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: