Chắp cánh ước mơ trở thành nhà sáng chế

  • Đinh Văn Chung
  • 28-12-2015
  • 594 lượt đọc
Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên – Nhi đồng

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tổ chức Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Tài chính, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tập trung triển khai các hoạt động và đạt kết quả đáng trân trọng.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh – Phan Ngoc Thọ và GS.TS. Trần Hữu Dàng – Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trao giải Nhất Cuộc thi tỉnh Thừa Thiên Huế Lần thứ VIII, năm 2015

Với những cố gắng trong công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động, số lượng đề tài đăng ký tham gia có sự gia tăng mạnh mẽ. Có 85 đề tài tham gia Cuộc thi cấp tỉnh được tuyển chọn từ hàng trăm đề tài tại Cuộc thi cấp huyện, trong đó có 81 đề tài hợp lệ gồm: Lĩnh vực Sản phẩm thân thiện với môi trường 17 đề tài; Lĩnh vực Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế 16 đề tài; Lĩnh vực Dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ ẹm 18 đề tài; Lĩnh vực Phần mềm tin học 14 đề tài; Lĩnh vực Đồ dùng dành cho học tập 16 đề tài.

Ban tổ chức đã chấm và trao giải cho 49 đề tài bao gồm: 03 giải Nhất, 07 giải Nhì, 10 giải Ba, 29 giải Khuyến khích.

Chất lượng đề tài tham gia Cuộc thi năm nay tuy chưa có những đột phá mạnh mẽ nhưng đã có chuyển biến, tiến bộ rõ nét. Tiêu biểu là các đề tài: Hệ thống báo cháy tự động qua Internet của tác giả Lê Ngô Duy Phong, Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy; Nghiên cứu tạo nguồn cơ chất tổng hợp Poly Lactic Acid từ xơ dừa của nhóm tác giả Võ Đức Huy, Trương Thị Diễm Quỳnh, Trường THPT Chuyên Quốc học; Sử dụng phân động vật để nuôi giun quế (Perionyx Excavatus) phục vụ chăn nuôi gà và trồng rau tại phường An Đông – An Tây của nhóm tác giả Trần Thị Quỳnh Nhi, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Trần Thị Thu Uyên, Trường THCS Đặng Văn Ngữ, thành phố Huế. Lĩnh vực có đột biến ngoạn mục nhất là Phần mềm tin học có 14 đề tài so với 1 đề tài của năm 2014 và các năm trước đó. Đặc biệt, em Lê Ngô Duy Phong Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy đạt 03 giải: Nhất, Nhì, Ba trong lĩnh vực Phần mềm tin học.

Từ kết quả này, Ban tổ chức đã tuyển chọn được 20 đề tài tham dự Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc lần thứ 11, năm 2015.

Ban tổ chức Cuộc thi đã long trọng tổ chức triển lãm và truyền hình trực tiếp lễ tổng kết trao giải một cách chu đáo, hoành tráng nhằm động viên, tôn vinh các nhà sáng tạo trẻ.

Nhìn chung, Cuộc thi năm nay đã có nhiều tiến bộ so với những năm trước. Sự thành công của Cuộc thi sẽ có tác động thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

Để có được kết quả đó, Ban Tổ chức đã đẩy mạnh công tác truyền thông về Cuộc thi cả chiều sâu lẫn chiều rộng, tổ chức phát động Cuộc thi tại buổi truyền hình trực tiếp lễ tổng kết và trao giải năm 2014, tổ chức hội nghị triển khai kế hoach Cuộc thi ngay từ đầu năm 2015. Ban Tổ chức đã tích cực, chủ động đăng ký làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tổ chức Cuộc thi cấp huyện. Đồng thời thường xuyên liên lạc, hỗ trợ và thông tin kịp thời tình hình tổ chức, triển khai Cuộc thi trên phạm vi toàn tỉnh.

Thông tin về Cuộc thi được đăng tải trên các Bản tin Khoa học & Kỹ thuật, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế và website của Liên hiệp hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, các phòng Giáo dục và Đào tạo nhằm cung cấp đầy đủ thông tin đến tất cả các đối tượng tham gia Cuộc thi.

Qua quá trình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, 9 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập BTC Cuộc thi, do Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm trưởng ban. Có 7/9 đơn vị tổ chức đánh giá, tổng kết, trao giải và tuyển chọn đề tài tham gia Cuộc thi cấp tỉnh. Nhiều đơn vị đã làm tốt việc triển khai như: thành phố Huế, huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền….Đây là năm đầu tiên Cuộc thi được tổ chức ở cấp huyện và đã thu hút được đông đảo các em tham gia, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác tổ chức Cuộc thi cần đổi mới những nội dung như: Hình thức truyền thông, hướng dẫn Cuộc thi, đặc biệt là ở cấp huyện cần đa dạng, phong phú và thường xuyên hơn; Bản thuyết minh của nhiều đề tài chưa đạt yêu cầu, chưa làm rõ cấu tạo, tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng. Do vậy, cần có biểu mẫu và hướng dẫn cụ thể; Mô hình của các đề tài cần được đầu tư kỹ hơn đảm bảo tính thẩm mỹ, tính kỹ thuật, gọn nhẹ và bền vững; Về công tác chấm thi, BTC cần tạo điều kiện cho giám khảo tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với tác giả để đảm bảo đánh giá chính xác hơn.

Ngoài ra, để Cuộc thi những năm tới đạt được những kết quả tốt hơn, cần chú trọng một số giải pháp như: Công tác triển khai cần tiến hành sớm ngay đầu năm học và có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị một cách thường xuyên; Phát huy tốt hơn nữa vai trò của từng thành viên BTC; đặc biệt là vai trò của ngành Giáo dục và Đào tạo và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác chỉ đạo; Tăng cường công tác truyền thông về Cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng tờ rơi, áp phích trực tiếp tại cơ sở để phổ biến sâu rộng các thông tin về Cuộc thi đến các cấp, các ngành, đặc biệt là các em thanh thiếu niên, nhi đồng; Các trường học nên phát động ý tưởng sáng tạo ngay từ đầu năm học. Từ đó, lập hội đồng tuyển chọn ý tưởng, phân công giáo viên hướng dẫn học sinh hiện thực hóa ý tưởng; Các phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu cho UBND huyện kế hoạch tổ chức Cuộc thi của địa phương, tạo ra phong trào thi đua sáng tạo trong các trường học; UBND tỉnh, Sở Tài chính có kế hoạch bổ sung, phát triển Quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật, hướng dẫn việc bố trí kinh phí hàng năm để các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức Cuộc thi ở các địa phương; UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức Cuộc thi tại địa phương, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên.

Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích tính sáng tao của tuổi trẻ. Đây là hoạt động có ý nghĩa hỗ trợ hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ, giúp các em nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà sáng chế. Thừa Thiên Huế là vùng đất học, vùng đất của những tài năng thì Sáng tạo phải là một trong những đặc điểm nổi trội, là thế mạnh của địa phương. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần có sự phối hợp tốt giữa các ngành liên quan, các địa phương trong việc tổ chức Cuộc thi.

Huệ Nhân







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM