Đặc điểm cấu tạo về Magma xâm nhập khu vực Nam Đông

  • Bùi Thắng
  • 16-04-2020
  • 175 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Trên diện tích khu vực huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế xuất lộ chủ yếu các thành tạo magma của các phức hệ sau: Phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn (Di-GDi-Ga P2-T1 qs); Phức hệ Chà Vằn (Gb/a T3 cv) và Phức hệ Hải Vân (Ga T3 hv­). Ngoài ra còn có các đai mạch nhỏ có thành phần là: diabas, diorit, porphyrit, monzonit, granit aplit được tạm xếp vào các thành tạo đai mạch chưa có tuổi.

      1. Phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn (Di-GDi-Ga P2-T1 qs

      Trên diện tích nghiên cứu, các thành tạo của phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn phân bố khá rộng rãi ở các khu vực phía Đông Bắc Khe Tre, Hương Sơn, Hương Giang và Hương Hòa; trong đó các khối granodiorit ở xã Hương Hòa bị phong hóa mạnh tạo sản phẩm tàn tích (eQ) dưới dạng các đồi thoải.

      – Thành phần thạch học

      Các thành tạo granodiorit thuộc phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn gồm có ba pha đá xâm nhập chính và một pha đá mạch.

  • Pha 1: diorit thạch anh – horblend – biotit, diorit horblend-biotit.
  • Pha 2: granodiorit, granodiorit horblend – biotit, granodiorit biotit.
  • Pha 3: granit, granit biotit có horblend, granit porphyr có ban tinh felspat màu hồng.
  • Pha đá mạch gồm: kersantit, diorit porphyrit, spersactit và aplit.

      – Thành phần khoáng vật

      Thành phần khoáng vật chính của phức hệ bao gồm plagiocla, thạch anh, felspat, biotit, amphibol và các khoáng vật phụ như: epidot, sphen, ít các khoáng vật quặng (pyrit, galenit, chancopyrit…).

      – Khoáng sản liên quan

      Thuộc diện phân bố của các khối Khe Điền, Khe Thai, Ca Puy, La Sam đã gặp các vành phân tán kim lượng Pb. Ngoài ra, tại khu vực Khe Thai và La Sam đã phát hiện vàng nằm trong các đá diorit bị cà nát dọc theo đứt gãy.

      – Tuổi của phức hệ

      Phức hệ được xếp vào P2-T­1 trên cơ sở tuổi đồng vị trên đá diorit thạch anh (khối Ca Puy, Động Tri): 310 triệu năm (Rb-Sr); granodiorit (khối Đakrông): 291±6 triệu năm (Rb-Sr); granit màu hồng (khối nguồn Rào): 190 triệu năm (Rb-Sr).

      2. Phức hệ Chà Vằn (Gb/a T3 cv)

      Các đá phức hệ Chà Vằn xuất hiện dưới dạng những khối xâm nhập nhỏ ở phía Tây Bắc và Tây Nam của khu vực nghiên cứu.

      – Đặc điểm thạch học

      Thành phần thạch học chủ yếu của phức hệ Chà Vằn là các thành tạo xâm nhập mafic, bao gồm các đá gabropyroxenit, gabronorit, gabro, gabrodiorit, diorit và các đai mạch gabrodiabas, gabropegmatit.

      – Đặc điểm khoáng vật

      Thành phần khoáng vật chính của các thành tạo xâm nhập gabroit phức hệ Chà Vằn gồm plagiocla, felspat, pyroxen, olivin và ít thạch anh. Thành phần khoáng vật phụ bao gồm zircon, apatit, ilmenit và sphen.

      – Vị trí tuổi

      Các gabroit phức hệ Chà Vằn xuyên cắt và gây biến đổi các thành tạo trầm tích phun trào hệ tầng Long Đại, hệ tầng Tân Lâm, xuyên cắt các thành tạo xâm nhập phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn, và bị các trầm tích chứa than hệ tầng Nông Sơn phủ lên; đồng thời bị granit hạt nhỏ phức hệ Hải Vân xuyên cắt. Tại các đới tiếp xúc thường có hiện tượng sừng hóa các đá vây quanh. Trên những cơ sở đó hiện nay các đá thuộc phức hệ được xếp vào nhịp magma Trias muộn.

      3. Phức hệ Hải Vân (Ga T3 hv­)

      Trong khu vực nghiên cứu, các đá granit của phức hệ Hải Vân lộ ra ở phía Đông Bắc, gồm hai pha: Pha xâm nhập chính có granit biotit hạt nhỏ – vừa, granit biotit hạt vừa – lớn, granit biotit dạng porphyr, granit hai mica; pha đá mạch là các đai mạch aplit sáng màu, hạt nhỏ.

      – Đặc điểm khoáng vật

      Thành phần khoáng vật chính của đá bao gồm felspat, plagiocla, thạch anh, mica và các khoáng vật phụ khác. Khoáng vật phụ thường gặp là: ilmenit, zircon, monazit, apatit, granat, cordierit, tuamalin, pyrit.

      – Khoáng sản liên quan

      Trong các thành tạo xâm nhập phức hệ Hải Vân chứa nhiều nguyên tố vi lượng như: Ti, Mn, Zr, Ni, Cu, Pb, Sn,… trong đó phổ biến hơn cả hàm lượng cao là Ti, Mn. Mặt khác, do phức hệ bị biến chất trao đổi nên đã tập trung một số nguyên tố như: Nb, Ta, Sn, Mo, đất hiếm,… đạt giá trị công nghiệp.

      – Vị trí tuổi

      Granitoid phức hệ xuyên cắt hệ tầng Long Đại; giá trị tuổi đồng vị xác định được là 250 triệu năm (Đào Đình Thục và Huỳnh Trung, 1995). Đặc biệt phức hệ có những nét tương đồng với granitoid phức hệ Pia Bioc và là sản phẩm kết thúc chu kỳ magma – kiến tạo Indosini trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, phức hệ Hải Vân được xếp vào nhịp magma Trias muộn (sát trước nori).

      4. Các đai mạch chưa rõ tuổi

      Các đai mạch chưa rõ tuổi có thành phần khá đa dạng bao gồm: các đai mạch diabas, đai mạch trung tính, trung tính á kiềm, granit aplit, chúng có kích thước từ vài chục centimet đến một vài mét phân bố rải rác trong các khối xâm nhập chính.







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM