“CoVid-19 có thể lây truyền qua Aerosol”: Hiểu thế nào cho đúng?

  • CTV dự án Y học cộng đồng
  • 12-03-2020
  • 246 lượt đọc
Phổ biến kiến thức

Ngày 8 tháng 2 vừa qua, báo China Daily đăng thông tin các quan chức Thượng Hải tiết lộ một đường lây truyền tiềm năng khác của coronavirus mới (CoVid-19). Đó là lây truyền qua aerosol (aerosol transmission), ngoài cách lây qua đường giọt bắn hoặc tiếp xúc thường được nhắc đến từ trước [1], [2]. Ngay lập tức “aerosol” trở thành một từ ngữ được chú ý, xuất hiện nhiều nơi và cũng kéo theo nhiều tranh cãi về ý nghĩa thực sự của nó. Một số chuyên gia y tế cho rằng, aerosol nên được hiểu là “khí dung”, một số lại dịch là “khí dung giao” và số khác còn nói chắc nịch rằng đó chính là “không khí” (?!).

     1. Aerosol thực chất là gì?

     Theo định nghĩa về mặt y khoa, aerosol là các giọt ẩm nhỏ (droplets) lơ lửng trong không khí. Nếu giọt nhỏ này chứa mầm bệnh thì có thể làm lan truyền dịch bệnh. Vì thế, aerosol có thể trở thành phương tiện lây nhiễm bệnh hô hấp.

     Hiện nay, người ta đã biết aerosol có thể được phát tán khi:

  • Ho, hắt hơi mạnh
  • Một số thủ thuật y tế gây ho (như hô hấp nhân tạo, dùng máy khí dung, nội soi khí quản, hút đờm…)
  • Máy tạo độ ẩm, quá trình làm nóng.
  • Hệ thống thông khí, máy lạnh.
  • Giật toilet, chùi cọ sàn nhà

     Trong nhiều năm qua, đã có nhiều nghiên cứu phân loại aerosol dựa trên kích thước của hạt và đặc tính khí động học đi kèm. Cách phân chia làm ba nhóm dưới đây được chấp nhận rộng rãi:

       (1) Các hạt <10 micron: rất nhỏ nên có thể lơ lửng trong không khí và có thể lây lan ở cả khoảng cách gần và xa. Các hạt <5 micron có thể xâm nhập vào sâu bên trong phổi. Những giọt ẩm này được cho là phương tiện trong lây nhiễm qua không khí (Airborne transmission). 

       (2) Các hạt >20 micron: có kích thước lớn nên sau khi bắn ra do người bệnh ho hoặc hắt hơi sẽ bay theo “quỹ đạo đường đạn” và thường rơi ngay xuống đất trong khoảng cách gần (< 2m). Vì kích cỡ lớn, chúng không thể tự lơ lửng trong không khí, không tự vào trong phổi và khẩu trang y tế có thể ngăn cản chúng một cách hiệu quả. Hạt dạng này còn được gọi là “hạt bắn” hay “giọt bắn”, là phương tiện trong lây nhiễm qua “giọt bắn” (Droplet transmission).

       (3) Các hạt trong khoảng 10-20 micron: có một số đặc tính trung gian giữa các hạt rất nhỏ và hạt lớn đã nêu [3]

Hình 1: Quỹ đạo đường đạn của các hạt bắn/giọt bắn sau khi ho hoặc hắt hơi.

       Theo một số nghiên cứu, thời gian “lơ lửng” trong không khí thường tương quan với kích thước của aerosol sinh học (bio-aerosol) như sau [4]:

Kích thước aerosol sinh học và thời gian lơ lửng trong không khí

Hạt có kích thước

Sẽ rơi xuống đất sau

100 micron

40 micron

20 micron

10 micron

5-10 micron

≤ 5 micron

10 giây

1 phút

4 phút

20 phút

30-45 phút

Có thể được hít vào tận phế nang

     Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thời gian lơ lửng còn tùy thuộc vào yếu tố môi trường, đặc biệt là luồng gió. Ví dụ: một giọt bắn kích thước lớn hoàn toàn có thể lơ lửng rất lâu và bay xa trong không khí, thậm chí dù đã rơi xuống đất nhưng chúng vẫn có thể bay lên và lơ lửng trở lại dưới điều kiện thuận lợi (môi trường có gió mạnh, hoặc nhờ hệ thống thông gió tầng hầm,…)

     Như vậy, điều tiên quyết trong định nghĩa aerosol là khả năng “lơ lửng” trong không khí thật ra lại không chỉ phụ thuộc vào kích thước hạt mà còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố kèm theo, trong số đó có cả yếu tố môi trường.

     Quan trọng hơn, cần hiểu rằng aerosol chỉ là phương tiện lây nhiễm; không nên đánh đồng khái niệm lây truyền qua aerosol (aerosol transmission) với lây truyền qua không khí (airborne transmission)

       Vậy lây truyền bệnh qua không khí là thế nào?

     Một bệnh lây truyền qua không khí khi và chỉ khi hội tụ đủ hai điều kiện sau:

     (1) Điều kiện cần: phải có sự tạo thành các aerosol đủ nhỏ để lơ lửng trong không khí (kích thước <5 micron)

      (2) Điều kiện đủ đòi hỏi virus/vi khuẩn phải:

  • Sống được đủ lâu ở ngoài không khí,
  • Số lượng đủ lớn để gây bệnh, và
  • Tiếp xúc được với vị trí thích hợp trong cơ thể (ví dụ: virus hô hấp mà chỉ bám trên da, tóc và nằm yên luôn ở đó thì không thể gây viêm phổi được). Các vị trí này thường có thụ thể đặc hiệu để tác nhân gây bệnh có thể gắn kết và xâm nhập vào bên trong [5].

     Ví dụ: virus gây cúm Influenza hay một vài virus đường ruột, bao gồm cả Rotavirus, có khả năng phát tán dưới dạng các aerosol kích thước nhỏ, nhờ đó có thể lây truyền ở khoảng cách xa hơn 1m. Tuy nhiên, các virus này không thể tồn tại khi di chuyển theo các luồng khí và đi qua quãng đường dài, nên chúng chỉ có thể lây giới hạn trong phạm vi một căn phòng, chứ không thể bay lơ lửng từ phòng này sang phòng khác để gây bệnh. Ngoài ra, nhiễm bệnh là một quá trình phức tạp, phụ thuộc tương tác giữa mầm bệnh và hệ miễn dịch trong cơ thể vật chủ; không phải cứ dính một ít mầm bệnh là chắc chắn mắc bệnh.

     3. Liệu CoVid-19 có thực sự lây lan qua aerosol – Hiểu biết của chúng ta đến đâu?

     Hiện nay, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (National Health Comission – NHC) và Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organisation – WHO) chưa hề đưa ra bất kì xác nhận nào về đường lây truyền này của Covid-19. [6]

     Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) nói về cách lây lan của CoVid-19: “Lây truyền từ người sang người, xảy ra khi tiếp xúc gần (trong phạm vi 6 feet – khoảng 1,83m). Hình thức lây truyền này chủ yếu qua tiếp xúcqua các giọt bắn, tạo ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, tương tự như cách lây lan của cúm và các tác nhân hô hấp khác” [7]

     Mặc dù những loại virus hô hấp như cúm, SARS, MERS-CoV có thể lây qua đường không khí trong một số điều kiện nhất định, như khi thực hiện các thủ thuật trong bệnh viện; hiện chưa thể đưa ra kết luận rằng 2019-nCoV cũng có thể lây qua con đường này. Các nhà chuyên môn sẽ cần phải đánh giá cụ thể các điều kiện để biết nếu có lây thì lây trong tình huống nào.

     Như vậy, để khẳng định một con đường lây truyền bệnh mới không đơn giản chỉ dựa vào suy luận cảm tính mà cần phải có số liệu minh chứng rõ ràng. Một đường lây truyền mới phải được công bố trên những tạp chí khoa học uy tín, được kiểm duyệt kĩ lưỡng bởi đội ngũ chuyên gia chứ không nên công bố mập mờ trên những tờ báo/tạp chí phổ thông như vậy. Trong bối cảnh hiện nay, thông tin về aerosol và lây truyền qua aerosol nên được tiếp nhận và chia sẻ thận trọng; tránh những hiểu nhầm không đáng có, gây hoảng loạn trong cộng đồng và ảnh hưởng đến chiến lược phòng chống dịch bệnh.

Hình 2: Các đường lây truyền nhiễm trùng hô hấp nói chung

     Hình 2 minh hoạ các con đường có thể lây truyền nhiễm trùng hô hấp giữa người nhiễm bệnh (màu cam) và người mẫn cảm/có khả năng bị lây (màu trắng). Người nhiễm bệnh sẽ tạo ra các hạt lây nhiễm khi thở ra, ho hoặc hắt hơi với nhiều kích thước khác nhau và bay xa/gần khác nhau. Các hạt này có thể lây truyền cho người khác khi họ hít/nuốt phải (qua tiếp xúc gần hoặc qua không khí), chúng cũng có thể lắng xuống các bề mặt và từ đó gián tiếp lây bệnh cho người khác (qua bề mặt).

     Lưu ý: Ở hình dưới cùng góc bên phải: hai người không phải là nguồn lây vẫn có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với bề mặt có mầm bệnh dù người bệnh không có ở đó. Con đường lây truyền qua không khí của virus 2019-nCoV chưa được chứng minh.

 

Nhóm tác giả:

Nguyễn Khởi Quân, DS. Phạm Trần Thu Trang,   

BS. TS. Phạm Nguyên Quý, BS. TS. Nguyễn Hữu Châu Đức.    

Cộng tác viên dự án Y học cộng đồng

Trường Đại học Y Dược Huế.

 







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM